“Ngồi im” gọi vốn
Vòng gọi vốn này do Goodwater, quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt. Trong số các nhà đầu tư tham gia có cả những tên tuổi mới là Goodwater Capital, Kora Management, Macquarie Capital và các cổ đông hiện hữu như Warburg Pincus, Affirma Capital hay Tybourne Capital Management.
Để tổ chức buổi công bố ngắn gọn trong 2 tiếng đồng hồ tại Khách sạn Melia Hà Nội hồi tháng 1 vừa qua là 12 tháng “ngồi im” gọi vốn. Nghĩa là, không như những lần gọi vốn trước đó khi Ban lãnh đạo MoMo phải “chạy đôn, chạy đáo” sang Singapore, rồi đến Mỹ… để tìm kiếm nhà đầu tư. Đại dịch Covid-19 xảy đến dẫn tới việc hạn chế đi lại, đẩy MoMo vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan” khi chưa biết chắc có gọi được vốn ở mức độ tối ưu hay không, thậm chí có thể không gọi được vốn.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Bá Diệp (Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo) nói: “MoMo đã có nhiều giai đoạn phải cân não trong 10 năm qua. Nhiều lúc rất khó và tắc nhưng buộc phải nỗ lực vượt qua để tồn tại”.
Như lãnh đạo của MoMo nhìn nhận, không phải dễ dàng để đạt được kết quả như ngày hôm nay, bởi quá trình gọi vốn không đơn giản khi dịch Covid ập đến khiến các nhà đầu tư cũng rất loay hoay khi không biết dự đoán sự phát triển của thị trường như thế nào. Tuy nhiên, mọi sự cố gắng đã mang lại những giá trị đong, đo, đếm được.
Theo đó, lần gọi vốn thứ 4 này là lần đầu tiên MoMo không đi đâu, cũng không phải tiếp đón ai, mọi người ở đâu thì vẫn cứ ở nguyên đấy, chỉ có thông tin, dữ liệu và niềm tin “chạy” và các nhà đầu tư đã ra quyết định thông minh và dũng cảm khi chọn chung đường với Công ty có 120.000 điểm chấp nhận thanh toán, 30.000 đối tác kinh doanh. MoMo đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho hơn 90% người dân có tài khoản ngân hàng trên cả nước.
Thị trường đã có những thay đổi đầy thách thức trong năm 2020, nhưng MoMo đã đạt được những kết quả ngoạn mục với lượng khách hàng tăng hơn tốc độ phát triển bình quân gấp 10 lần, đạt 23 triệu khách hàng và tổng sản lượng giao dịch tăng 3,5 lần, đạt 14 tỷ USD. Đặc biệt, cả đội ngũ điều hành là nhân tài ở khắp mọi nơi trên thế giới, có đam mê, nhiệt huyết và một sản phẩm đủ tốt để đi lâu dài trên thị trường.
Các nhà đầu tư chia sẻ rằng, MoMo đang là một trong những ví điện tử có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới năm 2020, hãy cho họ cơ hội để cùng đi với MoMo, để mang sản phẩm trí tuệ Việt Nam ra quốc tế với sự phát triển bền vững. Điều này cho thấy, MoMo trong mười mấy năm qua nỗ lực phát triển sản phẩm, mạng lưới, đối tác, khách hàng… thực sự có ý nghĩa.
Quan trọng hơn, những nhà đầu tư khi đến với MoMo đã cho thấy rằng, khi mà niềm tin đủ lớn, sự quan tâm đủ nhiều đến thị trường Việt Nam và mong muốn phát triển ở Việt Nam cùng với đội ngũ điều hành của MoMo, mọi việc trở nên đơn giản rất nhiều.
