Chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; giảm bớt phạm vi và tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán, rà soát và xác định lại các mức thuế khoán để phù hợp với tình hình thực tế; phấn đấu tăng thu ngân sách khoảng 5% so với dự toán và không có địa phương nào giảm thu so với dự toán.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA.
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật liên quan, nhất là Nghị định thay thế Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và các Thông tư hướng dẫn và kịp thời đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn. Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định thay thế Quyết định 22/2015/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tập trung thực hiện các giải pháp thu ngân sách nhà nước, phấn đấu vượt kế hoạch đề ra, giảm số thuế nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, chống chuyển giá.
Chấn chỉnh việc chi ngân sách lãng phí
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách, chấn chỉnh việc chi ngân sách lãng phí, trong đó chú ý tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, cắt giảm dự toán của các dự án, nhiệm vụ chậm triển khai, đảm bảo giữ bội chi và tổng mức vay của ngân sách nhà nước năm 2019 trong phạm vi Quốc hội cho phép. Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo đúng quy định; triển khai thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi gân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.
Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ phê duyệt tại Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ, tăng cường kiểm soát hoạt động tạm nhập – tái xuất, chuyển kho ngoại quan để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gian lận xuất xứ hàng hóa.
Tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá cả, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước, dự báo sát cung - cầu, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh. Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo giá cần quán triệt tinh thần quyết tâm kiểm soát lạm phát bình quân trong mức từ 3,3 – 3,9%, kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%. Tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch, nhất là trong việc thực hiện các chính sách lớn của Chính phủ để tạo sự đồng thuận trong xã hội, không để xảy ra tình trạng như thời gian vừa qua.