Chi phí ăn mòn lợi nhuận
Báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2017 của CTCP CNG Việt Nam (CNG) cho thấy, năm 2017, CNG đạt doanh thu 1.314,6 tỷ đồng, tăng 47,6% so với thực hiện 2016 và vượt 34,6% kế hoạch đặt ra. Có được kết quả này chủ yếu do giá dầu có sự hồi phục trong năm qua.
Cụ thể, giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân năm 2017 là 50,85 USD/thùng, tăng 17,4% so với mức 43,3 USD/thùng năm 2016. Được biết, sau giai đoạn doanh thu tăng trưởng mạnh từ 2008-2014, việc giá dầu giảm mạnh từ mức trên 100 USD/thùng tháng 9/2014 về mức thấp nhất chỉ 26 USD/thùng tháng 2/2016 đã đẩy các doanh nghiệp dầu khí vào tình trạng khó khăn. Theo đó, doanh thu của CNG giảm 12,5% và 6,5% trong các năm 2015 và 2016.
Mặc dù doanh thu tăng trưởng mạnh, nhưng do giá vốn tăng cao, lên tới gần 66%, nên biên lợi nhuận gộp 2017 của CNG giảm 33% so với năm 2016. Do đó, lợi nhuận gộp thu về giảm 1,5% so với 2016, đạt 234,5 tỷ đồng.
Việc biên lợi nhuận gộp của CNG sụt giảm mạnh gây chú ý bởi tại một số doanh nghiệp kinh doanh khí khác, mức biến động là không lớn. Đơn cử, tại CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PGS), biên lợi nhuận gộp 2017 đạt 18,6% so với mức 18,96% của năm 2016; tại CTCP Kinh doanh khí miền Bắc (PVG), biên lợi nhuận gộp 2017 là 14,2% so với mức 14,9% của năm 2016; tại CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP), con số này thậm chí còn tăng, đạt 21,4% trong 2017 so với mức 19,2% của năm 2016.
Song song với đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp 2017 của CNG cũng tăng tương ứng 6,1% và 18,5% so với năm 2016, nên lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 140,1 tỷ đồng, giảm 5,1%. Kết hợp với việc không còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2017 (giai đoạn 2011-2016, CNG được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp) khiến chi phí thuế này tăng 37,6%, nên lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 108 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch LNST đặt ra, nhưng giảm 10,2% so thực hiện năm 2016 và cũng là mức lãi ròng thấp nhất kể từ năm 2011.
Kết quả này dẫn tới tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2017 của CNG chỉ đạt tương ứng 14,8% và 22,5%, giảm so với mức 18,5% và 25,9% của năm 2016.
Có thể thấy, nếu doanh nghiệp không quản lý tốt các chi phí thì lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng. Từ năm 2015, CNG đã áp dụng cơ chế tính giá đầu vào thả nổi, thay vì mức giá cố định và tăng định kỳ hàng năm như trước đó.
Việc thả nổi giá dầu tuy khiến giá vốn nhạy cảm với biến động giá dầu, nhưng cũng giúp tương quan chặt chẽ với giá bán đầu ra - vốn cũng được thả nổi theo giá dầu FO (dầu nhiên liệu hay còn được gọi là dầu Mazut) hoặc các sản phẩm liên quan đến dầu thô khác như khí LPG, DO (tùy khách hàng) và được điều chỉnh hàng tháng theo sự biến động của giá dầu thế giới.
Chính sách này được đánh giá vừa giảm thiểu rủi ro biến động giá dầu, vừa giúp CNG có thể tập trung vào tăng trưởng sản lượng để hưởng chênh lệch giá bán.
Bên cạnh đó, các sản phẩm khí có đặc thù vòng quay hàng tồn kho nhanh, thời gian lưu kho ngắn nên tác động độ trễ giữa việc tăng giá đầu vào và đầu ra cũng được giảm đáng kể. Tính đến cuối 2017, hàng tồn kho của CNG có giá trị 46,6 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng tài sản. Vòng quay hàng tồn kho trong 2017 đạt 23,1 lần, tương đương thời gian lưu kho bình quân khoảng 15 ngày.
Hiện tại, PGD, PGS, PVG và CNG là 4 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực phân phối khí nén CNG tại Việt Nam. Trong đó, CNG là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất, chiếm khoảng 33%. Thị trường của CNG chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh lân cận như TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai… Từ 2015, CNG mở rộng cung cấp khí tại khu vực phía Bắc, song phía Nam vẫn là thị trường chính với 77,25% sản lượng tiêu thụ trong năm 2016.
Trong cơ cấu cổ đông của CNG, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu chi phối với tỷ lệ 56%. Là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam thực hiện thu mua khí từ các chủ mỏ, sau đó phân phối lại trên thị trường qua các công ty con, vị thế Công ty mẹ GAS được đánh giá có vai trò quan trọng đối với CNG, giúp duy trì ổn định nguồn cung cấp đầu vào, tránh chồng chéo với các công ty con khác trong cùng lĩnh vực, đồng thời có khả năng chủ động cân đối nguồn vốn lưu động thông qua điều tiết khoản phải thu từ khách hàng và phải trả với nhà cung cấp.
