CII “đặt cược” vào tái cơ cấu nguồn vốn

CII “đặt cược” vào tái cơ cấu nguồn vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với điểm yếu tỷ lệ nợ phải trả/vốn ở mức cao, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII) đang nỗ lực cơ cấu lại nguồn vốn.

Dự kiến phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi

Ngày 22/10/2023, CII công bố thông tin gia hạn thời gian phát hành lô trái phiếu chuyển đổi trị giá 2.840 tỷ đồng thêm 30 ngày (tức đến ngày 26/1/2024). Đây là đợt phát hành nằm trong kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn của Công ty, với tổng giá trị trái phiếu dự kiến huy động là gần 7.000 tỷ đồng.

Tới ngày 24/10/2023, ông Lê Quốc Bình, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc CII và vợ là bà Phạm Thị Thuý Hằng báo cáo đã bán toàn bộ hơn 10 triệu cổ phiếu CII đang nắm giữ, giảm tỷ lệ sở hữu về 0%, để chuyển sang đầu tư trái phiếu chuyển đổi mã CII42301.

Động thái bán cổ phiếu của vợ chồng ông Bình cũng diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu CII giảm 35% từ đỉnh gần nhất ngày 13/9 (24.000 đồng/cổ phiếu). Tạm tính theo mức giá đóng cửa phiên 23/10/2023 là 15.600 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Bình và vợ thu về hơn 156 tỷ đồng.

Có thể nói, CII đang tập trung tái cơ cấu nguồn vốn để giải quyết rủi ro lớn với hoạt động của Công ty. Đó là áp lực tài chính lớn trong ngắn và trung hạn, do CII đã sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao trong quá trình đầu tư dự án BOT.

Trong vòng 5 năm qua, tổng tài sản hợp nhất của CII đã tăng gần 7.580 tỷ đồng (từ 20.709 tỷ đồng lên mức 28.559 tỷ đồng), trong khi vốn điều lệ gần như không thay đổi ở mức 2.800 tỷ đồng. Hệ quả là Công ty đang chịu áp lực lãi vay và trả nợ rất lớn. Tại thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả của CII ở mức 20.264 tỷ đồng, gấp hơn 2,4 lần vốn chủ sở hữu; trong đó, có 14.582 tỷ đồng là vay nợ tài chính (chiếm tỷ trọng 72%). Vay nợ lớn khiến Công ty phải chi 1.120 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm 2022.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 sau soát xét (CII chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2023), tại thời điểm cuối quý II năm nay, Công ty có 5.931,5 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, cùng với 7.227,3 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Theo đó, nửa đầu năm 2022, Công ty phải trả chi phí lãi vay 652 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Tại đại hội cổ đông bất thường năm 2023 của CII diễn ra ngày 17/10 vừa qua, chia sẻ về vấn đề tái cơ cấu nguồn vốn để giảm phụ thuộc vào vốn vay, bà Nguyễn Quỳnh Hương, Phó tổng giám đốc cho biết, trong 20.000 tỷ đồng mà CII đang đi vay, Công ty sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu để tăng tỷ lệ vốn. Khi đó, cơ cấu vốn của Công ty sẽ chuyển từ nợ vay thành vốn chủ sở hữu.

“Lợi nhuận và doanh thu của các dự án mà CII đã triển khai rất rõ ràng và khả năng hoàn vốn cao. Do đó, thay vì đi thu phí và trả nợ cho ngân hàng, Công ty có thể chuyển phần vốn đó thành vốn cổ phần bằng cách tăng vốn điều lệ thông qua phát hành trái phiếu cho cổ đông. Tiền thu được từ các dự án sẽ được dùng để trả cổ tức cho cổ đông hoặc trả trái tức cho cổ đông và trái chủ”, bà Hương cho biết.

Cũng theo lãnh đạo CII, Công ty đã đạt được bước tiến trong việc tái cấu trúc nguồn vốn trung và dài hạn. Thứ nhất, CII đã hợp tác với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước (như Vietcombank, VPBank, Vietinbank, GuarantCo...) để bổ sung các khoản tín dụng mới với thời hạn dài hơn, tương đương với thời gian vận hành thu phí của các dự án BOT; đồng thời, điều phối một cách hợp lý dòng tiền ròng thu hồi từ các dự án. Gần đây nhất là việc ký hợp đồng tín dụng với Vietcombank, với tổng hạn mức 9.340 tỷ đồng.

