Đông đảo NĐT, nhất là các NĐT tổ chức tham dự, với nhiều nội dung quan tâm đến định hướng phát triển các mảng kinh doanh cũng như khả năng huy động và sử dụng vốn của CII.
5 mục tiêu thiết yếu của tái cấu trúc
Trong vòng 12 năm, từ 2001 đến 2013, tổng tài sản của CII tăng gấp 6 lần, đạt 6.600 tỷ đồng, giá trị danh mục đầu tư tăng 13 lần, lên mức 13.000 tỷ đồng, với 7 công ty con, 6 công ty liên kết và nhiều khoản đầu tư dài hạn khác.
Trong số nhiều dự án mà CII đang nghiên cứu khả thi, chỉ tính riêng 2 dự án lớn, quy mô đầu tư đã lên tới 15.000 tỷ đồng. Một con số khổng lồ so với những gì CII đang làm. Để đạt mục tiêu ấy, CII phải nâng tầm 2 yếu tố: năng lực quản lý và khả năng huy động vốn, bởi mô hình quản lý hiện tại, trong đó CII trực tiếp quản lý danh mục đầu tư tổng hợp tất cả các lĩnh vực từ: hạ tầng, nước, bất động sản, xây dựng, chiếu sáng… đã không còn đáp ứng được yêu cầu mới.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII chia sẻ, mỗi NĐT có một khẩu vị khác nhau, nên việc tách rời từng nhóm ngành thành từng công ty thành viên sẽ giúp CII dễ dàng hơn trong thu hút vốn. Thêm vào đó, mô hình quản lý theo từng nhóm ngành cũng giúp Công ty dễ dàng hơn trong quản lý, hạch toán sổ sách, tính toán hiệu quả kinh doanh.
Hơn 200 NĐT tham dự buổi tiếp xúc với NĐT của CII
Đó là lý do dẫn tới mô hình hoạt động mới của CII được hình thành, với 5 mục tiêu lớn bao gồm: chuyên môn hóa hoạt động đầu tư và quản lý danh mục; rõ ràng trong hạch toán kế toán và minh bạch trong sử dụng vốn huy động; thuận lợi trong huy động vốn NĐT; dễ dàng đánh giá hiệu quả kinh doanh từng mảng để có kế hoạch tăng/giảm đầu tư mà không gây ảnh hưởng đến các mảng khác; tăng năng lực tài chính toàn hệ thống CII.
5 động lực phát triển bền vững
Với mô hình hoạt động mới, ngoài việc CII trực tiếp đứng ra huy động vốn (bao gồm cổ phần, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu DN, vốn tín dụng), Công ty còn dự kiến huy động một lượng vốn lớn từ các NĐT tham gia góp vốn tại các DN. Trong mô hình mới, CII sẽ đảm bảo duy trì tỷ lệ phủ quyết (sở hữu tối thiểu 40%, có thể là 51% tại các công ty thành viên) và nắm giữ tối thiểu 2 vị trí chủ chốt là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.
Việc này giúp cho CII chủ động tham gia các dự án lớn, mà không cần quá nhiều vốn. Đây được coi là giải pháp phù hợp với CII trong bối cảnh thiếu vốn như hiện nay, vì đầu tư hạ tầng (gồm hạ tầng giao thông, nước), bất động sản… là những lĩnh vực đòi hỏi quy mô vốn lớn.
CII trong tương lai sẽ có 5 mảng chính (xem mô hình), được coi là 5 động lực phát triển chủ yếu.
Thứ nhất, CII Bridge & Road, DN chuyên về lĩnh vực cầu đường, dự kiến sẽ được thành lập, với 8 dự án CII đang triển khai có quy mô vốn đầu tư 7.903 tỷ đồng. Ngoài ra, CII đang đề xuất trình Chính phủ 4 dự án hạ tầng trọng điểm của TP. HCM, có quy mô vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng.
Trao đổi tại buổi tiếp xúc NĐT, Ban lãnh đạo CII cho hay, mức sinh lời trong lĩnh vực này khá ổn định, khoảng 18,67%/năm (tính trước thuế). Các dự án này đòi hỏi vốn lớn, dài hạn, nhưng khá an toàn, khi đi vào khai thác thì dòng tiền sẽ tăng dần đều qua các năm.
“Tất nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này vẫn có những rủi ro nhất định, vì với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, sẽ không có con đường, cây cầu nào là độc đạo”, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII nói.
Mảng thứ hai quan trọng với CII là lĩnh vực hạ tầng nước, với 4 dự án đang triển khai có tổng vốn đầu tư 1.875 tỷ đồng và 8 dự án sẽ triển khai có tổng mức đầu tư 10.600 tỷ đồng.
“Ngày 10/12, chúng tôi đã đệ trình lên UBND TP. HCM một đề án quản lý từ đầu đến cuối một vùng cấp thoát nước, tương tự như Manila Water đã làm ở Philippines”, ông Hoàng cho hay.
Trả lời thắc mắc của NĐT về tiềm năng ngành nước, Chủ tịch HĐQT CII cho rằng, nhu cầu nước sạch của người dân theo thời gian chỉ có tăng lên, chứ không giảm đi, ước tính đến năm 2015 là 2,5 - 2,6 triệu m3/ngày đêm, lớn hơn rất nhiều so với hiện nay. Trong khi đó, ngoài thế mạnh về vốn, kinh nghiệm triển khai, CII còn có một lợi thế là tận dụng được kinh nghiệm giảm thất thoát nước của Manila Water, nên kỳ vọng có thể nâng cao hiệu quả các dự án này.
