Luôn tạo ra những công cụ tài chính mới là một trong những bí quyết đó.
100% khả năng hoàn thành lợi nhuận 2016
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư do CII tổ chức ngày 14/3/2016, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cho biết, tính đến thời điểm này, CII hoàn thành chắc chắn 100% kế hoạch lợi nhuận năm 2016 và tự tin 80% cho kế hoạch năm 2017. Năm 2018 ở khoảng thời gian xa hơn, nhưng Ban lãnh đạo CII vẫn nỗ lực thực hiện kế hoạch đã cam kết với các cổ đông là duy trì tăng trưởng lợi nhuận 20-25% mỗi năm, chia cổ tức không thấp hơn 16% vốn điều lệ bằng tiền mặt.
Cụ thể, năm 2016, CII đặt mục tiêu 2.976 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 848 tỷ đồng, tăng mạnh so với kết quả năm 2015 là 1.751 tỷ đồng doanh thu thuần và 624,593 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (theo BCTC kiểm toán hợp nhất); 809,23 tỷ đồng thu nhập cổ đông công ty mẹ (do phần lợi nhuận từ bán cổ phiếu LGC của CTCP Đầu tư Cầu đường CII không hạch toán vào lợi nhuận, dù có dòng tiền ròng).
Năm 2017, CII dự kiến doanh thu 4.960 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 998 tỷ đồng; và năm 2018, con số này tiếp tục tăng lên tương ứng là 5.579 tỷ đồng và 1.257 tỷ đồng.
Giống như 2 năm trước đây, trong năm 2016, lợi nhuận của CII sẽ vẫn đến chủ yếu từ các giao dịch vốn, phản ánh trên phần doanh thu hoạt động tài chính. Trong đó, lớn nhất là khoản thu nhập 430 tỷ đồng từ thương vụ với MPTC tại CII Cầu đường.
“Nhìn trên BCTC các năm qua, nhà đầu tư sẽ thấy thu nhập lớn nhất của CII đến từ hoạt động tài chính. Tuy nhiên tôi cho rằng, nói như vậy sẽ dẫn đến hiểu sai về hoạt động của Công ty, vì CII không phải mua bán cổ phiếu kiếm lời, mà các giao dịch này đều phải dựa trên nền tảng dự án tốt. Chính xác hơn, đây là những lợi nhuận xảy ra một lần, được phản ánh dưới dạng hoạt động tài chính. Nếu ngành nước không có dự án tốt, Manila Water liệu có tham gia góp vốn? Nếu CII Cầu đường không có danh mục dự án tốt, liệu MPTC có mua lại cổ phiếu, trái phiếu để chúng ta lãi lớn không? Trong khi, các giao dịch này đều mang về tiền thực cho cổ đông”, ông Lê Quốc Bình cho biết về bản chất lợi nhuận.
Cũng theo ông Bình, đôi khi hình thức giao dịch không phản ánh đầy đủ bản chất của vấn đề. Trong thời gian qua, giao dịch cổ phiếu Trường Phát gây xôn xao thị trường, nhưng vấn đề không phải là CII bán cổ phiếu, mà bản chất là bán tài sản. “Nhưng nếu bán tài sản thì thủ tục quá phức tạp, trong khi lập công ty bán cổ phiếu thì mọi việc lại thuận lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều”, ông Bình nói.
Ông Bình cho biết thêm, từ năm 2017, xác suất để có thu nhập từ các giao dịch này sẽ gần như không còn, do CII đã cơ bản tái cấu trúc xong. Tuy nhiên, CII đặt kỳ vọng tăng trưởng mạnh vào bất động sản, cầu đường và nước.
Hạ tầng nước: Vẫn trong giai đoạn chiếm lĩnh thị trường
Trong cơ cấu dự kiến lợi nhuận các năm từ 2016-2018, ngành nước dù được đầu tư tương đối lớn, nhưng tỷ trọng đóng góp chỉ thực sự đáng kể vào năm 2018, với ước đóng góp 15% vào lợi nhuận sau thuế. Theo ông Trương Khắc Hoành, Tổng giám đốc CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (Sài Gòn Water, SII), đơn vị phụ trách mảng nước của CII, giai đoạn đến năm 2017, Công ty vẫn tập trung vào chiếm lĩnh thị trường, chứ chưa đặt mục tiêu lợi nhuận.
“Đối với lĩnh vực nước, nếu như đã chiếm được thị trường, thì nhiều năm sau, đó vẫn là thị trường của mình. Vì thế CII phải đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nhiều nhất có thể”, ông Bình cho biết.
Theo ông Hoành, trong năm nay và năm tới, Sài Gòn Water ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các vùng phân phối nước, sẽ thực hiện mua chi phối các nhà máy nước khác để rút ngắn thời gian phát triển thị trường. Hiện tại, Sài Gòn Water đã được chấp thuận đối tác chiến lược tại một số doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa.
Cầu đường: Lối rẽ đầu tư mới
Trong năm 2016, mảng cầu đường dự kiến chỉ đóng góp 27% lợi nhuận sau thuế, 34% lợi nhuận sau thuế cổ đông hợp nhất. Thế nhưng, bên cạnh dự kiến tăng tổng quỹ lợi nhuận, mảng này còn dự kiến sẽ tăng tỷ lệ đóng góp lên mức 53% và 49% lợi nhuận sau thuế năm 2017, 2018; 68% và 65% lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ.
Lý giải về việc tăng mạnh tỷ lệ này, ông Bình cho hay, trong các năm tới, với dự kiến lưu lượng xe tăng lên và lộ trình tăng giá thu phí đã được thông qua, doanh thu từ hoạt động đầu tư cầu đường sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, chi phí lãi vay sẽ giảm dần do dư nợ giảm, dẫn đến sụt giảm mạnh chi phí, làm tăng lợi nhuận.