Thứ hai, CII sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nguồn vốn, với tổng giá trị lên đến gần 7.000 tỷ đồng. Cụ thể, CII đang làm việc với một tổ chức tài chính quốc tế được Fitch xếp hạng tín dụng AA để bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu mà CII dự kiến sẽ phát hành với tổng giá trị khoảng gần 2.400 tỷ đồng, thời hạn trên 10 năm. Theo đó, các trái phiếu của CII nghiễm nhiên sẽ có xếp hạng tín dụng tương đương với tổ chức quốc tế này. Ngoài ra, CII dự kiến sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi (2 đợt) cho cổ đông hiện hữu với thời hạn 10 năm, tổng giá trị lên đến 4.500 tỷ đồng.

Kế hoạch cơ cấu nguồn vốn tín dụng của CII.

Kế hoạch cơ cấu nguồn vốn tín dụng của CII.

CII đang làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hồ sơ phát hành trái phiếu chuyển đổi đợt 1, với giá trị phát hành khoảng 2.840 tỷ đồng. Đây chính là lô trái phiếu vừa được gia hạn kể trên, loại trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần phổ thông, không có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền. Phương thức phân phối là cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu CII phổ thông sẽ được mua 1 trái phiếu (tỷ lệ 10:1) và không bị giới hạn số lượng mua tối thiểu.

Lãi suất của hai lô trái phiếu này đều được trả 3 tháng một lần, lãi suất 10%/năm cho 4 kỳ đầu và sau đó thả nổi với biên độ 2,5%/năm cộng với lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng tại Vietcombank và VietinBank.

CII cho biết, nếu toàn bộ trái phiếu 4.500 tỷ đồng phát hành thành công và được chuyển đổi thành cổ phiếu, tỷ lệ nợ phải trả/vốn của CII sẽ giảm từ 2,2 lần xuống 1,1 lần. Đây là yếu tố quan trọng với Công ty, bởi nếu không cải thiện được chỉ số này, CII sẽ gặp khó khăn khi tham gia hoạt động đấu thầu dự án mới và khó có khả năng tiếp tục huy động vốn đầu tư với quy mô lớn.

Tính tới cuối quý II/2023, Công ty có một số khoản vay ngắn hạn quy mô lớn: vay HDBank 2.926,5 tỷ đồng, thời hạn vay dưới 12 tháng, lãi suất 11 - 13,5%/năm; vay BIDV gần 198 tỷ đồng, thời hạn 8 tháng; vay cá nhân và các tổ chức khác 774,8 tỷ đồng… Về vốn vay dài hạn, CII vay Vietcombank 2.365,9 tỷ đồng; vay BIDV 1.248,7 tỷ đồng; vay Vietinbank 1.221,5 tỷ đồng…

Đáng chú ý, CII đang có 2.004,6 tỷ đồng nợ vay trái phiếu. Đây là lý do tại đại hội cổ đông bất thường, các cổ đông, nhà đầu tư rất quan tâm tới khả năng trả nợ của Công ty, chưa nói tới việc phát hành các lô trái phiếu tiếp theo với giá trị 7.000 tỷ đồng.

Tham vọng tiếp tục đầu tư 75.000 tỷ đồng

Trong kế hoạch hoạt động giai đoạn 2024 - 2030, CII dự kiến đầu tư 6 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn đầu tư gần 75.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 có mức đầu tư lớn nhất, với 22.000 tỷ đồng.

Theo CII, 6 dự án trên được ban lãnh đạo Công ty lựa chọn dựa trên các tiêu chí: có thể giải quyết ách tắc giao thông một cách tổng thể; có thể kết nối với các dự án hiện hữu của CII; đã có quy hoạch phát triển và có thể hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp BOT và người dân.

Khi được cổ đông đề nghị xem xét lại tính cẩn trọng khi lựa chọn dự án, ông Bình cho biết, 2 năm nay, CII đã không thực hiện dự án mới mà chỉ tập trung phát triển các dự án cũ, vì vậy, bây giờ nếu không bắt đầu dự án mới thì “2 - 3 năm nữa, CII chỉ là một quỹ có vài nhân viên ngồi chơi và thu phí từ các dự án BOT”.

Theo Tổng giám đốc CII, trong 104 dự án BOT được Bộ Giao thông - Vận tải kêu gọi đầu tư hiện nay, chỉ có vài dự án có khả năng hoàn vốn, chiếm phần lớn trong đó là các dự án của CII. Điều này cho thấy CII chỉ chọn làm số ít dự án có khả năng hoàn vốn cao.

Tại đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị CII cũng trình kế hoạch mở rộng đầu tư lĩnh vực mới là hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế. Dù kế hoạch này được thông qua, nhưng ông Bình khẳng định: “Hội đồng quản trị có thể quyết định không thực hiện đầu tư nếu tình hình thực tế không thuận lợi”.

Tin bài liên quan