Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 12/7.
Theo đánh giá của CIEM, quý II/2019 chứng kiến những đổi thay khá nhanh và khó đoán định của bối cảnh kinh tế quốc tế, đi kèm với những động thái chính sách tích cực trong nước.
Xu hướng thắt chặt tài chính ở không ít nền kinh tế phát triển nhanh chóng bị đảo ngược. Từ chỗ lắng dịu do Mỹ gia hạn thời gian ngừng leo thang thuế quan vào cuối tháng 2, căng thẳng thương mại - công nghệ giữa Mỹ với Trung Quốc bùng phát và phức tạp hơn trong các tháng 5 và tháng 6, trước khi hạ nhiệt vào cuối tháng 6.
Ở trong nước, dù kết quả tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong quý I, Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết liệt chỉ đạo tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh kể từ đầu quý II. Yêu cầu chủ động theo dõi, cập nhật và dự báo những diễn biến từ bên ngoài được thực hiện thường xuyên hơn. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện CPTPP và vận động ký kết EVFTA tiếp tục có những chuyển biến mới.
Trong bối cảnh này, GDP đạt 6,71% trong quý II, tháp hơn với quý I (6,82%). Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,76%, thấp hơn mức tăng của nửa đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017.
Theo nhận định của ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM), kết quả này không cách xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (6,8-7,0%). Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng.
“Tuy nhiên, điểm hết sức lưu tâm là tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm, phản ánh lo ngại về chất lượng tăng trưởng chưa được củng cố-, đặc biệt khi Việt Nam lưu tâm hơn đến ứng phó với tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài”, ông Dương đặc biệt lưu ý.
Toàn cảnh Hội thảo.
Liên quan đến lạm phát, theo đánh giá của CIEM, CPI bình quân tăng 2,65% và 2,64% trong quý II và 6 tháng đầu năm, chủ yếu do tăng chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm; việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước và tác động của điều chỉnh giá biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu; và tác động của tăng giá điện từ cuối tháng 3 được phản ánh vào CPI quý II.
Trong điều kiện này, ông Dương cảnh báo, áp lực lạm phát vẫn tiềm ẩn có thể dẫn tới những rủi ro cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nếu lạm phát cơ bản không được kiểm soát chặt chẽ và có chính sách điều hành linh hoạt.
“Lạm phát cơ bản bình quân trong 3 tháng đầu năm và 6 tháng đầu năm đều cao hơn hẳn so với các năm 2017-2018, dó đó, dù lạm phát nửa đầu năm thấp, song chúng ta vẫn không thể chủ quan, cần theo dõi chặt chẽ để có các chính sách điều hành phù hợp, đặc biệt cần tiếp tục duy trì điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng”, ông Dương khuyến nghị.
Trên cơ sở các phân tích và nhận định đánh giá cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như các nhân tố tác động nội tại trong nước, kết quả dự báo của CIEM đưa ra trong Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2019 (cập nhật) có thể đạt mức 6,82%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,02%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 0,8 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2019 đạt 3,38%.
Theo CIEM, diễn biến kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố.
Thứ nhất, rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới được đề cập nhiều hơn, dù có thể chưa xảy ra ngay trong 6 tháng cuối năm 2019. Xu hướng thắt chặt tài chính ở Mỹ đã bị thay thế bởi việc phòng ngừa suy thoái kinh tế: FED đã nhanh chóng để ngỏ khả năng hạ lãi suất, dù cuối quý I còn nói về khả năng không tăng lãi suất. Xu hướng nới lỏng chính sách có thể kéo theo giảm giá đồng nội tệ ở nhiều nước.
Thứ hai, căng thẳng thương mại ở khu vực chưa hạ nhiệt. Chiến tranh thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc còn diễn biến phức tạp, và không loại trừ sẽ còn một số khúc quanh trong nửa cuối năm. Đối đầu thương mại giữa Nhật và Hàn Quốc thậm chí còn tác động trực tiếp và nhanh hơn đối với Việt Nam.
Thứ ba, dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn EVFTA, Việt Nam cũng cần lưu ý rằng EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại (liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ).
Thứ tư, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ... không chỉ ở thị trường Mỹ.
Thứ năm, sự đối đầu giữa các công nghệ mới và tư duy quản lý truyền thống ngày một phức tạp hơn, ngay cả ở các thị trường phát triển. Vụ việc đồng tiền Libra chính là một ví dụ tiêu biểu gần đây nhất. Điều này có thể khiến Việt Nam thận trọng hơn trong việc tiếp cận các công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Kết quả cập nhật dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2019
Đơn vị: %
Tăng trưởng GDP |
6,82 |
Lạm phát bình quân |
3,38 |
Tăng trưởng xuất khẩu |
8,02 |
Cán cân thương mại (tỷ USD) |
0,8 |
Nguồn: Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh lại thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách và hoàn thiện hệ thống thể chế luật pháp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.
Theo đó, các kiến nghị về cải cách nền tảng kinh tế vi mô, song song với các biện pháp kinh tế vĩ mô tiếp tục cần được chú trọng.
Bên cạnh đó, ông Cũng cũng tái khẳng định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt diễn biến chiến tranh thương mại – công nghệ giữa Mỹ - Trung Quốc.
Đặc biệt, cập nhật diễn tiến các Hiệp định EVFTA và EVIPA đã được ký kết và đang chờ phê chuẩn, ông Cung cho rằng sau những gập ghềnh trong quá trình tiến tới ký kết hai Hiệp định này, Việt Nam có quyền trông đợi vào những cơ hội và tác động tích cực mới đối với nền kinh tế trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, những Hiệp định này đều có yêu cầu cao và đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực thực chất hơn để cải cách thể chế và chuẩn bị các điều kiện thực thi bên cạnh những yêu cầu khác. Việc chậm chuẩn bị một số nội dung cho việc thực hiện CPTPP chính là bài học cần tránh đối với EVFTA và EVIPA. Cộng đồng doanh nghiệp khó có thể bằng lòng nếu những lợi ích từ EVFTA và EVIPA chỉ dừng ở mức tiềm năng, kể cả khi lợi ích tiềm năng ấy được thể hiện ở mức tăng nhiều phần trăm, thậm chí nhiều chục phần trămcủa các chỉ số kinh tế vĩ mô trong Báo cáo đánh giá tác động tiềm năng của các Hiệp định này. Cần lưu ý, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ cần một “nền kinh tế nhiều FTA”, mà cần hơn một nền kinh tế mở, cạnh tranh và ít chi phí”, ông Cung lưu ý.