“Đối với lĩnh vực đầu tư nước, chúng tôi không xác định đầu tư phải có lợi nhuận ngay, mà sẽ phải chờ đợi khoảng 2 - 3 năm, thậm chí là 5 năm tới. Chúng tôi cũng có chủ trương mua cổ phần của một số DN ngành nước khác, nhưng không phải với mục tiêu nhận cổ tức, mà là để mở rộng khả năng tham gia các dự án nước”, ông Hoàng nói.
Đây là lý do khiến trong kế hoạch lợi nhuận năm 2014, CII không tính đến lợi nhuận từ lĩnh vực nước.
Lĩnh vực thứ ba của CII là bất động sản. “NĐT có thể sẽ ngạc nhiên với kế hoạch này của CII. Tuy nhiên, CII mong muốn thành lập CII Land vì chúng tôi đánh giá năm 2014 sẽ là năm có nhiều cơ hội cho NĐT bất động sản.
CII sẽ chỉ đầu tư vào các dự án thuộc 1 trong 4 tiêu chí được đặt ra: các dự án của DNNN cổ phần hóa; dự án của các chủ đầu tư mất khả năng thanh toán mà ngân hàng siết nợ và đem bán đấu giá; các dự án nằm dọc theo trục giao thông của TP. HCM; các dự án được TP. HCM giao đất. Chúng tôi không tham gia vào các dự án phải đền bù, giải tỏa”, Tổng giám đốc CII nói và cho hay, CII Land sẽ bao gồm 5 dự án với tổng mức đầu tư 3.216 tỷ đồng, cùng một dự án có quy mô khoảng 7.000 tỷ đồng, sở hữu một trong những vị trí đẹp nhất của TP. HCM hiện nay.
Trong mảng hoạt động thứ tư, CII E&C sẽ được hình thành trên cơ sở hợp nhất Công ty 565 và Cơ khí Lữ Gia, có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, chủ yếu xây dựng các công trình và cung cấp dịch vụ chiếu sáng cho các dự án của CII và dự án khác.
Hiện nay, TP. HCM đang muốn tổ chức đấu thầu việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng, đồng thời, bản thân CII cũng có nhu cầu thi công các công trình chiếu sáng. Giá trị các khoản này có thể lên tới 600 - 700 tỷ đồng mỗi năm, là cơ hội không nhỏ cho CII E&C. “Đây là lý do trong quá khứ chúng tôi quyết tâm đầu tư vào Cơ khí Lữ Gia, vì chúng tôi xác định cơ hội trong dài hạn, chứ không phải là đầu tư tài chính và kiếm lời”, ông Bình giải đáp thắc mắc của NĐT về việc đầu tư vào Cơ khí Lữ Gia, đồng thời gợi mở triển vọng của mảng hoạt động mới này.
Động lực phát triển thứ năm của CII là CII Service, có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu là thu phí, bảo trì, bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh cho các dự án.
Triển vọng lợi nhuận đột biến
Đại diện CII cho biết, Công ty đã có kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2014 - 2019, với dự kiến kết quả kinh doanh khả quan. Năm 2014, Công ty dự kiến đạt 768 tỷ đồng doanh thu, trong đó thu nhập từ thu phí hoàn vốn cầu Rạch Chiếc đóng vai trò không nhỏ. Các mảng từ hạ tầng nước và bất động sản chưa có doanh thu năm tới. Lợi nhuận năm 2014 của CII dự tính khoảng 233,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2013, đã tính đến chi phí lãi vay, trái phiếu chuyển đổi của Goldman Sachs và trái phiếu mới dự kiến phát hành.
Trả lời câu hỏi của NĐT về việc vì sao CII lại phát hành 1.128 tỷ đồng trái phiếu với mức lãi suất cao (12%/năm) cho cổ đông hiện hữu, ông Bình cho hay, đây là lãi suất cao cho cổ đông, chứ không phải là lãi suất cao cho ngân hàng hay tổ chức bên ngoài.
Mặt khác, CII phải có nguồn dự án đủ hấp dẫn, cần vốn dài hạn thì mới chấp nhận phát hành như vậy, vì hiện nay, lãi suất vay thương mại của CII chỉ khoảng 10 - 10,5%/năm. “Bài toán của chúng tôi đưa ra là huy động như vậy thì lãi bao nhiêu”, ông Bình nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai được NĐT quan tâm là nếu không thể phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu, CII sẽ có phương án thay thế như thế nào, khi mà các dự án của Công ty đều có nhu cầu vốn lớn? Về vấn đề này, lãnh đạo CII cho biết, nếu cổ đông từ chối thực hiện quyền, CII hoàn toàn có thể lựa chọn đối tượng khác để bán, nhưng sẽ không bán rẻ trái phiếu chuyển đổi cho NĐT bên ngoài.
Các hình thức lựa chọn huy động vốn thay thế khác là: trái phiếu phát hành kèm quyền hoán đổi cổ phần vào công ty triển khai dự án, trái phiếu khác, huy động vốn cho dự án…