Từ dự án thành… đề án
Trên cơ sở đề xuất của liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc (Tập đoàn Phúc Lộc) - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) về dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), ngày 21/7/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 2511/UBND-TH giao nhà đầu tư lập đề xuất dự án.
Sau khi đề xuất chủ trương đầu tư dự án hoàn thành, ngày 25/8/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 2190/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đề xuất dự án đầu tư xây dựng rất lớn nói trên.
Ngày 12/11/2016, sau khi UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 9 dự án thành phần. Chín dự án nói trên được công bố sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trên mạng đấu thầu quốc gia theo quy định. Đến thời điểm đóng thầu (ngày 13/12/2016), chỉ có một nhà đầu tư mua hồ sơ mời tuyển và nộp hồ sơ dự tuyển chính là liên danh Phúc Lộc - Cienco8. Và ngày 25/12/2016, các dự án số 1, số 5 chính thức được động thổ xây dựng dù chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo quyết định ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư là 9.811,6 tỷ đồng thuộc dự án nhóm A nên thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do nguồn tài chính của Trung ương gặp khó khăn, để đảm bảo quá trình thẩm định, phê duyệt thực hiện dự án theo đúng thẩm quyền…, các cơ quan ban ngành của Thái Nguyên đã thống nhất chủ trương đổi tên “Dự án” thành “Đề án”.
Tại kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 27/10/2017, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành thảo luận, biểu quyết và thông qua Nghị quyết chủ trương đề xuất chuyển Dự án thành Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên gồm 9 dự án thành phần.
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, nguồn kinh phí thực hiện 9 dự án thành phần sẽ tăng từ 18.211 tỷ đồng lên 23.909 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước vẫn giữ nguyên là 5.611 tỷ đồng, chỉ thay đổi trong việc bố trí vốn ở từng dự án. Cụ thể, đối với kinh phí giải phóng mặt bằng các dự án BT, trong khi trước đây bố trí 2.811,6 tỷ đồng, thì nay đề xuất tăng lên 3.143,2 tỷ đồng; ngược lại ở các dự án hoàn vốn dự án BT thì lại giảm, từ 2.800 tỷ đồng xuống còn 2.468,4 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn của nhà đầu tư được điều chỉnh tăng từ 12.600 tỷ đồng lên 18.298 tỷ đồng (tăng 5.698 tỷ đồng), trong đó kinh phí xây dựng là 10.227 tỷ đồng (trước là 7.000 tỷ đồng); kinh phí hoàn thiện hạ tầng đô thị gần 7.400 tỷ đồng (trước là 5.600 tỷ đồng); còn lại gần 700 tỷ đồng để bổ sung giải phóng mặt bằng dự án hoàn vốn.
Và những khu “đất vàng”
Dự kiến, Cienco 8 và Tập đoàn Phúc lộc “xin” đối ứng khoảng 40 khu đất với diện tích 900 ha, thay vì khoảng 34 khu đất tương đương với diện tích 700 ha trước đây để thực hiện Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên.
Đó hầu hết là các lô đất ở các vị trí đắc địa tại trung tâm TP. Thái Nguyên hoặc các địa bàn lân cận có giá trị thương mại cao. Trong đó, nhiều lô đất là nơi tọa lạc của các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện… của tỉnh Thái Nguyên.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện Thái Nguyên mới thống nhất 8 khu đất đối ứng cho Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco8 tại Văn bản số 3438/UBND-QHXD ngày 15/8/2017.
Đó là những khu đất trụ thuộc sở Công ty TNHH một thành viên Thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên; Khu số 7; Khu số 8 Túc Duyên; Khu đô thị Linh Sơn, Huống Thượng; Khu Cao Ngạn Cổ Rùa; Quỹ đất dọc đường Bắc Sơn kéo dài vào khu hồ Núi Cốc phường Thịnh Đán; Khu công viên cây xanh TP. Thái Nguyên; Khu đô thị Nam sông Cầu, phường Quang Vinh.
Hiện tại, nhà đầu tư đang thực hiện khảo sát, đề xuất cụ thể vị trí, quy mô diện tích, tính toán giá trị các khu đất đối ứng, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở để ký kết hợp đồng BT các dự án trên.
