Câu chuyện “tây bán, ta mua” đã trở nên bình thường.

Câu chuyện “tây bán, ta mua” đã trở nên bình thường.

Cơ cấu ngược?

(ĐTCK-online) Theo tính toán không chính thức, trong năm nay, một quỹ đầu tư nước ngoài đã bán một số lượng lớn cổ phiếu của CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển (GMD) với giá khá bèo. So với thị giá cổ phiếu GMD đạt được thời điểm hiện nay thì tổ chức này mất khoảng 400 tỷ đồng.

Không nói đến tính xác thực của con số trên, nhưng đây là minh chứng cho thấy nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài đã bán cổ phiếu ở mức giá mà đến nay có thể khẳng định là khó có thể mua lại được.

Việc tái cơ cấu danh mục được hiểu là bán cổ phiếu này để mua cổ phiếu khác có tiềm năng tăng giá cao hơn. Tuy nhiên, một số cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài bán ra với số lượng lớn trong những tháng của quý II năm nay lại có mức tăng giá cao nhất. Nếu không bán cổ phiếu này để mua những cổ phiếu khác thì có khi mức lời còn lớn hơn nhiều.

Ngày càng phổ biến việc nhà đầu tư nước ngoài này bán ra một lượng lớn cổ phiếu thì có một lực lượng đầu tư nước ngoài khác mua vào hoặc chính nhà đầu tư trong nước mua vào. Thậm chí, có trường hợp một nhà đầu tư cá nhân còn gom hết cả một cục từ vài trăm nghìn đến vài triệu cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài bán ra.

Kết quả là nhiều nhà đầu tư trong nước đã lời lớn, ở một số cổ phiếu, tỷ lệ lợi nhuận có thể là 100%. Một số tổ chức đầu tư là công ty chứng khoán trong nước đã tranh thủ mua những cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ra ở vùng giá thấp để giảm giá vốn bình quân cho khoản đầu tư của mình.

Câu chuyện “tây bán, ta mua” đã trở nên bình thường, thay vì tây bán ta bán như trước.

Sau những thời khắc khó khăn vừa qua, xem ra các quỹ đầu tư nước ngoài lại phản ứng chậm hơn các tổ chức đầu tư trong nước trong nhận định thị trường và phân tích doanh nghiệp. Hay là các quỹ nước ngoài hiểu rõ hơn và mất mát nhiều hơn trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nên nỗi lo lắng có vẻ cũng lớn hơn nhà đầu tư trong nước (!?)

Có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến nhà đầu tư nước ngoài lỡ trớn trong đợt phục hồi của thị trường trước tháng 6. Và họ đã bắt đầu nhập cuộc khi thị trường đảo chiều đi xuống.

Câu chuyện cơ cấu của nhà đầu tư nước ngoài cũng giống như việc nhiều nhà đầu tư trong nước lướt sóng trong thời gian qua. Thay vì nắm giữ cổ phiếu từ 1 - 2 tháng, nhà đầu tư mua vào bán ra để lướt sóng, nhưng rốt cuộc lại bán cao để rồi phải mua lại với giá cao hơn.

Chẳng hạn, nếu giữ nguyên cổ phiếu MPC với 17 - 18.000 đồng/cổ phiếu từ tháng 6 thì hiện nay nhà đầu tư có được mức lời gần 100% khi MPC tăng đến 33.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu khác cũng có mức tăng giá 100% từ giữa năm đến nay.

Vì vậy, thay vì cơ cấu, khi đã chọn đúng cổ phiếu tốt mà mình hiểu biết rõ, nhà đầu tư có thể lựa chọn phương án kiên nhẫn chờ đợi thay vì cơ cấu một cách lung tung, bởi không phải ai cũng biết rõ ràng về hơn một cổ phiếu.