Lời giải nào cho bài toán sản lượng?
Bên cạnh bài toán chi phí, khả năng tăng trưởng sản lượng của CNG cũng là vấn đề mà cổ đông, nhà đầu tư quan tâm, khi mà sản lượng tiêu thụ hiện đã tiệm cận công suất thiết kế.
Hiện Nhà máy CNG Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) là nhà máy chính cung cấp khí cho khu vực miền Nam, với công suất 100 triệu m3 khí/năm. Ngoài ra, từ năm 2015, CNG đã đầu tư trang thiết bị nhằm mở rộng thị trường tại khu vực phía Bắc, khả năng cung cấp đạt khoảng 30 triệu m3 khí/năm.
Sau giai đoạn sản lượng tiêu thụ tăng trưởng mạnh 2012-2016 với mức bình quân 23,1%/năm, CNG vẫn chưa công bố số liệu về sản lượng tiêu thụ trong năm 2017, song mức tăng được dự báo khó duy trì cao như những năm trước, bởi tính đến cuối 2016, các nhà máy nén của CNG đã hoạt động gần hết công suất, sản lượng tiêu thụ đạt 92,4% tại khu vực phía Nam và 90,7% tại khu vực phía Bắc.
Ngay với kế hoạch tiêu thụ 132 triệu m3 khí trong năm 2018 đã tương đương 100% công suất hiện có, nhưng so với sản lượng thực hiện năm 2016, mức tăng chỉ là 10,4%.
Theo giới quan sát, tiềm năng tăng trưởng của thị trường khí CNG tại Việt Nam được dự báo khả quan nhờ các ưu điểm như thân thiện với môi trường, hiệu suất sử dụng cao, nhiệt lượng ổn định, không phát sinh muội than trên bề mặt máy móc thiết bị, giúp tăng tuổi thọ, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng…
Trong báo cáo phân tích tháng 12/2017, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) dự báo, nhu cầu khí nén trong tương lai còn khá lớn từ khách hàng công nghiệp, với tốc độ tăng tưởng kép giai đoạn 2018-2022 vào khoảng 4,5%/năm. Về CNG, FPTS cho rằng, với sản lượng tiêu thụ đã tiến sát khả năng cung cấp, việc tăng trưởng và duy trì thị phần sẽ gặp khó khăn nếu doanh nghiệp này không nhanh chóng có kế hoạch đầu tư mở rộng.
Thực tế, đây không phải thách thức quá lớn đối với CNG, khi Công ty có số dư tiền mặt 313,8 tỷ đồng, chiếm 43,1% tổng tài sản tính đến cuối 2017. Tỷ lệ nợ phải trả trên nguồn vốn chỉ chiếm 34% và chủ yếu là các khoản phải trả, trong khi vay nợ ngắn-dài hạn hầu như không đáng kể (chỉ hơn 1,1 tỷ đồng). Điều này cho phép CNG có thể mở rộng đầu tư, mà không khiến cấu trúc tài chính gặp nhiều rủi ro.
Ngày 17/4/2018, CNG dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018. Trước thềm Đại hội, Hội đồng quản trị của CNG đã công bố một số chỉ tiêu quan trọng cho kế hoạch sản xuất kinh doanh 2018.
Cụ thể, trên cơ sở dự kiến giá dầu thế giới ở mức 55 USD/thùng, tăng 10% so với cơ sở xây dựng kế hoạch 2017, giá dầu FO là 11.124 đồng/kg, tăng 16,5% và tỷ giá VND/USD là 23.000 đồng/USD, tăng 2,2%, CNG đặt chỉ tiêu doanh thu 1.395,7 tỷ đồng, LNTT và LNST tương ứng 117,9 tỷ đồng và 94,3 tỷ đồng, cổ tức mục tiêu 25%. Như vậy, dù doanh thu tăng trưởng 6,1%, nhưng kế hoạch lợi nhuận trước và sau thuế tiếp tục giảm tương ứng 15,8% và 12,7% so với thực hiện năm 2017.
Tính tới phiên 9/3, giá dầu WTI đang giao dịch quanh mức 62 USD/thùng, giá dầu Brent ở mức 65 USD/thùng, cao hơn lần lượt 12,7% và 18,2% so với giá bình quân trong kế hoạch của CNG, rõ ràng, CNG đang rất thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2018. Thận trọng là không thừa khi mà giá dầu thế giới thường biến động khó lường, nhưng nếu quá rụt rè sẽ khó tạo động lực cho cổ phiếu cải thiện thị giá.
10 tháng trở lại đây, cổ phiếu CNG giao dịch quanh mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Với tỷ lệ cổ tức ổn định từ 15-30% trong những năm qua, CNG phù hợp với nhà đầu tư "ăn chắc mặc bền" hơn là những người thích "lướt sóng".