CNTT cho TTCK VN: “Chìa khóa” là nhân lực

CNTT cho TTCK VN: “Chìa khóa” là nhân lực

(ĐTCK - online)Hơn một lần, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hồ hởi đón nhận thông tin thực hiện khớp lệnh liên tục, để rồi lại thất vọng, vì phương thức này bị trì hoãn.

Một trong những nguyên nhân chính gây trở ngại cho việc áp dụng hình thức khớp lệnh này là do công nghệ chưa hoàn thiện. Làm thế nào để chọn ra giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hữu hiệu nhất cho TTCK nói chung và các công ty chứng khoán (CTCK) nói riêng chính là câu hỏi lớn được đặt ra tại Hội thảo Giải pháp CNTT ưu việt dành cho các CTCK Việt Nam, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) phối hợp IBM tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch SSC, TTCK Việt Nam là một trong những TTCK phát triển với tốc độ nhanh nhất trong khu vực ASEAN. Sự phát triển nói trên đã đặt các CTCK trước thách thức cạnh tranh lẫn nhau gay gắt tại thời điểm hiện tại và cạnh tranh với các công ty nước ngoài trong tương lai gần. Một trong những chìa khóa chính quyết định sự thành bại của các CTCK chính là ứng dụng CNTT như thế nào cho hiệu quả.

Theo ông Cheng Liang Yeoh, chuyên gia hệ thống IBM, những thách thức và khó khăn của các CTCK Việt Nam xuất phát từ nguyên nhân thiếu một hệ thống CNTT toàn diện. Rất nhiều giải pháp của doanh nghiệp gần như không tương thích với hệ thống và yêu cầu của SSC. Các quy trình nghiệp vụ thường được thực hiện một cách thủ công, với những hạn chế về khả năng phản ứng với sự thay đổi của thị trường. Sự thiếu linh hoạt trong việc thích nghi với những thay đổi liên tục trong cơ chế chính sách và quyết định của các nhà đầu tư có ảnh hưởng tới TTCK, khiến các CTCK thường gặp phải khó khăn và thậm chí cả những đe dọa đối với khả năng đảm bảo hoạt động kinh doanh chứng khoán dài hạn của họ.

Rõ ràng, yêu cầu chính đặt ra cho CTCK là cần một hệ thống CNTT ổn định và tin cậy, cho phép tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, nhằm giúp họ phản ứng nhanh nhạy và dễ dàng hơn với những thay đổi liên tục của thị trường và yêu cầu của khách hàng.

Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng giám đốc IBM Việt Nam, cho biết, IBM sẵn sàng giới thiệu 4 giải pháp CNTT chính cho các CTCK Việt Nam, bao gồm máy chủ IBM System, được thiết kế dựa trên bộ vi xử lý POWER 5+ kết hợp giữa sức mạnh của kiến trúc POWER, khả năng mở rộng hệ thống và tạo ra các môi trường ảo hóa, giúp kết hợp yêu cầu kinh doanh với hệ thống CNTT để tạo ra hiệu quả tối ưu; giải pháp Bass; bộ giải pháp Capital Solutions Market NOVA (CMS) và giải pháp FPT Index. Các giải pháp này đều được cho là ưu việt với các CTCK Việt Nam.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, khi đầu tư cho các giải pháp CNTT, vấn đề đầu tiên các CTCK cần quan tâm là kinh nghiệm của nhà triển khai. Nhìn chung, các giải pháp trong nước đáp ứng các yêu cầu đặc thù quản lý và quy mô của DN Việt Nam, nhưng cần chú ý đến khả năng phù hợp với tập quán và chuẩn mực quản lý tài chính quốc tế; tính ổn định của giải pháp và khả năng mở rộng, tương thích khi quy mô hoạt động của CTCK phát triển.

Bên cạnh đó, theo phân tích của các chuyên gia, ưu điểm của các giải pháp nước ngoài là các nhà cung cấp có nhiều năm chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Mặc dù vậy, vẫn cần có những hiệu chỉnh để đáp ứng các yêu cầu quản lý riêng biệt tại CTCK Việt Nam. Đặc biệt, trong các dự án có sự tham gia của các đối tác nước ngoài, khi dự án kết thúc và các chuyên gia nước ngoài về nước, việc nắm bắt được công nghệ quản lý cần được các doanh nghiệp quan tâm để xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, mấu chốt quan trọng nhất được ông Nguyễn Đoan Hùng chỉ ra rằng, các giải pháp CNTT dù có hiện đại đến đâu về cơ bản cũng chỉ là các thiết bị “chết” và không thể hoạt động hữu hiệu, cũng như phát huy tối đa khả năng, nếu thiếu những nhân lực vận hành giỏi. Nói cách khác, đội ngũ nhân lực CNTT chuyên ngành chính là “chìa khóa” hữu hiệu nhất giúp các CTCK tăng cường tốt nhất năng lực đầu tư về CNTT.