Thông tin tại Hội nghị cho biết, tiến trình hợp tác tài chính - ngân hàng ASEAN trong thời gian qua ghi nhận những kết quả đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) giai đoạn 2016 - 2025. Tỷ lệ hoàn thành các Kế hoạch Hành động Chiến lược (SAPs) dao động từ 67% - 90% và phần lớn các ưu tiên năm 2024 đã được hoàn thành. Các Phó Thống đốc ngân hàng trung ương (NHTW) ASEAN hoan nghênh các Nhóm công tác đã đề ra các chiến lược cụ thể như điều chỉnh chính sách, tăng cường phối hợp giữa các nước thành viên, xây dựng năng lực và chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy hội nhập sâu rộng hơn.
Trong năm 2025, các NHTW ASEAN sẽ tập trung triển khai các ưu tiên chiến lược nhằm duy trì động lực hội nhập và chuẩn bị cho Kế hoạch Chiến lược AEC giai đoạn 2026 - 2030. Các ưu tiên chiến lược này được xây dựng xoay quanh bốn trụ cột chính:
Thứ nhất, kết nối thanh toán khu vực và thúc đẩy giao dịch bằng đồng nội tệ;
Thứ hai, tài chính toàn diện và số hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) cũng như các cộng đồng dễ bị tổn thương;
Thứ ba, hội nhập và khả năng chống chịu phù hợp với bối cảnh biến động thị trường;
Thứ tư, phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ tiến trình hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN+3, Lãnh đạo cấp cao từ các NHTW và Bộ Tài chính ASEAN+3 đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận về các sáng kiến nhằm nâng cao tính sẵn sàng của Thoả thuận đa phương hoá sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) để kịp thời hỗ trợ các thành viên giải quyết khó khăn khẩn cấp về thanh khoản và cán cân thanh toán, qua đó góp phần duy trì ổn định tiền tệ và kinh tế vĩ mô. Hội nghị ghi nhận tiến độ thảo luận về vấn đề xây dựng mức lãi suất CMIM phù hợp với diễn biến thị trường, qua đó góp phần nâng cao khả năng tiếp cận CMIM cho các thành viên khi gặp khó khăn về thanh khoản và cán cân thanh toán.
Đáng chú ý, tại Hội nghị, các Phó Thống đốc NHTW và Thứ trưởng Tài chính ASEAN+3 đã phê duyệt Hướng dẫn thực hiện CMIM sửa đổi trong đó bổ sung quy trình triển khai Thể thức hỗ trợ nhanh (Rapid Financing Facility – RFF), thể thức mới được thông qua trong khuôn khổ CMIM, và việc sử dụng các đồng tiền tự do sử dụng (freely usable currencies – FUCs) trong khuôn khổ RFF.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các Phó Thống đốc và Thứ trưởng Tài chính ASEAN+3 đã chỉ đạo về định hướng triển khai một trong các sáng kiến quan trọng nhất trong tiến trình hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN+3 hiện nay, đó là xây dựng mô hình cấu trúc tài chính mới cho CMIM thông qua việc nghiên cứu chuyển sang mô hình góp vốn thực (paid-in capital). Đây là chủ trương đã được các Thống đốc NHTW và Bộ trưởng tài chính ASEAN+3 thông qua tại Hội nghị AFMGM+3 vào tháng 5/2024 nhằm nâng cao hiệu quả của mạng lưới an toàn tài chính khu vực trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu và giải quyết hiệu quả các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận về các sáng kiến nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác tài chính ASEAN+3 về các chủ đề đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm như tài chính bền vững, tài trợ rủi ro thiên tai, số hóa, công nghệ tài chính (Fintech), ngân hàng mở.
Hội nghị có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao đến từ NHTW, Cơ quan Quản lý tiền tệ, Bộ Tài chính của các thành viên ASEAN+3 và các tổ chức quốc tế và khu vực như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).