CII: Điển hình thành công của doanh nghiệp niêm yết

CII: Điển hình thành công của doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Với con số lợi nhuận liên tục tăng trong các năm qua, quỹ dự án lớn và các chỉ tiêu tài chính ngày một đẹp hơn, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) có lẽ là một trong những điển hình thành công đặc biệt trên thị trường chứng khoán.

Điều đặc biệt hơn là, CII đã rất linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ tài chính và thị trường để thu hút dòng tiền lớn về hệ thống, tạo nên một hình ảnh CII hấp dẫn với đông đảo các nhà đầu tư và xây dựng vị thế số 1 trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng nước.

Câu chuyện SII

Tháng 9/2012, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Bất động sản Sài Gòn (mã SII) niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE). Ngay sau sự kiện này, giới tài chính đã có những xôn xao nho nhỏ. SII thời điểm là một câu chuyện đầy thú vị. Vấn đề không nằm ở chỗ hiệu quả hoạt động của Công ty ra sao, mà ở chính cấu trúc tài sản của doanh nghiệp này. SII là ví dụ đầu tiên về tài năng “biến hóa” các công cụ tài chính của CII.

Từ vốn điều lệ 550 triệu đồng, sau 3 lần tăng vốn, đến năm 2010, Công ty đạt được con số 6 tỷ đồng vốn điều lệ. Thế nhưng, cũng trong năm này, SII thực hiện một đợt tăng vốn lớn cho cổ đông hiện hữu, đưa vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng.

Tháng 10/ 2012, SII lên niêm yết, với quy mô vốn điều lệ không đổi, 2 cổ đông lớn là Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII, năm 37% vốn điều lệ) và CTCP Tư vấn Đầu tư Việt Thành (năm 10% vốn điều lệ), với một báo cáo tài chính và tình trạng kinh doanh khá đơn giản.

CII: Điển hình thành công của doanh nghiệp niêm yết ảnh 1

Trên tổng quy mô tài sản 917 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2012 – thời điểm ngay trước khi cổ phiếu SII giao dịch chính thức trên HOSE, SII có 616,36 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, gồm 2 khoản đầu tư vào công ty liên kết là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Cầu đường Bình Triệu và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng Ninh Thuận (tổng tị giá 110,247 tỷ đồng). Bên cạnh đó, SII có gần 506,113 tỷ đồng đầu tư dài hạn khác, tập trung chủ yếu vào Dự án Xây dựng khu căn hộ cao tầng Diamond Reverside và dự án chuyển nhượng quyền thu phí giao thông trạm Kinh Dương Vương và Xa lộ Hà Nội.

Các khoản đầu tư này có 2 đặc điểm nổi bật: liên quan đến CII và được bảo lãnh lợi nhuận tối thiểu.

Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Cầu đường Bình Triệu – công ty liên kết của SII với sở hữu 48,19% vốn điều lệ, cũng chính là công ty con của CII, với tỷ lệ sở hữu của CII là 51% vốn điều lệ. Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng Ninh Thuận, nơi SII sở hữu 26% vốn điều lệ cũng là doanh nghiệp có 73% vốn điều lệ được sở hữu bởi CII.

CII: Điển hình thành công của doanh nghiệp niêm yết ảnh 2

Khoản đầu tư nhận 49% quyền thu phí giao thông trạm Kinh Dương Vương và Xa lộ Hà Nội cũng được mua từ CII, với thời điểm mua là từ quý II/2010 – thời điểm SII tăng vốn. Với đầu tư bất động sản, SII có 40% giá trị đầu tư vào Diamond Riverside từ CII.

Không chỉ có điểm chúng là chủ yếu liên quan đến CII, điểm thú vị của các khoản đầu tư này là, các khoản đầu tư đều có cam kết lợi nhuận tối thiểu.

Cụ thể, bản cáo bạch niêm yết SII năm 2012 cho thấy, cả 4 khoản đầu tư vào Diamond Riverside (nhận từ CII và Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy), thu phí đường Điện Biên Phủ (xa lộ Hà Nội) và Kinh Dương Vương (nhận từ CII) và đầu tư vào Xây dựng Cầu đường Bình Triệu (nhận từ CII) đều có điều khoản lợi nhuận cam kết tối thiểu bằng 75% mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng của Ngân hàng Vietcombank tính tại ngày 1/7 hàng năm cộng thêm 2% trên số tiền đầu tư bình quân của năm đó.

