TS. Nguyễn Đình Cung
Thưa ông, UBND TP.HCM đã đề nghị sửa nhiều quy định làm cơ sở pháp lý thực hiện các phương án cơ cấu lại Saigontourist, như ban hành nghị định thay thế Nghị định số 172/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu; thay thế nghị định về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước...
Câu hỏi là sửa nghị định hay cả luật để làm gì, để doanh nghiệp nhà nước phát triển hơn, mạnh hơn, hay chỉ để phục vụ mong muốn chủ quan của chủ sở hữu?
Tôi muốn chia sẻ một thực trạng là lâu nay, tư duy của Nhà nước là những gì liên quan đến doanh nghiệp nhà nước là phải quản. Nhưng vấn đề là nội hàm của tư duy quản lý này vẫn nặng tính kế hoạch tập trung, chủ yếu theo nghĩa là quản theo ý đồ của chủ sở hữu, chứ không quản theo quy luật, quản theo thị trường. Với tư duy này, các đề xuất ban hành, sửa đổi văn bản pháp luật chủ yếu phục vụ mục tiêu kiểm soát, quản lý, chứ không phải để doanh nghiệp nhà nước mạnh lên.
Cách đề xuất của TP.HCM chỉ là một ví dụ và cũng có lý do để lý giải.
Theo ông thì tại sao?
Tôi phải nhắc lại quyết định hành chính chuyển một loạt doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên vào năm 2010. Bằng cách này, chúng ta đã hoàn thành tiến độ công ty hóa doanh nghiệp nhà nước được đặt ra tại Luật Doanh nghiệp 2005 - văn bản luật đầu tiên áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp có vốn nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài hay vốn của tư nhân trong nước.
Nhưng về bản chất, quá trình công ty hóa doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật tương ứng, đã không được thực hiện đúng như luật định. Sau đó, những năm 2011-2013, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng trong các doanh nghiệp nhà nước, bắt đầu từ Vinashin đã khiến tư duy thị trường với doanh nghiệp nhà nước bị chững lại. Quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước bị thu hẹp.
Vấn đề là các quy định luật lệ hình thành để phục vụ tư duy trên và hệ quả là doanh nghiệp nhà nước không thể làm gì được vì không được hoạt động theo thị trường, không được quản lý theo thị trường, không được quản trị theo thông lệ. Đặc biệt, các cơ chế quản lý cũng được hình thành để phù hợp với người quản lý doanh nghiệp là công chức, cơ quan chủ sở hữu như là cơ quan quản lý nhà nước...
Chúng tôi đã nhận thấy rất rõ thực trạng này khi tham gia nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13). Đây cũng là lý do chúng tôi đề xuất, nếu sửa luật phải gỡ được nút thắt về chủ sở hữu.
Theo ông, chủ sở hữu nhà nước trong vai chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc, tính toán những gì khi đưa ra các quyết định với phần vốn, doanh nghiệp của mình?
Đáng ra, UBND TP.HCM có quyền thực hiện cơ cấu lại, có thể tách phần để tham gia liên doanh, phần để kinh doanh... với các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của mình mà không cần phải trình xin Thủ tướng Chính phủ, trừ việc xin chậm cổ phần hóa theo tiến độ vì danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Nhưng quyền hạn này phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật, cũng như là doanh nghiệp đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thì cơ cấu lại, chia tách phải tuân thủ trình tự, thủ tục... của Luật, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ các bên liên quan.
Trong đề xuất sửa Luật 69/2014/QH13, chúng tôi đề nghị làm rõ vai trò của chủ sở hữu theo hướng là nhà đầu tư thực sự có trách nhiệm.
Khi đó, vốn đã giao cho doanh nghiệp là tài sản của doanh nghiệp, thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp, không thể tự do điều chuyển. Quản lý, quản trị doanh nghiệp phải theo chuẩn mực quốc tế.
Mục tiêu đầu tư vào doanh nghiệp cũng rất rõ ràng, để gia tăng giá trị cổ phần, phần vốn góp của Nhà nước, để có được tỷ suất lợi nhuận hợp lý, để phát triển sản phẩm dịch vụ chủ lực, cạnh tranh quốc tế...