Thực tế, các start-up thanh toán điện tử luôn cần nguồn đầu tư tài chính lớn và dài hạn, trong khi đây lại là hạn chế của nhà đầu tư trong nước. Bởi vậy, thành công trong vòng gọi vốn thứ 4 với bối cảnh đặc biệt này là thông điệp gửi tới các start-up rằng, nếu đang gặp khó khăn về tài chính thì hãy nhìn tấm gương của MoMo để cố gắng, nỗ lực, để làm sao có được sản phẩm đủ tốt thì việc gọi vốn sẽ thành công.
Chỉ muốn làm "đại bàng Việt" là niềm kiêu hãnh Fintech Việt
Trước câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về việc “Có vẻ như ở ‘ngôi vương’ MoMo không có đối thủ trên thị trường?”, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết: “Đơn giản, số một nghĩa là mình đứng trên người thứ hai, thứ ba. Trước mắt, MoMo là số một và phải nỗ lực để tiếp tục giữ vững vị trí này, bởi những đối thủ phía sau cũng đang ngày đêm cố gắng trở thành số một. Cuộc chơi này nếu ‘sểnh ra’ là sẽ thành người số hai, số ba ngay lập tức”.
Tất cả những nhân sự người Việt Nam từ nước ngoài về làm tại MoMo đều muốn xây dựng một sản phẩm dành cho người Việt và chứng minh cho thế giới thấy rằng, người Việt có thể làm ra được sản phẩm thay đổi cuộc sống của người Việt. Đây cũng là ước mơ của tôi. Tôi làm tại MoMo, tôi thấy tự hào, mọi người thấy tự hào… Đó là điều quan trọng.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập - Phó chủ tịch MoMo
Cũng theo ông Diệp, đây là cuộc đua không có điểm dừng, bởi đó là sự tồn vong của Công ty trước khát vọng làm người dẫn đầu. “Nếu mình không dẫn đầu thị trường, không bao phủ dịch vụ, thì làm sao cung cấp dịch vụ tài chính cho mọi người dân Việt Nam được”, ông Diệp nói.
“Trong lĩnh vực của chúng tôi, đưa ra dự tính trước nhiều năm là không thể vì công nghệ đang thay đổi từng ngày… Với MoMo, 2-3 năm tới chúng tôi vẫn sẽ là Siêu ứng dụng số 1 tại Việt Nam”, ông Diệp nhấn mạnh.
Thực tế đã cho thấy, hài lòng rồi “nằm im” có nghĩa là đã chết nên phải luôn luôn cố gắng “bay” tiếp, thậm chí phải “bay” cao và “bay” xa hơn nữa. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Diệp cho biết, MoMo chưa bao giờ quan tâm đến unicorn hay kỳ lân vì “điều quan tâm nhất là Công ty có đạt được mục đích, ước vọng của những nhà sáng lập là mang dịch vụ tài chính đến người dân Việt Nam một cách dễ dàng với chi phí thấp hay không?”.
“Chúng tôi muốn MoMo là một con đại bàng - ai cũng đều có thể nhìn thấy được, sờ được. Một con đại bàng kiêu hãnh, mạnh mẽ, có sức sống, sức sáng tạo và đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam, đại diện cho sự quật cường, phát triển của đất nước Việt Nam”, ông Diệp nói.
Chia sẻ lý do chọn đại bàng mà không phải là một loài khác, ông Diệp cho biết, đại bàng là biểu tượng của sự thông tuệ, kiên cường, có sức sống mãnh liệt khi có thể tự vặt đi những chiếc móng yếu mỏng để có được bộ móng khỏe hơn, sắc nhọn hơn.
Trước bối cảnh cạnh tranh ngày một khốc liệt trong lĩnh vực thanh toán nói riêng, tài chính - ngân hàng nói chung, ông Diệp tự tin rằng, MoMo đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, từ khi còn là con số 0 đến nay đã trở thành một con đại bàng thì không có lý do gì mà lại phải e ngại các đối thủ.
“Để đại bàng MoMo sải cánh được đến ngày hôm nay, đó là niềm kiêu hãnh của người Việt và tôi tin rằng, chú đại bàng MoMo sẽ bay cao, bay xa hơn…”, ông Diệp nói.