Những nhà kinh doanh bất động sản dự đoán, chắc chắn hầu hết những khu đất “vàng” mà liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco8 lựa chọn sẽ được nhà đầu tư thực hiện thương mại. Đó sẽ là nguồn cung cực lớn đối với thị trường bất động sản Thái Nguyên trong tương lai gần.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Huy Hoàng, Phó tổng giám đốc Cienco8 cho biết: “Việc thực hiện dự án này là mong muốn từ mấy kỳ đại hội của tỉnh Thái Nguyên. Thực ra khi làm dự án này ,mình cũng lo lắng lắm, vì cứ bỏ tiền ra làm và thông qua việc bán đất (đất đối ứng BT - phóng viên) là mình cũng lo lắng về tính thanh khoản của nó lắm. Hiện nay, tính rủi ro của dự án nằm ở doanh nghiệp nhiều hơn”.
Tuy nhiên, đây là một đề án có số vốn đầu tư cực lớn và quyền lợi đối ứng cho nhà đầu tư chắc chắn không dừng là ở 8 lô đất nói trên. Do đó, bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư thì sự minh bạch, công khai là rất cần thiết trong việc tính toán giá trị các lô đất tiếp theo làm quyền lợi đối ứng để tránh thất thoát tài sản nhà nước.
40 khu đất vàng được liên danh đề xuất làm quyền lợi đối ứng
Khu dân cư số 7C, phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên; Khu đô thị số 8, phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên; Khu đô thị Cao Ngạn (Cổ Rùa), xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên; Khu đô thị Linh Sơn - Huống Thượng, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ; Khu đô thị Nam Sông Cầu, phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên; quỹ đất dọc đường Bắc Sơn kéo dài vào khu hồ Núi Cốc, phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên; Khu quy hoạch công viên cây xanh, xã Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên;
Trụ sở Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước, phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên; Rạp chiếu bóng tỉnh Thái Nguyên, phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên; Khu bệnh viện chỉnh hình thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên; Trường mầm non 19/5 (ENICEF), phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên; Sân vận động tỉnh Thái Nguyên, phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên; Nhà máy gạch không nung, phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên;
Dự án trung tâm chợ cảng nội địa và chợ vùng Việt Bắc, phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên; Khu dân cư số 10, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên (đường CMT8 rẽ vào đường Thanh Niên Xung Phong đi qua tượng đài thanh niên xung phong); Khách sạn Trung Tín, đường Đội Cấn, phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên; Quỹ đất khu đô thị Hưng Thịnh và Thịnh An, phường Thịnh Đán vã xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên (Quỹ đất dọc đường Bắc Sơn vào hồ Núi Cốc);
Sở xây dựng cũ, số 5/1 đường Bắc Kạn, TP. Thái Nguyên; Khu dân cư số 5, phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên; Khu đất còn lại của Nhà máy nước Thái Nguyên, phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên; Khu vực Bến thuyền 52 hộ dân sau Quảng trường Võ Nguyên Giáp và nhà thi đấu trung tâm thành phố, phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên;
Khu dân cư tổ 7 Gia Sàng (Kosy Gia Sàng), TP. Thái Nguyên (Ngõ 779 và ngõ 801 đường Cách Mạng Tháng 8 rẽ vào khoảng 100m); Khu dân cư xóm Đồng Xe, xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương; Khu dân cư xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên; Khu đô thị Cao Ngạn 2 (Khu cảnh quan sông Cầu A), xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên; Khu dân cư xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên;
Khu đô thị Linh Sơn, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ; Khu dân cư xóm Trám, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ; Khu dân cư thôn Cậy, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ; Khu đô thị Kosy, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên (Ngõ 779 đường Cách Mạng Tháng 8 đi vào khoảng 400m); Khu dân cư tổ 7 phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên (Ngõ 779 đường Cách Mạng Tháng 8 đi vào khoảng 1,5 km) và Khu dân cư tổ 7 phường Cam giá, TP. Thái Nguyên…
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com