Gần 15 năm trôi qua, tuy TTCK trải qua không ít thăng trầm, nhưng  vóc dáng của một thị trường hiện đại, chuyên nghiệp đã định hình, mở ra tương lai phát triển rộng mở cho TTCK Việt Nam
Ảnh: Lê Toàn

Gần 15 năm trôi qua, tuy TTCK trải qua không ít thăng trầm, nhưng vóc dáng của một thị trường hiện đại, chuyên nghiệp đã định hình, mở ra tương lai phát triển rộng mở cho TTCK Việt Nam Ảnh: Lê Toàn

Chuyện tìm đất, dựng nhà cho TTCK - Kỳ II: Sau dựng nhà là mối lo… “nội thất”

(ĐTCK) Một câu chuyện còn in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chánh văn phòng đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), người trực tiếp tham gia quá trình chuẩn bị ngay từ đầu cho sự ra đời của TTCK Việt Nam, là sau khi mối lo về tìm đất, xây dựng trụ sở cho UBCK và Sở GDCK tạm qua đi, một mối lo mới xuất hiện là lo chuẩn bị “nội thất” cho ngôi nhà TTCK vận hành: từ chuyện đi xin hỗ trợ máy điều hòa, bảng điện…, đến ngày đêm dựng hệ thống hạ tầng công nghệ cho thị trường “chạy” được.

“Mới và khó quá…”. Đó là tâm trạng của ông Kỳ, cũng như những người được giao lo liệu xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ cho các Trung tâm GDCK (tiền thân của HOSE), nhằm đảm bảo cho thị trường chính thức “chạy” vào ngày 28/7/2000 - phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE, với 2 mã cổ phiếu niêm yết, đánh dấu TTCK Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.

Ông Kỳ kể, để chuẩn bị cho phiên giao dịch đầu tiên trên HOSE, khối lượng công việc hậu cần rất lớn, trong khi kinh phí lại eo hẹp, nên làm cách nào để tổ chức khai trương TTCK trang trọng và ấn tượng, qua đó thu hút sự quan tâm rộng rãi của các doanh nghiệp, giới đầu tư là bài toán khó với ban tổ chức. Tuy nhiên, với quyết tâm mở cửa thị trường đúng như lịch trình đã định, nên cả nhà quản lý, cũng như các thành viên ban đầu tham gia thị trường đều hợp sức góp công, góp của, lo cho ngày ra mắt thị trường. Vấn đề hóc búa nhất khi đó chính là chuẩn bị hệ thống công nghệ phục vụ cho hoạt động giao dịch của thị trường.

“Việc chuẩn bị hệ thống giao dịch mất rất nhiều thời gian và công sức. Có những thời điểm anh em làm ngày làm đêm, rất vất vả, nhưng khối lượng công việc vẫn còn rất lớn. Cứ mỗi lần hoàn tất một hạng mục nào đó, là ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm…”, ông Kỳ kể và nói thêm: ngoài những thiết bị phải bỏ ngân sách ra mua sắm, có những thiết bị Việt Nam được các đối tác nước ngoài hỗ trợ. Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan là các đối tác hỗ trợ nhiều về kỹ thuật cho sự ra đời của TTCK Việt Nam. Cuối cùng, những khó khăn về thiết lập hệ thống hạ tầng giao dịch cho thị trường cũng qua đi, khi ngày mở cửa thị trường cận kề. Hôm trước ngày tổ chức phiên giao dịch đầu tiên của TTCK Việt Nam (28/7/2000), cả Chủ tịch UBCK và toàn bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Trung tâm GDCK đã gần như túc trực 24/24 giờ để đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt.

Là người được phân công dẫn chương trình tại buổi lễ khai trương hoạt động của HOSE - thời khắc đánh dấu sự xuất hiện của TTCK Việt Nam trên bản đồ TTCK khu vực và toàn cầu, ông Kỳ nhớ lại: đây là thời khắc được cả cơ quan quản lý lẫn các thành viên thị trường chờ đợi. Tại buổi lễ quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng mang tính gợi mở, định hướng cho sự phát triển của TTCK sau này. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi đó đã nghỉ hưu), là người dành sự quan tâm đặc biệt và có những chỉ đạo mang tính nền tảng quan trọng ngay từ những ngày đầu manh nha chuẩn bị cho sự ra đời của TTCK Việt Nam, cũng tham dự buổi lễ quan trọng này.

Kết thúc phần nghi lễ khai trương TTCK Việt Nam, là bước sang phần hồi hộp nhất. Đó là lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, địa phương… bấm nút chính thức vận hành thị trường. “Khi đó, gần như trong trạng thái… nín thở, tôi cũng như nhiều người khác đều chăm chú nhìn lên bảng điện và thầm mong sao cho hệ thống vận hành suôn sẻ. May thay điều đó đã diễn ra trước sự vui mừng khôn xiết của tất cả những người có mặt, nhất là những người được giao nhiệm vụ chuẩn bị hậu cần cho buổi lễ như chúng tôi…”, ông Kỳ nhớ lại và chia sẻ thêm, từ thời khắc lịch sử ấy, đến nay, gần 15 năm trôi qua, tuy TTCK trải qua không ít thăng trầm, nhưng vóc dáng của một thị trường hiện đại, chuyên nghiệp đã định hình, mở ra tương lai phát triển rộng mở cho TTCK Việt Nam.           

Tin bài liên quan