Cụ thể, CIENCO4 sẽ đóng góp 6,75 tỷ đồng, tương ứng với 15% vốn điều lệ của Cảng hàng không Quảng Trị.
Cùng với đó, ông Lê Đức Thọ, thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 sẽ được cử là người đại diện theo ủy quyền tại Cảng hàng không Quảng Trị với phần vốn góp 2,25 tỷ đồng, tương ứng 5% vốn điều lệ.
Người đại diện được ủy quyền còn lại là ông Nguyễn Xuân Toàn, đang làm việc tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng giao thông T&T, đại diện phần vốn góp 4,5 tỷ đồng, tương đương 10% vốn điều lệ Công ty TNHH Cảng hàng không Quảng Trị.
Trước đó, vào ngày 29/11/2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu được xác định là Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Giao thông T&T – Công ty CP Tập đoàn CIENCO4.
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị được thực hiện tại xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Dự án có diện tích đất sử dụng 265,372 ha (chưa bao gồm diện tích đất khu quân sự là 51,2 ha). Trong đó, diện tích đất dùng chung là 177,642 ha. Diện tích đất khu hàng không dân dụng là 87,73 ha. Đối với khu đất quân sự (51,2 ha), sẽ đầu tư khi quân đội có nhu cầu.
Tổng mức đầu tư dự án là 5.821,073 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu 1.091,960 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 18,76%), vốn vay tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác là 4.729,113 tỷ đồng (tương đương 81,24%).
Thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng. Thời gian thực hiện hợp đồng (vận hành, thu phí, hoàn vốn) là 47 năm 2 tháng.
Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2021, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tháng 8/2023. Công trình đạt tiêu chuẩn là cảng hàng không cấp 4C theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có khả năng đỗ tàu bay code E và sân bay quân sự cấp II đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu lượt hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải. Đồng thời, đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng.