CIEM: Cần nhiều giải pháp cải thiện chất lượng tăng trưởng

CIEM: Cần nhiều giải pháp cải thiện chất lượng tăng trưởng

(ĐTCK) CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 6,88%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%, thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Thấp hơn so với dự báo đầu năm 2019 là tăng trưởng kinh tế 6,93%, tăng trưởng xuất khẩu 9,4%.

Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá trong quý I với hiệu quả phối hợp của chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác được cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn phải xử lý không ít thách thức để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô, vấn đề tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển.

Đây là những khuyến nghị được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định” do CIEM phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức ngày 19/4.

Theo đánh giá của CIEM, GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, thể hiện xu thế suy giảm của tốc độ tăng trưởng tiềm năng thể hiện ở xu thế tăng trưởng GDP. Đà phục hồi tăng trưởng trong những năm qua có một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.

CPI bình quân tăng ở mức thấp 2,63%, chịu tác động bởi một số yếu tố như giảm chỉ số giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm; cách thức kiềm chế giá cả còn mang nặng tính “hành chính” và điều chỉnh tăng giá điện từ cuối tháng 3/2019 chưa được phản ánh vào CPI tháng 3.

Lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,83% cho thấy điều hành chính sách tiền tệ vẫn ổn định và không gây áp lực lên mặt bằng giá.

Nhìn nhận khá thận trọng về xu hướng lạm phát trong các quý tới, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô của CIEM cho rằng, đang tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng sức ép lạm phát trong các quý tới.

Ẩn số xăng dầu tương đối phức tạp, khả năng tăng giá xăng dầu trong ngắn hạn có thể tác động mạnh tới chỉ số giá tiêu dùng và tác động kéo dài, bên cạnh đó là tác động từ tăng giá điện và điều chỉnh giá mặt hàng do nhà nước quản lý như y tế, giáo dục”.

Theo ông Dương, dù lạm phát chịu nhiều áp lực tăng, song mức độ bình tĩnh của thị trường có vẻ tốt hơn trước đây, nên vẫn có thể kiểm soát được nếu có những giải pháp mạnh, kịp thời.

Chẳng hạn, trong bối cảnh áp lực gia tăng lớn Chính phủ có thể chủ động tạm thời rút áp dụng thuế môi trường đối với xăng để giảm áp lực tăng giá xăng dầu và hạn chế tác động tới sản xuất kinh doanh.

Còn đối với quỹ bình ổn xăng dầu, ông Dương cho hay, CIEM đã đề nghị nhiều năm, song vào thời điểm này khó có quỹ nào xử lý được sự tăng lên của giá xăng dầu.

Một yếu tố khác là vấn đề lãi suất, ông Dương cho biết, mới đây ngân hàng có đưa ra thông điệp cố gắng cắt giảm chi phí để không tăng lãi suất, tuy nhiên theo nhận định của chuyên gia này, ngân hàng khó giữ mức lãi suất như hiện nay. Bên cạnh đó, tín dụng có thể chỉ tăng 14% trong năm nay, nên khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trong năm nay sẽ khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, ông Dương đặc biệt lưu ý cần tập trung xử lý những thách thức về nền tăng kinh tế vi mô. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện khiến hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện.

Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và/hoặc thực hiện đầy đủ.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban môi trường kinh doanh (CIEM), dù nhiều điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng gây khó khăn cho doanh nghiệp do điều kiện kinh doanh bị cắt giảm lại biến tướng thành quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Vấn đề cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia ít có chuyển biến nên vẫn gây cản trở, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều thủ tục kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia chỉ mang tính hình thức hơn là tạo thuận lợi thực chất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng hậu đăng ký doanh nghiệp và tiếp cận thông tin minh bạch.

Theo khuyến nghị của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), dù đã đạt được nhiều bước tiến tốt về cải thiện môi trường kinh doanh và cải thiện thế chế, văn bản pháp luật, song Việt Nam cần chú trọng tăng cường chất lượng và cắt giảm thực chất trong thời gian tới để thực sự đạt được hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

“Khi chỉ số về chất lượng văn bản pháp luật hướng tới sự phát triển của khu vực tư nhân cứ tăng được 1% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cải thiện được 1,3 điểm phần trăm”, đại diện WB ước tính.

TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, chất lượng tăng trưởng còn nhiều vấn đề. Nền kinh tế vẫn rất kém năng động vì thiếu sáng tạo, thiếu dịch vụ mới, công nghệ mới ngành nghề mới, lại không có sự dịch chuyển nguồn lực để phân bố lại nguồn lực.

Ông Cung dẫn chứng, hiện đã có xu hướng địa phương đi đầu đang tụt xuống về chất lượng môi trường kinh doanh và chỉ số cải thiện PCI do cách làm cứng nhắc triệt tiêu sáng tạo khiến DN khó phát triển.

“Chúng tôi đi khảo sát địa phương có tình trạng rất ngại đổi mới, sáng tạo. Yêu cầu cải cách cả Trung ương và địa phương để mở dư địa và không gian cho đổi mới sáng tạo trong giai đoạn hiện tại. Cần biến sáng tạo trở thành nguồn lực lớn nhất cho sản xuất kinh doanh hiện nay, ví dụ như ngành công nghiệp chế tạo lắp ráp vốn là xương sống mũi nhọn của Việt Nam nếu không có sáng tạo các ngành sẽ sớm đi xuống”, ông Cung nhấn mạnh. 

Theo dự báo của CIEM tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%.

Mức dự báo này thấp hơn so với mức dự báo mà CIEM đưa ra đầu năm 2019. Lúc đó, CIEM dự báo năm 2019, tăng trưởng kinh tế 6,93%, tăng trưởng xuất khẩu 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD. 

Để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng, CIEM đề xuất tái khẳng định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực (đặc biệt diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc).

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

Về chính sách tiền tệ, sớm ban hành Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tài chính, giảm tệ nạn tín dụng đen.Nghiên cứu khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho các lĩnh vực ưu tiên, cân nhắc lùi lộ trình cắt giảm tín dụng ngoại tệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tập trung điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và định hướng chính sách hỗ trợ ổn định lạm phát, thị trường tài chính, duy trì thanh khoản hợp lý, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán, v.v.). Nghiên cứu, sớm ban hành các quy định về quản lý ngoại hối thông thoáng hơn đối với các quỹ, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo.

Đối với vấn đề tín dụng đen đang nổi lên, Ciem kiến nghị cần xác định rõ ràng hơn phạm vi của “tín dụng đen” để có biện pháp xử lý, tránh đánh đồng “tín dụng đen” và “tín dụng phi chính thức”, qua đó hạn chế sự sáng tạo trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và đáp ứng nguồn vốn phi ngân hàng cần thiết cho nhu cầu của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan