Tài sản hay gánh nặng
Cuối cùng, vào những ngày cuối tháng 11/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trong vai trò Phó trưởng ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương đã ký ban hành Kế hoạch Hành động cụ thể với từng dự án trong danh sách, kèm theo đó là Bản tổng hợp phân công nhiệm vụ.
Theo kế hoạch ghi rõ tại Quyết định 4269/2017/QĐ-BCĐDANCT, đến hết năm 2018, các tồn tại, yếu kém sẽ được xử lý căn bản và hoàn thành mọi việc vào năm 2020.
Có nghĩa là, nếu mọi việc được tuân thủ đúng, thì sẽ mất khoảng 3 năm để làm mới hay làm lại 12 cái tên đình đám vì thua lỗ, đình đốn, gồm Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ, 3 nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Phú Thọ và Bình Phước; Công ty TNHH Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất; Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn II Nhà máy Gang thép Thái Nguyên; Dự án Khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quỳ Xa và Dự án Gang thép Lào Cai; Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam cùng 4 dự án sản xuất phân bón thuộc trách nhiệm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Nắm giữ nguồn lực lớn, nhưng doanh nghiệp nhà nước chưa tuân thủ được kỷ luật hành chính nhà nước, kỷ luật thị trường, quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế một cách nghiêm khắc. Dự án thua lỗ lớn, nhưng vẫn có đề nghị giãn nợ, hỗ trợ… Điều này khiến chúng ta đang ngồi trên một núi tiền, nhưng suốt ngày lo không có tiền
- TS. Nguyễn Đình Cung
Từng được coi là những tài sản đáng giá, sẽ tạo nên viễn cảnh tươi đẹp cho nền kinh tế khi khởi công khoảng chục năm trước, nhưng các dự án của những tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước hàng đầu Việt Nam nói trên đều đã trở thành gánh nặng của nền kinh tế với những lý do gần giống nhau.
Đó là tổng mức đầu tư đều tăng so với mức được phê duyệt; tiến độ kéo dài, có dự án chậm tiến độ tới 10 năm, nhưng vẫn chưa hoàn thành; các gói thầu EPC (tổng thầu) đều phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu; tỷ trọng vay vốn đầu tư cao, toàn bộ vốn lưu động phải đi vay khiến chi phí tăng; nhiều dự án gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ…
Hệ quả là, 12 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 63.600 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 14.300 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay chiếm 74,6% và 2,84% là các nguồn khác có một hiện thực đáng buồn. Đến cuối năm 2016, có 10 nhà máy đã đi vào hoạt động và đã kịp tạo ra số lỗ lũy kế lên tới 16.100 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu còn lại là gần 4.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 nhà máy được tính là khoảng 57.600 tỷ đồng, nhưng tổng nợ phải trả là 53.700 tỷ đồng…
Cũng chưa thể tính hết những hệ lụy cho nền kinh tế từ những dự án ngàn tỷ thua lỗ kiểu như trên… Tới đây, có thể không ít sai phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp với trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân liên quan sẽ bị phát hiện, khi các bước xử lý rốt ráo được thực hiện.
Mối lo kinh niên là lãng phí
Khi nghiên cứu tác động nhân quả giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực và tăng trưởng, TS. Bùi Đại Dũng, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra quan điểm đáng cân nhắc. Đó là cơ cấu kinh tế khu vực (gồm tỷ trọng khu vực công, khu vực tư) có ảnh hưởng rõ rệt đến tốc độ tăng trưởng.
“Nghiên cứu 124 nước trên thế giới cho thấy, quy mô khu vực công ở hầu hết các nước đã vượt quá quy mô tối ưu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng. Cứ một điểm phần trăm tăng lên của tỷ trọng khu vực công trong nền kinh tế làm giảm đi 0,05 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng. Đây là minh chứng ủng hộ quan điểm, chính sách công là điều mà chính phủ lựa chọn làm hay không làm, trong đó có khi quyết định không làm lại đem về hiệu quả tích cực cho sự phát triển”, ông Dũng phân tích.
Áp quan điểm này vào hiện trạng của tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty, có thể thấy rằng, nếu các kế hoạch rút lui của vốn nhà nước ra khỏi hoạt động kinh doanh thực hiện đúng tiến độ, không chỉ sẽ không có cơ xuất hiện các đại dự án ngàn tỷ thua lỗ mà nền kinh tế sẽ có thêm nguồn lực khổng lồ để phát triển.
Nhưng đó là phương án giả định, còn thực tế, sau khi thực hiện Kế hoạch Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, đến năm 2015, có tới 20% tập đoàn, tổng công ty nhà nước thua lỗ, lỗ lũy kế lớn, không tự chủ được về tài chính.
Trong khi đó, tính lũy kế từ năm 2012 -2015, tổng số vốn nhà nước thoái được chỉ chiếm khoảng 2% tổng giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trong cùng thời kỳ.
“Một số doanh nghiệp thực chất là chuyển đổi hình thức, từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần khi tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân rất nhỏ, hoặc đối tác mua cổ phần lại là các doanh nghiệp nhà nước… Mục tiêu phân bổ lại nguồn lực của kinh tế nhà nước nói riêng và nền kinh tế nói chung không đạt được”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích.
Hơn thế, tổng tài sản của doanh nghiệp do nhà nước giữ trên 50% cổ phần ở mức rất cao, vào khoảng 7,9 triệu tỷ đồng vào năm 2015 (tương đương 365 tỷ USD, bằng 188% GDP của Việt Nam và bằng 33,32% tổng tài sản của toàn bộ khu vực doanh nghiệp cùng thời điểm). So với các nước trên thế giới, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam lớn hơn hầu hết số này ở các nước OECD trong khi quy mô kinh tế nhỏ hơn nhiều.
“Nắm giữ nguồn lực lớn, nhưng doanh nghiệp nhà nước chưa tuân thủ được kỷ luật hành chính nhà nước, kỷ luật thị trường, quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế một cách nghiêm khắc. Dự án thua lỗ lớn, nhưng vẫn có đề nghị giãn nợ, hỗ trợ… Điều này khiến chúng ta đang ngồi trên một núi tiền, nhưng suốt ngày lo không có tiền, suốt ngày lo lãng phí, thất thoát”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM tâm tư.
Tiềm năng tăng trưởng không thể đợi lâu
Mối lo của ông Cung đang được giải tỏa dần khi hàng loạt quyết sách mới để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành. Mục tiêu rất rõ là không thể chậm hơn nữa các kế hoạch này và cũng không thể chậm hơn yêu cầu xoá bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho doanh nghiệp nhà nước của Nghị quyết 12-NQ/TW về Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, nguồn thu tiềm năng mà nền kinh tế có được từ các kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, ước tính tối thiểu là 300.000 tỷ đồng, sẽ được đổ vào những điểm kích hoạt cho tăng trưởng kinh tế. Cộng với khoản tiền thu được từ thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ có nguồn vốn không nhỏ.
“Lúc này cần xác định rõ, thậm chí là tư duy lại về phân bổ nguồn lực nhà nước cho nền kinh tế, nghĩa là thu từ doanh nghiệp nhà nước, từ thoái vốn để giải quyết các vấn đề cấp bách của nền kinh tế như hạ tầng, an sinh xã hội, môi trường sinh thái... chứ không phải là phân bổ lại vốn nhà nước trong doanh nghiệp”, ông Đặng Đức Đạm, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.
Song, cũng phải nhắc lại đề xuất chưa có tiền lệ của Nhóm nông nghiệp (Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam - VPSF) về việc sẵn sàng ứng tiền để xử lý các vấn đề của ngành nông nghiệp, để có hành lang pháp lý an toàn cho các khoản đầu tư của khu vực tư nhân, nhất là tách bạch được vai trò của quản lý nhà nước và chủ sở hữu nhà nước trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Nếu doanh nghiệp nhà nước còn có vai trò như một cơ quan quản lý như đã có trong thị trường xuất khẩu gạo tập trung, thì sự méo mó trong chuỗi giá trị lúa gạo sẽ tiếp tục. Quan trọng là khi đó, nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân – một động lực quan trọng của nền kinh tế sẽ tiếp tục bị đặt ra ngoài dòng phát triển.
(Còn tiếp)