Nhận xét về SII thời điểm này, Phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, với cách cấu trúc SII tại thời điểm trên, CII đã biến các khoản vay nợ thành khoản đầu tư vốn, giúp báo cáo tài chính đẹp hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí. SII là công ty cổ phần, nhưng có nhiều đặc tính của một khoản đầu tư trái phiếu. Đồng thời, việc tạo ra SII với sở hữu 49% quyền thu phí 2 dự án của CII và bán cổ phiếu ra thị trường, thực chất được coi như một cách để chứng khoán hóa dòng tiền tương lai của CII từ quyền thu phí này. Nghiệp vụ không quá xa lạ, nhưng cách làm của CII ở thời điểm này là rất sáng tạo và có lẽ là duy nhất trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, sự thăng hoa trong sáng tạo của CII có lẽ phải kể đến giai đoạn từ 2013 đến nay, khi Công ty bước vào tái cấu trúc toàn diện hoạt động.

CII: Điển hình thành công của doanh nghiệp niêm yết ảnh 3

Bài toán tái cấu trúc của CII

Nửa đầu năm 2013, Tổng giám đốc CII, ông Lê Quốc Bình trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán với câu nói khiến cho nhiều nhà đầu tư… sốc: Quý II, hòa vốn là may!

Với thay đổi trong chính sách kế toán về cách hạch toán doanh thu của các dự án BT, BOT áp dụng từ quý II/2013, một số dự án của CII rơi vào tình trạng đang lãi trở thành lỗ. Thêm vào đó, việc thay đổi chính sách đầu tư các dự án BOT, từ cách cũ là đầu tư và bán lại cho đơn vị khác vận hành để thu lợi nhuận về một cục, CII lựa chọn giữ lại dự án để tái đầu tư. Cách này dù mang lại tỷ suất sinh lời mỗi dự án lớn hơn, nhưng đồng thời tạo sức ép lớn cho Công ty về cả dòng tiền lẫn áp lực duy trì lợi nhuận theo đó cũng tăng mạnh.

Với đặc thù của lĩnh vực hạ tầng là nhu cầu vốn lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài và yêu cầu về vốn đối ứng khi triển khai thêm dự án mới, cách CII hóa giải một phần tình huống ấy nhờ SII là một phần sáng tạo, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho những sáng tạo tiếp theo mà Ban lãnh đạo CII đã làm trong các năm qua. Từ năm 2013, ông Bình đã cho rằng, cạnh tranh lĩnh vực hạ tầng giao thông sẽ ngày càng lớn, với mức độ hấp dẫn của các dự án giảm dần. “Do đó, CII phải thực hiện nâng cao năng lực tài chính để đảm bảo thực hiện những dự án rất lớn, bởi ở phân khúc này, có rất ít đối thủ có thể cạnh tranh được. Nếu không thay đổi, sẽ rất khó để Công ty có thể đảm bảo mục tiêu lợi nhuận cho các cổ đông”, ông Bình nói.

CII: Điển hình thành công của doanh nghiệp niêm yết ảnh 4

Đi kèm với dự án lớn, với chính sách mới trong đầu tư, và đặc biệt trong bối cảnh vẫn phải đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ vốn đối ứng trong triển khai dự án, rõ ràng, CII không thể trông chờ vào vay vốn ngân hàng. Huy động vốn cổ phần từ đối tác nước ngoài có lẽ là cánh cửa rất tốt, nhưng CII giai đoạn này luôn ở trong tình trạng gần như kín room. Vậy, làm cách nào để hóa giải?

Bắt đầu từ năm 2013, câu chuyện tái cấu trúc hoạt động toàn bộ hệ thống bắt đầu được công bố và từng bước thực hiện. Nhìn lại quá trình này, những người trong nghề tài chính gọi CII là bậc thầy dù ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là đầu tư lĩnh vực hạ tầng.

Chỉ sau hơn 3 năm theo đuổi mục tiêu tái cấu trúc toàn diện, CII đã hóa giải thành công nhiều bài toán: sắp xếp lại bộ máy hoạt động để quản lý hiệu quả hơn; thu hút thêm được lượng vốn lớn cho toàn hệ thống nhằm phục vụ mục tiêu mở rộng đầu tư vào các dự án lớn – phân khúc có rất ít đối thủ có đủ năng lực cạnh tranh; và đạt được mục tiêu duy trì lợi nhuận cao cho cổ đông.

Đặc biệt, ở mỗi lĩnh vực hoạt động riêng biệt, CII lại có sự tham gia hỗ trợ của một đối tác chiến lược nước ngoài có uy tín, những người không chỉ mang tiền đến làm cùng, mà đã hỗ trợ Công ty rất nhiều trong nâng cao công nghệ, quản trị.

