Chuyện về tiền cọc mua cổ phần IPO

(ĐTCK-online)Sở GDCK TP. HCM (HoSE) thay đổi ngân hàng mở tài khoản đấu giá cổ phần trở thành chuyện thời sự trong những ngày đầu tuần này. Tiền mà các đại lý tham gia đấu giá cổ phần (các CTCK) nhận từ nhà đầu tư từ trước đến nay được "mặc định" gửi về tài khoản của HoSE mở tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - vốn là ngân hàng chỉ định thanh toán duy nhất cho TTCK niêm yết, nhưng kể từ 1/8/2007 sẽ được chuyển cả về Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Đối với giới đầu tư, câu chuyện này có lẽ không đáng quan tâm bởi nó không tác động trực tiếp tới họ, vì có thay đổi tài khoản đi đâu chăng nữa thì họ vẫn nộp tiền đặt cọc và đóng tiền mua cổ phần như những gì đã từng làm với những đợt IPO trước đây. Về mặt quy trình, nhà đầu tư từ trước tới nay nộp tiền cọc cũng như tiền mua cổ phần tại các đại lý, còn sau đó tiền được chuyển động thế nào thì họ cũng không biết và đúng hơn là không quan tâm.

Câu chuyện này có lẽ cũng là bình thường nếu đứng ở quan điểm một tổ chức, một doanh nghiệp có quyền lựa chọn ngân hàng phục vụ mình. HoSE đã thực hiện theo quan điểm này và cũng có những căn cứ pháp luật để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, câu chuyện tưởng như bình thường đã trở thành "bất thường" khi BIDV phản ứng rất dữ dội. Trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, BIDV không những chỉ trích HoSE "thiếu tính hợp tác, không minh bạch, mang tính chủ quan áp đặt có dụng ý không tốt" mà còn khẳng định việc thay đổi của HoSE sẽ có ảnh hưởng tới thị trường và nhà đầu tư, chứ không phải là một chuyện bình thường.

 

To chuyện

Phản ứng lớn nhất của BIDV là về việc HoSE thay đổi tài khoản đấu giá cổ phần mà không hề có sự thông báo cũng như bàn bạc trước. Kể từ phiên đấu giá chính thức đầu tiên của Vinamilk đến nay, BIDV đã là ngân hàng được chỉ định nhận tiền đặt cọc và tiền mua cổ phần đấu giá. Điều này được quy định trong Quy trình bán đấu giá cổ phần tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán theo Quyết định 01/QĐ-UBCK ngày 4/1/2005, sau đó được cụ thể hóa bằng Hướng dẫn thanh toán tiền bán đấu giá cổ phần tại TTGDCK TP. HCM.

Vấn đề là trong suốt hơn hai năm thực hiện công việc này, mọi việc đều rất trôi chảy, và giống như một nhà cung cấp hàng hóa tự nhiên bị khách hàng cắt hợp đồng mà không rõ điều gì xảy ra để chuyển sang một nhà cung cấp khác chưa từng có kinh nghiệm tương tự, tất nhiên ở vị trí đó BIDV phải phản ứng. Cái nhìn của BIDV đối với cách hành xử này là "không đẹp", trong văn bản chính thức của BIDV gửi đi đó là "đột ngột và áp đặt".

Ngoài lý do trên, BIDV cũng cho rằng, việc lựa chọn một ngân hàng có mức vốn nhỏ bé, tổng tích sản nhỏ hơn nhiều so với tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư, đặc biệt là thấp hơn nhiều lần giá trị của các doanh nghiệp nhà nước có quy mô vốn lớn được đấu giá lần đầu và niêm yết trong thời gian tới (chẳng hạn Vietcombank hay như chính BIDV) sẽ gây ra rủi ro tiềm ẩn lớn trong trường hợp có biến cố, khi đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, sự an toàn của nhà đầu tư; tác động đến sự ổn định của thị trường.

 

Lợi ích

Giữ "hầu bao" cho TTCK là một đặc quyền mà BIDV được hưởng kể từ khi TTCK Việt Nam hoạt động đến nay. Khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư trên thị trường niêm yết là một con số rất lớn (hồi đầu năm 2007, tính riêng số tiền dư trung bình hàng ngày tại CTCK Sài Gòn cũng khoảng 1.500 tỷ đồng) và khoản tiền này đã từng được nhiều ngân hàng khác lên tiếng phải chia sẻ quyền nắm giữ, nhưng cho đến nay, BIDV vẫn là ngân hàng duy nhất hưởng mối lợi này. Nay, đến khoản tiền đặt cọc của nhà đầu tư tại các cuộc đấu giá (thông thường nằm tại ngân hàng khoảng 15 ngày), HoSE đã thực hiện một biện pháp mạnh là mở thêm quyền được nhận cho Sacombank - một biện pháp như muốn khẳng định quyền phân phối là của mình, nhưng cách làm thì có lẽ chưa thật kín kẽ. Trong 3 chủ thể có liên quan, Sacombank có vẻ đứng ngoài cuộc khi lãnh đạo ngân hàng này từ chối bình luận, "quả bóng" được đẩy về phía HoSE, câu chuyện "tay ba" đã trở thành "tay đôi" giữa HoSE và BIDV. Những diễn biến vừa qua cho thấy, không bên nào chịu nhường bên nào và câu chuyện này có thể sẽ còn đi xa hơn.