VCSC nhận định, năm 2009 là năm bấp bênh với TTCK, nhưng cũng sẽ có một vài đợt tăng trưởng nhanh và bất thường. Mức sinh lời kỳ vọng cho TTCK năm nay là 32,65%. Ngoài ra, xác suất để VN-Index trong khoảng 200-400 điểm là 30-40% và chưa đến 10% xác suất VN-Index dưới 200 điểm. Cũng theo VCSC, xác suất Vn-Index trên 400 điểm thấp phản ánh mức độ dao động và đầy bất ổn trong nền kinh tế vi mô. VCSC đưa ra khuyến nghị nên giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu, giữ khoảng 55% cổ phiếu, 25% trái phiếu và khoảng 20% tiền mặt chờ khi TTCK có dấu hiệu rõ ràng hơn.
Trong báo cáo này, VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 4,6%, lạm phát trong thời gian tới sẽ duy trì dưới 2 con số nhưng vào thời điểm cuối năm, lạm phát có thể tăng và VND có thể tiếp tục mất giá khoảng 5% so với USD, lên tới 18.700 đồng/USD vào cuối năm.
Liên quan đến đợt tăng giá mạnh của các cổ phiếu trong tháng qua, VCSC cho rằng có 4 nguyên nhân chính, đó là: chỉ số P/E bình quân xuống thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây; nhiều NĐT kỳ vọng kinh tế thế giới đã qua điểm đáy; dòng tiền đổ vào chứng khoán lớn và cuối cùng là KQKD các công ty không xấu như dự đoán. Một điểm đáng chú ý khác là nhà ĐTNN không còn đóng vai trò dẫn dắt thị trường, khối lượng giao dịch chỉ chiếm khoảng 15% tổng giao dịch, chưa kể áp lực bán ra của khối này đã giảm. Dù vậy, VCSC cũng đưa ra một số rủi ro khi đầu tư vào TTCK Việt Nam, trước hết là mối tương quan giữa TTCK Việt Nam và Mỹ ngày càng lớn. TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn tương đối so với các nước trong khu vực do P/E bình quân khá thấp, nhưng mức định giá này vẫn chưa bao gồm các rủi ro liên quan như lạm phát cao, thay đổi lãi suất và rủi ro tỷ giá.
Nhận định về kế hoạch kinh doanh của các công ty năm 2009, VCSC cho rằng, xác suất để các DN đạt và vượt kế hoạch là có thể, do kế hoạch đặt ra khá thận trọng, ở mức thấp.