Lĩnh vực nước: bắt tay với Manila Water

Thương vụ thoái vốn thành công BOO Thủ Đức không chỉ giúp CII giải phóng khỏi một dự án gặp nhiều khó khăn, mang lại lợi nhuận lớn, mà còn giúp CII tiếp cận được nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Hạ tầng nước trong mấy năm trước đó là lĩnh vực CII nhắm tới, nhưng hoạt động rải rác, chưa tạo thành một mảng kinh doanh thực sự rõ nét. Và đặc biệt là thiếu vốn, thiếu công nghệ. Năm 2013, SII được thoát ra khỏi vai trò “cánh tay nối dài” các dự án hạ tầng giao thông của CII và trở thành doanh nghiệp chuyên về hạ tầng nước, với tên mới là Công ty cổ phần Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water), với quỹ dự án ban đầu là các dự án mà CII đã làm. Manila Water – doanh nghiệp có uy tín và bề dày kinh nghiệm cùng vị thế gần như độc tôn ở Manila, Philippines trở thành đối tác chiến lược của CII tại SII.

Theo thỏa thuận đối tác chiến lược, Manila Water ngoài việc mua 18,37 triệu cổ phiếu SII với mức giá 16.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn hơn 10% so với thị giá tại thời điểm ký kết hợp đồng (là 15.100 đồng/cổ phiếu), còn cam kết sẽ hỗ trợ SII về mặt công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị… Điều này đặc biệt cần thiết với SII ở thời điểm năm 2013, công nghệ và kinh nghiệm của CII hay SII trong lĩnh vực này hầu như có gì. Những người trong nghề đều cho rằng, thỏa thuận SII đạt được với đối tác là một thành công lớn, bởi công nghệ chống thất thoát nước tại Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành, còn Manila Water đi lên nhờ thành công trong công nghệ này.

Từ sự hợp tác này tại SII, CII nhanh chóng mở rộng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng nước, với các dự án lớn như: Dự án nước sạch Củ Chi, Dự án nước sạch Pleiku, Nhà máy nước Dankia 2 Đà Lạt… cùng nhiều công ty nước sạch khác ở phía Nam.

Hiệu quả kinh doanh hiện nay của SII hiện nay vẫn còn khá thấp so với hiệu quả kinh doanh chung toàn CII, câu chuyện của SII đến năm 2017 trong chiến lược chung có lẽ không phải là lợi nhuận, mà là địa bàn hoạt động. “Nước có đặc thù là đã chiếm được thị phần, thì gần như sẽ chiếm lĩnh trọn đời thị phần đó. Và giá nước sạch tăng theo thời gian”, ông Bình nhận xét như thế về đặc điểm kinh doanh của ngành. SII là “của để dành” cho câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận của CII trong tương lai.

Mặc dù chưa đóng góp lớn từ hiệu quả kinh doanh các dự án đang triển khai, nhưng nhờ việc bán dự án cho SII, CII đã ghi nhận hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận trong các năm qua.

Hạ tầng giao thông: Hợp tác với MPTC

Tương tự câu chuyện với Manila Water trong lĩnh vực nước, ở lĩnh vực xây dựng cầu đường, 1 trong 4 mảng hoạt động chính của mình, CII cũng đã ghi nhận được hiệu quả kép từ việc hợp tác với Metro Pacific Tollway Corporation (MPTC).

Tháng 8/2014, Công ty cổ phần Cơ khí điện Lữ Gia (mã LGC) đổi tên thành Công ty cổ phần Cầu Đường CII (CII B&R), với hoạt động chủ yếu là xây dựng các công trình giao thông của CII. CII B&R ra đời không chỉ giúp cho CII tiết kiệm được chi phí quản lý và nâng cao hiệu quả do tính chuyên môn hóa và tập trung trong phân mảng hoạt động, mà tương tự SII, câu chuyện tái cấu trúc này cũng đã tạo ra lợi nhuận lớn cho Công ty.

Ngày 14/1/2015, CII ký hợp đồng bán cổ phần và phát hành trái phiếu với MPTC. Theo thỏa thuận này, CII bán 30 triệu cổ phiếu cho MPTC và phát hành trái phiếu hoán đổi cổ phiếu LGC. Với thương vụ này, CII thu về ngay lập tức 1.950 tỷ đồng từ MPTC. Đây là yếu tố giúp Công ty có thêm nguồn lực tài chính lớn để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, mở rộng đầu tư các dự án.

Nhưng, con số lợi nhuận mà CII thu về từ thương vụ này mới thực sự ấn tượng. Việc chuyển nhượng 30 triệu cổ phiếu LGC cho MPTC giúp Công ty lãi 295 tỷ đồng. Khoản trái phiếu với giá 1.020 tỷ đồng mang về 207 tỷ đồng thặng dư và 424 tỷ đồng từ hoán đổi cổ phần. Tính riêng thương vụ này, tổng lợi ích mà CII nhận được (chưa tính từ lợi ích liên quan đến việc phát huy hiệu quả dòng tiền thu về thương vụ) là 926 tỷ đồng và phần lợi ích tăng thêm của CII tại CII B&R tăng lên do giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu LGC tăng sau chuyển đổi.

Không chỉ được lợi về mặt tài chính, việc song hành với MPTC mang lại cho CII một câu chuyện khác, đó là bước tiến về mặt công nghệ trong quá trình đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông. Nhưng liệu CII có đạt được những bước tiến này nếu không thực hiện tái cấu trúc? Câu trả lời có lẽ là không.

Bên lề sự kiện ký kết với MPTC, trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về việc vì sao MPTC lại đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông thông qua CII B&R, khi mà tỷ suất sinh lời lĩnh vực này tại Việt Nam tại mỗi dự án thấp hơn nhiều so với tại nước bản địa của MPTC là Philippines, đại diện MPTC cho biết: “Nếu lựa chọn từng dự án thì đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng không hấp dẫn. Nhưng khi đầu tư vào doanh nghiệp, lợi nhuận của chủ đầu tư sẽ tăng lên vì được sử dụng đòn bẩy. Chúng tôi chọn CII bởi đây là doanh nghiệp lớn, có vị thế, trên thị trường, có mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương”.

Cần lưu ý thêm là, một thời gian dài, CII gần như bị kín “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Tái cấu trúc lĩnh vực đầu tư cầu đường thành một mảng trực thuộc, CII không chỉ huy động được tối đa nguồn vốn ngoại từ công ty mẹ, mà thêm cơ hội huy động dòng vốn từ công ty con, từ đó làm tăng nguồn lực đầu tư cho toàn hệ thống. Làm mạnh hệ thống và… có lãi lớn, CII đã thành công kép với việc tái cấu trúc hệ thống hoạt động này.

Trước tái cấu trúc, CII có vốn chủ sở hữu hơn 1.476 tỷ đồng vào ngày 31/12/2012. Nay, đến hết 30/9/2016, CII là cổ đông lớn nhất, sở hữu 49% vốn điều lệ CII B&R với quy mô vốn chủ sở hữu của công ty này là hơn 2.900 tỷ đồng. CII B&R đã giúp CII mở rộng được quỹ dự án lớn, với hàng loạt dự án như: Dự án B.T Cầu Sài Gòn, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Xa lộ Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1A qua thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; Dự án khai thác tuyến đường liên tỉnh 741; Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Ninh Thuận, BOT Cầu Rạch Miễu…

Vũ khí mới của CII

Kể từ sau năm 2013 – năm có tính chuyển tiếp quan trọng do thay đổi chính sách đầu tư các dự án BOT và tác động của chính sách kế toán mới áp dụng cho các dự án BT, BOT, lợi nhuận của CII sụt giảm mạnh. Các năm sau đó, CII bắt đầu ghi nhận lợi nhuận lớn trở lại, nhưng có sự đóng góp rất lớn từ các thương vụ bán cổ phần cho đối tác chiến lược, chuyển nhượng dự án cho công ty con, công ty liên kết hình thành do công tác tái cấu trúc.

Điển hình như năm 2015, trong tổng số gần 937 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất, CII có tới gần 332 tỷ đồng lãi từ đánh giá lại giá trị hợp lý các khoản đầu tư vào công ty con, hơn 220 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu hoán đổi (cho MPTC), hơn 101 tỷ đồng lãi tiền gửi, cho vay; gần 128 tỷ đồng từ lãi giao dịch mua rẻ… Đó là chưa kể các khoản lợi nhuận từ bán một phần cổ phiếu công ty con do không hạch toán vào lợi nhuận tại báo cáo tài chính hợp nhất mà hạch toán thẳng vào vốn chủ sở hữu.

