Cơ cấu lại nền kinh tế: Góc nhìn từ kỷ nguyên công nghệ - Bài 4: Cơ hội trở thành 'con hổ mới'

0:00 / 0:00
0:00
Truyền thông thế giới đang phát đi thông điệp, Việt Nam có đủ các yếu tố để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới, nhưng cuộc đua trở thành “con hổ châu Á” tiếp theo của Việt Nam còn nhiều thách thức.

Bài 4: Cơ hội trở thành “con hổ mới”

Truyền thông thế giới đang phát đi thông điệp, Việt Nam có đủ các yếu tố để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới, nhưng cuộc đua trở thành “con hổ châu Á” tiếp theo của Việt Nam sẽ còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, các yếu tố cốt lõi đang bén rễ…

TS. Vũ Tiến Lộc

TS. Vũ Tiến Lộc

Nếu vẫn chỉ đảm nhận khâu gia công, đóng gói…, thì đất nước không thể vượt bẫy thu nhập trung bình.

- TS. Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Dù đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng đất nước ta cũng đang đứng trước cơ hội phát triển chưa từng có. Trước những chuyển dịch về địa chính trị, địa kinh tế và cạnh tranh chiến lược trên thế giới, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã chủ động triển khai những hoạt động đối ngoại đỉnh cao, mang ý nghĩa đột phá để hóa giải các thách thức, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và cân bằng của chúng ta với tất cả các cường quốc. Không chỉ ngành công nghiệp chip bán dẫn, mà nhiều ngành kinh tế khác như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, thương mại, du lịch, dịch vụ và an sinh xã hội… cũng đều có cơ hội phát triển bừng nở.

Để tận dụng tốt cơ hội này, sự chuẩn bị của chúng ta về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định...

Về thể chế, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có chiến lược và chính sách đột phá để phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới, để không lặp lại tình trạng sau mấy chục năm mở cửa và hội nhập mà các ngành công nghiệp chủ lực của chúng ta như ô tô, điện tử, dệt may, da giày, thậm chí cả nền nông nghiệp… về cơ bản, vẫn chỉ dừng lại ở công đoạn lắp ráp, gia công.

Nếu tham gia các chuỗi giá trị thế giới, ngay cả trong những ngành công nghiệp đỉnh cao và có tiềm năng, như chip bán dẫn, mà trong thời gian 10-15 năm tới, Việt Nam vẫn chỉ đảm nhận khâu gia công, đóng gói…, thì đất nước không thể vượt bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia phát triển.

Phải vươn lên các phân khúc cao trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến tới dẫn dắt, làm chủ một số chuỗi cung ứng trong một số lĩnh vực. Đó là thách thức rất lớn với chúng ta. Và để làm được điều này, rất cần có những quyết sách chiến lược ở tầm quốc gia của cả Quốc hội và Chính phủ. Tôi đề nghị Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội sớm các đề án về vấn đề này.

Ông Trần Văn Khải

Ông Trần Văn Khải

Cơ hội cho một Việt Nam khác biệt và thịnh vượng đã đến.

- Ông Trần Văn Khải, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Cơ hội cho một Việt Nam khác biệt và thịnh vượng đã đến và như một nhà hiền triết Jackson Brown (Mỹ) đã nói: “Không có gì đắt hơn một lần bỏ lỡ cơ hội”. Chính vì vậy, chúng ta không được phép bỏ lỡ cơ hội quý giá này. Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ khác biệt và thịnh vượng hơn trong kỷ nguyên số, nếu chúng ta kịp thời có những chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trên cơ sở đặt vấn đề như vậy, tôi xin có 3 kiến nghị.

Một là, Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất các giải pháp hết sức cụ thể, khả thi đối với việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện rõ rệt năng suất lao động, tạo ra chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới. Những nội dung vượt thẩm quyền, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Hai là, đề nghị Quốc hội khẩn trương có giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, phát triển nguồn lực lao động và năng suất lao động. Trên cơ sở đó, ban hành nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về chính sách đặc thù, đột phá định hướng đặt mục tiêu, lộ trình, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công chủ trương của Đảng.

Ba là, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, định hướng kịp thời các chính sách đột phá nhằm phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

TS. Trần Đình Thiên

TS. Trần Đình Thiên

Giờ là lúc biến thách thức của đất nước thành cơ hội cho doanh nghiệp.

- TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Cơ cấu lại nền kinh tế đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, theo nghĩa tạo ra chân dung mới cho phát triển. Nghĩa là, các phần việc để hoàn tất các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đang được bàn luận vẫn sẽ được thực hiện, nhưng phải gắn với đòi hỏi không xung đột với cái mới sẽ đến.

Việc tiếp tục phải làm là cải cách thể chế, cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước… Việc rất khó, vì đang chạm vào những vấn đề then chốt như đất đai, năng lực… Đầu tư công đã nhúc nhích cả về quy mô, tỷ lệ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do thể chế chồng chéo, xung đột, nên gây ra cái gọi là không dám làm vì rủi ro… Cải cách thể chế cũng còn gian khổ, vì động đến lợi ích.

Song hành, cách tiếp cận tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam đã khác.

Một là, xu hướng toàn cầu dịch chuyển.