Về chủ trương phát triển mảng này, từ năm 2016, CII sẽ bước sang một giai đoạn mới trong chính sách đầu tư. Theo đó, nếu giai đoạn 2013, Công ty chuyển từ việc đầu tư và bán lại phần thu phí các dự án BOT sang khai thác trọn vòng đời dự án; thì nay, khi năng lực tài chính đã được cải thiện, CII chuyển sang việc không đầu tư các dự án có quy mô vốn nhỏ, mà thực hiện M&A các dự án BOT cầu đường đã có nguồn thu, đồng thời chỉ tập trung vào các dự án BOT có quy mô lớn hẳn, với tổng mức đầu tư lên tới chục nghìn tỷ đồng.
“Ở những dự án như vậy, rất ít nhà thầu có thể tham gia được. Đó là cơ hội cho Công ty có được sự lựa chọn và có biên lợi nhuận lớn”, ông Bình nói.
3 hướng đi của Dự án Thủ Thiêm
Câu chuyện mua thâu tóm CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản 577 (NBB) dường như vẫn là mối quan tâm lớn của nhà đầu tư đối với mảng bất động sản của CII. Thế nhưng, ông Bình cho rằng, trong năm 2016, kế hoạch này có thể vẫn chưa hoàn tất.
Chào mua với mức giá 27.200 đồng/CP, vượt xa thị giá cổ phiếu NBB, đây là một thương vụ có lời cho các cổ đông hiện hữu của NBB. Thế nhưng, lý do cản trở thành công thương vụ lại đến từ các điều khoản mà CII ràng buộc. CII muốn tiền mua cổ phiếu phải được chuyển vào doanh nghiệp, chứ không phải là vào tay các cổ đông hiện hữu và tiền đó phải được dùng để đầu tư các dự án. Điều quan trọng hơn nữa, NBB phải hoàn tất hồ sơ pháp lý các dự án. Khi những nội dung này chưa được hoàn chỉnh, thương vụ vẫn còn treo.
Giá đất Thủ Thiêm trong mấy năm nữa chắc chắn sẽ tăng, nên nếu bán bây giờ thì lãng phí. Nếu lấy thêm được 10 héc-ta đất vàng từ dự án BT khác, CII có thể sẽ phải cân nhắc bán đi một phần dự án.
Tất nhiên, mảng bất động sản của Công ty không chỉ có NBB. Điều giúp Công ty tự tin trong các kế hoạch tài chính năm 2017, 2018 đến từ dự án mang tên Thủ Thiêm, phần đất có từ dự án BT đổi đất lấy hạ tầng.
“Ở Đông Nam Á không còn dự án nào có vị trí đẹp như vậy nữa để phát triển. Đó là lý do Credit Suisse đánh giá rất cao sau cuộc gặp gỡ với Công ty hồi năm ngoái tại Singapore. Họ nhận xét rằng không thể định giá Thủ Thiêm theo cách thông thường của một dự án bất động sản”, bà Nguyễn Quỳnh Hương, Giám đốc phát triển dự án của CII nói.
Theo CII, Công ty đang đứng trước 3 lựa chọn, với một yếu tố còn bỏ ngỏ là phần đất từ dự án BT mới có thể sẽ về tay CII, nếu đàm phán thành công.
“Giá đất Thủ Thiêm trong mấy năm nữa chắc chắn sẽ tăng, nên nếu bán bây giờ thì lãng phí. Nếu lấy thêm được 10 héc-ta đất vàng từ dự án BT khác, CII có thể sẽ phải cân nhắc bán đi một phần dự án”, ông Bình nói.
Bán một phần dự án để thu lời và lấy tiền đầu tư dự án khác, hay tự phát triển dự án bất động sản để bán luôn, hay xây dựng để cho thuê, rồi bán dần để được giá cao hơn, CII vẫn đứng trước 3 lựa chọn, dù thời điểm này, nhiều đối tác đã ngỏ ý mua lại với giá cao và Ban lãnh đạo Công ty có vẻ nghiêng về phương án thứ 3.
Bí quyết ở sản phẩm mới
Một câu hỏi được đặt ra cho CII là, làm cách nào để Công ty có lợi nhuận cao, dù lợi nhuận các dự án BOT bị giới hạn? Câu trả lời của CII là ở các bí quyết kinh doanh, một trong số đó là sản phẩm mới.
“Trong quá khứ, chúng ta đã có những sản phẩm tài chính mới, nhưng giờ các DN làm nhiều rồi nên chúng ta cần có sản phẩm mới”, ông Bình mở đầu như vậy khi nói về trái phiếu đảm bảo thanh khoản mà Công ty sẽ phát hành trong đợt này. Với trái phiếu đảm bảo thanh khoản, cả ngân hàng, nhà đầu tư và CII đều được lợi, khi nhà đầu tư có thể tận dụng tiền nhàn rỗi đầu tư với lãi suất cao như gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, thay vì chịu lãi suất không kỳ hạn; ngân hàng không phải đứng ra huy động trực tiếp hàng nghìn tỷ đồng cho DN vay; và CII được hưởng lãi suất thấp hơn lãi vay ngân hàng.
“Chỉ cần giảm được 2% chênh lệch lãi vay (thực tế lớn hơn), thì CII đã tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng chi phí cho quy mô vay 10.000 tỷ đồng”, ông Bình nói.
Rõ ràng, với chiến lược M&A các dự án BOT đã có nguồn thu, CII sẽ cần ngày một nhiều vốn. Tăng tiềm lực vốn, lại là vốn giá rẻ, CII sẽ không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn tăng khả năng cạnh tranh lấy dự án tốt.