Tương tự, 9 tháng đầu năm nay, CII cũng hạch toán gần 721 tỷ đồng lợi nhuận từ thoái vốn công ty con, hơn 138 tỷ đồng từ đánh giá lại giá trị hợp lý của các khoản đầu tư vào công ty con, 124 tỷ đồng tiền gửi… trên tổng số gần 1.074 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tại báo cáo tài chính hợp nhất.

Tính đến thời điểm hiện tại, CII đã cơ bản hoàn thành việc tái cấu trúc bộ máy hoạt động, với công ty mẹ và các công ty con hoạt động chuyên biệt ở mỗi lĩnh vực. Hiện tại, ngoài quỹ dự án lớn về cầu đường và việc đầu tư ngày một lớn vào mảng nước, CII còn có trong tay quỹ đất lớn, đặc biệt là đất tại Thủ Thiêm, TP.HCM, nơi đang gây sốt thị trường bất động sản phía Nam trong 2 năm gần đây.

Điều quan trọng hơn cả, sau giai đoạn tái cấu trúc, CII đã tự tin có thể “sống khỏe” bằng hoạt động kinh doanh chính từ năm 2017, bao gồm thu nhập từ đầu tư hạ tầng giao thông và thu phí, thu nhập từ bất động sản và nước. Liệu CII có dừng lại chuỗi ngày những sáng tạo tài chính của mình? Câu trả lời có lẽ là không.

Cuối tháng 10/2016, CII đã có thông báo về việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2016 để bàn về nhiều nội dung, trong đó có 2 vấn đề được công bố là bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị do quỹ đầu tư Hàn Quốc đề cử và giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng CII (CII E&C), nơi CII đang sở hữu 99,45% vốn điều lệ để tiến tới niêm yết năm 2017. Khối lượng cổ phiếu bán dự kiến là 19,375 triệu cổ phần, với giá bán khoảng 22.000 đồng/cổ phiếu, trên giá vốn đầu tư của CII là 10.437 đồng.

Như vậy, nếu bán thành công ở giá này, CII sẽ thu về 224 tỷ đồng lợi nhuận công ty mẹ và thu được dòng tiền về hơn 426 tỷ đồng. Điều quan trọng hơn, nhìn vào câu chuyện đã diễn ra với SII, CII R&B, thị trường có thể sẽ chờ đợi điều kỳ diệu tiếp theo của CII E&C. Và đó có thể tiếp tục là một nhân tố mới.

Tính đến thời điểm này, CII đã thành công trong hầu như toàn bộ các phi vụ tài chính lớn. Để trở thành doanh nghiệp số 1 về hạ tầng giao thông và hạ tầng nước như hiện nay, cũng như các dự án bất động sản “hot”, bí quyết của CII trong 6 năm trước là các công cụ tài chính. Đó có thể cũng là bí quyết để sẽ tiếp tục là cách để CII tạo ra những câu chuyện tăng trưởng cho mình, khi thị trường vẫn ghi nhận được rất nhiều ý tưởng mới trong huy động vốn mở rộng đầu tư, trong đó có ý tưởng phát hành trái phiếu bảo lãnh thanh khoản mà CII đã đề cập, nhưng đến nay vẫn còn dang dở.

Lưu ý: trong các năm từ 2015, 2016, vốn chủ sở hữu của CII đã bị giảm đi do Công ty mua cổ phiếu quỹ. Việc mua này có một phần mục tiêu để bán ra thị trường khi giá tốt hơn (hiện giá đã cao hơn giá thời điểm mua) hoặc để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài. Do đó, vốn chủ sở hữu thực tế của CII có thể sẽ tăng mạnh trong tương lai khi Công  ty bán lượng cổ phiếu này (xem bảng biến động vốn chủ sở hữu qua các năm).

Kết quả đầu tư ấn tượng của cổ đông CII

- Từ khi thực hiện tái cấu trúc đến nay, CII đã liên tục thực hiện chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ cao, dù Công ty thay đổi chính sách đầu tư với các dự án. Với kết quả kinh doanh duy trì ở mức cao và tăng trưởng rõ ràng, cổ phiếu CII đã liên tục tăng giá, mang lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư (xem đồ thị)

- Năm 2014 là năm duy nhất CII có sự sụt giá mạnh, nhưng việc điều chỉnh này trên thực tế không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông, bởi do tác động điều chỉnh giá (tự nhiên) của việc phát hành trái phiếu chuyển đổi. Nhìn lại gần 3 năm. nhà đầu tư đã có thể lãi trên 100% nếu nắm giữ cổ phiếu này.

Tin bài liên quan