Sau khi công ty con của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đề xuất hủy niêm yết bất thành với CTCP Cơ khí Điện Lữ Gia - Lugiaco (LGC), HĐQT CII vừa thông qua chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu tại LGC lên 80,24%. Ngay sau quyết định này, CII đã mua lại 20% cổ phần của LGC từ Samco. Động cơ nào thúc đẩy CII gia tăng tỷ lệ sở hữu tại LGC?
Giải thích với ĐTCK về lý do HĐQT CII quyết định nâng tỷ lệ sở hữu tại LGC lên 80,24%, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, có hai lý do chính. Thứ nhất, xét về yếu tố ngành nghề, cả hai công ty có nhiều điểm chung có thể bổ trợ hoạt động, nâng hiệu quả hoạt động cả hai phía. Chẳng hạn, CII có ngành nghề chính là đầu tư xây dựng, khai thác, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng công trình công nghiệp và dân dụng. Còn LGC là công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các thiết bị cơ khí - điện hệ thống chiếu sáng. Việc CII gia tăng tỷ lệ sở hữu, biến LGC thành công ty con có lợi cho cả hai. Ví như với các công trình hạ tầng CII đang triển khai, thay vì thuê ngoài, một số hạng mục phù hợp thì CII và LGC có thể hợp tác. Thứ hai, theo đánh giá của CII, thị giá cổ phiếu LGC đang thấp hơn giá trị nội tại. Chưa kể giá trị thương hiệu và giá trị các hợp đồng LGC đang thực hiện và chờ quyết toán, riêng phần tài sản cố định của Công ty, chỉ riêng nhà máy tại Bình Dương và Cao ốc văn phòng Lugia Plaza đã trị giá khoảng 500 tỷ đồng. Trong khi đó, tất cả các khoản nợ của LGC chỉ khoảng trên dưới 100 tỷ đồng. Tính ra, giá trị sổ sách của LGC ở mức 4 chấm. Vì vậy, với mức giá hiện tại, CII đánh giá LGC hấp dẫn với tầm nhìn dài hạn.
Theo CII, giá cổ phiếu LGC đang thấp hơn giá trị nội tại
Cần nhắc lại là từ đầu năm 2012 tới nay, LGC luôn khiến các cổ đông bất ngờ. Chẳng hạn, ĐHCĐ thường niên đầu năm nay, nội dung hủy niêm yết dù có trong tài liệu dự họp nhưng phút chót lại không được đem ra bàn bạc. Thay thế nội dung đó, ĐHCĐ lại thảo luận và đi đến việc thống nhất cho phép CII có thể mua trên 25% cổ phần mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai. Sau hai tháng, HĐQT CII thông qua quyết định nâng tỷ lệ sở hữu tại LGC lên 60%, rồi mới đây là 80,24%. Sau khi vừa nhận chuyển nhượng hơn 20% cổ phiếu của Samco, tỷ lệ sở hữu của CII tại LGC đã nâng lên mức gần 45%. Nếu muốn thâu tóm LGC, rõ ràng CII đã tiến một bước dài trong việc chạm tới cột mốc sở hữu 51% để biến LGC thành công ty con. Tuy nhiên, ông Bình nhận xét, bây giờ đề cập đến kịch bản thâu tóm hơi sớm vì CII hiện chỉ thuần túy muốn dừng lại ở vị thế là nhà đầu tư tài chính.
Vậy động cơ nào thúc đẩy CII tăng tỷ lệ sở hữu tại LGC? Khi ĐTCK đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên, đáng lưu ý là một thành viên trong Ban lãnh đạo LGC tiết lộ, đã xuất hiện nguồn tin trong nội bộ lãnh đạo cao cấp Công ty về khả năng các NĐT Nhật Bản quan tâm đến LGC. “Động thái gom cổ phiếu của CII có thể nhằm chuyển nhượng lô lớn cổ phiếu cho NĐT nước ngoài. Hoạt động thoái vốn tại các công ty liên kết của CII cho NĐT nước ngoài 2 năm qua diễn ra khá thường xuyên. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra”, lãnh đạo LGC đánh giá.
Trong khi đó, ông Bình (hiện cũng đang là Chủ tịch HĐQT LGC) dù không trả lời trực tiếp vào câu hỏi này nhưng đánh giá, nếu xuất hiện một NĐT nước ngoài quan tâm và đầu tư vào LGC thì là tín hiệu tích cực. Ông Bình cho biết, LGC đã đầu tư nhà máy mới từ năm 2008, tuy nhiên do khủng hoảng kinh tế, đầu tư công bị cắt giảm mạnh, nên mấy năm gần đây, kết quả kinh doanh chủ yếu đến từ mảng kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, sản phẩm trụ điện lực của LGC đang được sản xuất thử nghiệm và khá tiềm năng ở khu vực phía
Cần nhắc lại là 2 năm gần đây, theo lịch trình, CII đã chuyển nhượng phần vốn góp tại một loạt công ty liên kết. Mới nhất, ngày 20/7 vừa qua, CII đã chuyển nhượng phần vốn góp tại một CTCP và công bố hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2012 sau 7 tháng. Câu chuyện CII gom cổ phiếu LGC nhưng không hướng đến mục đích thâu tóm mà nhằm chuyển nhượng cho bên thứ 3 là kịch bản có xác suất xảy ra khá cao.