Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho rằng, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2018 (cập nhật) có thể đạt mức 6,71%.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM).
Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 12,11%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 1,2 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,93%.
Cơ sở của dự báo cập nhật này, theo ông Dương, ngoài những chỉ tiêu kinh tế sáng sủa đạt được trong 2 quý đầu năm 2018, việc Chính phủ vẫn kiên định duy trì ổn định kinh tế vĩ mô song song với tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là tín hiệu tích cực.
“Kiềm chế lạm phát được chắc đến nhiều hơn, với những chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, nỗ lực kiềm chế lạm phát, nhất là giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đôi lúc còn hành chính, giật cục”, ông Dương phân tích.
Tuy nhiên, CIEM cũng đang nhìn thấy nhiều diễn biến bất định trong kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm.
Đó là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường; các tranh chấp địa chính trị vẫn hiện hữu ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở châu Á – Thái Bình Dương; lộ trình tăng lãi suất ở Mỹ có thể bất định hơn; việc hoàn tất các thủ tục cho phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do có thể kéo theo một số tác động tích cực đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Trong chừng mực ấy, diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam phụ thuộc đáng kể vào cách thức thúc đẩy tăng trưởng, điều hành giá cả, cải thiện thực chất môi trường kinh doanh và xử lý các điểm nghẽn của mô hình tăng trưởng (DNNN, đầu tư công, hệ thống các tổ chức tín dụng)”, ông Dương phân tích.
Cách thức điều hành này, theo ông Dương là bình tĩnh hơn ứng xử với các vấn đề của nền kinh tế.
“Nhiều kiến nghị đề nghị phá giá VND, nhưng tôi cho rằng đây là kiến nghị vội vàng, thiếu cơ sở trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại. Chúng ta không nền dùng giải pháp tiền tệ để xử lý các vấn đề về tác động với xuất khẩu cả Việt Nam – đó là nền kinh tế thực, cần giải pháp thực, nhất là phải để tâm đến yếu tố tâm lý của nhà đầu tư”, ông Dương chia sẻ quan điểm.
Hơn thế, trong mô hình hoạt động kinh doanh theo chuỗi hiện tại, việc các nhà xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện hàng đầu là thời gian giao hàng, nên việc điều chỉnh tỷ giá có thể sẽ không thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu mới, trong khi phải chịu các tác động tăng giá trong nước.
Đây là lý do CIEM đề xuất điều hành tỷ giá linh hoạt nhưng đảm bảo ổn định để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có kế hoạch kinh doanh ổn định.
“Chúng tôi cho rằng, Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và định hướng chính sách hỗ trợ ổn định lạm phát, thị trường tài chính, duy trì thanh khoản hợp lý, kiểm soát tín dụng vào bất động sản”, ông Dương nói.
Hơn thế, trong bối cảnh hiện nay, điều hành tỷ giá chỉ là một phần trong kết hợp chính sách tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Ưu tiên điều hành tỷ giá, do đó, cần hướng tới linh hoạt, thay vì một mục tiêu cứng.
Đặc biệt, đề nghị về kiếm soát lạm phát, đảm bảo ổn định lạm phát trong mục tiêu được CIEM nhấn mạnh theo hướng hạn chế lạm phát chi phí đẩy.
Báo cáo của CIEM khuyến nghị nên hạn chế tăng chi phí cho doanh nghiệp, như điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá cần được thực hiện một cách minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng và linh hoạt; tránh tư duy dồn việc điều chỉnh giá vào cuối năm;
Cân nhắc không bổ sung hoặc tăng các loại thuế và phí đối với xăng dầu để tạo thêm lợi ích và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của khu vực tư nhân. Cân nhắc, ra quyết định không tăng lương tối thiểu vùng năm 2019…