Hai là cam kết của Việt Nam với thế giới rất mạnh mẽ, như mục tiêu Net Zero vào năm 2050, cam kết kinh tế xanh…

Điều đó tạo áp lực chuyển động trong nước đúng hướng với xu hướng phát triển của thế giới. Thách thức đang lớn lên, nhưng cơ hội tốt hơn, nhất là ở góc độ cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tôi cảm nhận được rằng, cách tiếp cận phát triển của đất nước đã và đang tạo ra sự đồng thuận về mặt ý chí giữa mục tiêu quốc gia và doanh nghiệp.

Tất nhiên, không dễ để thực hiện, vì nhiều vướng mắc sống còn chưa giải quyết được, nhưng lòng tin và sự đồng chí là vô cùng quan trọng. Giờ là lúc biến thách thức của đất nước thành cơ hội cho doanh nghiệp, tạo cơ chế để khu vực tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ… Làm được, tái cơ cấu nền kinh tế sẽ thành công.

TS. Nguyễn Đức Kiên.

TS. Nguyễn Đức Kiên.

Để tái cơ cấu bền vững, lúc này, vai trò của Nhà nước rất quan trọng.

- TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Nhìn ở góc độ tăng trưởng xuất khẩu, cả ở con số tuyệt đối và giá trị tăng thêm, tái cơ cấu đã thành công. Nhưng để bền vững, chúng ta cần những doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia.

Chúng ta cần doanh nghiệp Việt Nam là đối tác chiến lược với các doanh nghiệp Mỹ trong chuỗi giá trị sản xuất chip, đồng thời cần cả các doanh nghiệp lớn của Việt Nam “lên cùng thuyền” với các doanh nghiệp của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp tiêu dùng, lắp ráp thiết bị phục vụ đời sống dân sinh.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi theo xu hướng, nhu cầu của thị trường. Lúc này, Nhà nước cần ưu tiên 2 việc.

Một là tiếp tục tạo ra sự đồng thuận trong định hướng phát triển của đất nước.

Hai là đầu tư cho kết cấu hạ tầng.

Chỉ cần cải thiện kết cấu hạ tầng, giảm chi phí logistics, doanh nghiệp sẽ biết làm thế nào để khai thác cơ hội.

Trong các việc cần ưu tiên, theo tôi, trong năm 2024, cần khởi công tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng - Lào Cai, coi đây là nhiệm vụ chính trị. Nguyên tắc là có cơ chế để nội địa hóa tối đa cho doanh nghiệp Việt, dồn lực hoàn tất trong vòng 4 năm. Tuyến đường này sẽ là kinh nghiệm để chúng ta triển khai tuyến đường sắt Bắc - Nam. Từ đây, không gian phát triển cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác sẽ mở ra, đúng theo nguyên tắc đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, từ đó tạo điều kiện để tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2025-2030 đạt được mục tiêu khoảng 6,5%/năm.

Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp để chuyển sang hoạt động như một công ty đầu tư tài chính, có quyền điều chuyển vốn từ công ty này sang công ty khác nhằm thực hiện nhiệm vụ đầu tư Chính phủ giao cũng cần được thực hiện trong 2 năm 2024-2025.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là, giai đoạn này, khi khu vực doanh nghiệp tư nhân đang yếu, chưa phục hồi sau dịch bệnh, khó khăn, thì vai trò của Nhà nước vô cùng quan trọng.

TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung

Doanh nghiệp Việt có thể bắt đầu từ khâu phần mềm, thiết kế chip ứng dụng.

- TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Với xu hướng đổi mới, sáng tạo, chip, bán dẫn…, một lần nữa, nền kinh tế Việt Nam đứng trước cơ hội lịch sử. Nhưng tôi muốn nhắc lại câu nói của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng, Việt Nam không thể tay không làm chip.

Lúc này, câu hỏi cần được đặt ra không phải là có thể làm không, mà là cần làm gì, đi hướng nào, ai làm và làm thế nào, nguồn lực ở đâu để làm được. Đặc biệt, vai trò của Nhà nước cần phải nổi rõ, từ đầu tư cho đào tạo, dạy nghề, chứ không chỉ mãi quanh quẩn với cải cách sách giáo khoa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phòng thí nghiệm, vào nghiên cứu phát triển, có thể thông qua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Mục tiêu là để doanh nghiệp trong nước tham gia và gọi cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào.

Trước khi đi sâu hơn, doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt đầu từ khâu phần mềm ứng dụng, thiết kế chip ứng dụng cho sản phẩm hàng tiêu dùng, như tủ lạnh, thang máy... Ở phân khúc này, thị trường lớn, doanh nghiệp có thể tham gia ngay.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho đào tạo, nguồn nhân lực mất nhiều thời gian hơn, có thể 10-15 năm. Tôi đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển hệ sinh thái và công nghiệp chip Việt Nam, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cho giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2045… Ban Chỉ đạo sẽ tư vấn, giúp Thủ tướng chỉ đạo giám sát, đôn đốc và chỉ đạo thực hiện đề án này, đồng thời, có kiến nghị sửa đổi, bổ sung cập nhật nội dung đề án, khi xét thấy cần thiết…

Tin bài liên quan