Hoạt động cầm chừng
Nếu như 2 năm về trước, giai đoạn cận Tết là thời điểm mà các sàn giao dịch, môi giới bất động sản hoạt động hết công suất, thì năm nay không khí trái ngược hoàn toàn. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí không ít doanh nghiệp môi giới phải giải thể.
Theo thống kê của Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng đầu năm 2019 là 14.973 doanh nghiệp. Trong đó, bất động sản là ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhanh nhất với 603 doanh nghiệp, tăng 38%.
Còn theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, tổng diện tích sàn xây dựng của các dự án đủ điều kiện mở bán tại Hà Nội và TP.HCM năm 2019 sụt giảm 52% so với 2018. Bên cạnh đó, tổng số lượng căn hộ đủ điều kiện mở bán cũng giảm 25%, ước tính chỉ đạt khoảng 43.000 căn hộ trong năm 2019. Số lượng căn hộ đủ điều kiện mở bán trong giai đoạn từ 2020 - 2022 được Batdongsan.com.vn dự báo khó đạt được mức đỉnh như giai đoạn 2017 - 2018.
Báo cáo tổng kết năm 2019 của Bộ Xây dựng cho biết, tổng số giao dịch bất động sản thành công trên cả nước năm qua đạt khoảng 83.136 giao dịch, giảm 21,6% so với năm 2018.
Số lượng tin đăng trên Batdongsan.com.vn cũng phản ánh phần nào nguồn cung sơ cấp, thứ cấp của thị trường và mức độ quan tâm kém đi của khách hàng. Cụ thể, tin đăng của năm 2019 tăng 42% so với năm 2018 nhưng mức độ quan tâm của khách chỉ tăng 2,8%.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngoài một số doanh nghiệp bất động sản lớn vẫn có lượng giao dịch tương đối thì các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập hoặc các sàn giao dịch đều rơi vào thế ảm đạm khi lượng giao dịch bị giảm xuống rất mạnh so với các năm trước.
Lãnh đạo một công ty chuyên phân phối bất động sản có trụ sở tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) tiết lộ, trong năm 2019, doanh nghiệp này có doanh số bán hàng giảm gần 70% so với giai đoạn 2017 - 2018 và chỉ bằng 30 - 40% của năm 2016. Thị trường khan hiếm nguồn cung do chậm trễ pháp lý đã khiến rổ hàng mới trở nên ít ỏi, hạn chế, không còn dồi dào như trước.
Đơn vị này chỉ bán được chưa đầy 500 sản phẩm trong 12 tháng qua, cũng là kết quả bán hàng thấp nhất kể từ thời điểm thị trường bất động sản hồi phục sau cuộc khủng hoảng vào năm 2010 - 2013.
Khảo sát qua một số sàn giao dịch trên địa bàn TP.HCM, trái ngược với cảnh những năm trước đều tổ chức các chương trình tri ân khách hàng rầm rộ thì năm nay hầu hết các sàn khá im ắng. Số khách đến hạn chế, nhân viên “ngồi chơi xơi nước” vì không có hàng để bán.
Đại diện các sàn này cho biết, lượng hàng bán ra trong năm chủ yếu là các dự án cũ, hoặc chuyển sang môi giới cho thuê căn hộ, shophouse. Do đó, các sàn chỉ hoạt động cầm chừng, hoặc dồn quân về một số thị trường được đánh giá có tiềm năng như Nhơn Trạch, Long Thành để “săn” khách.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau suốt thời gian dài thị trường bất động sản TP.HCM khó khăn, nhiều môi giới đã nhanh chân tìm đường ở nơi khác. Họ chuyển về thị trường Nhơn Trạch khoảng nửa năm nay. Chưa kể, 2 dự án lớn là cầu Cát Lái và sân bay Long Thành rục rịch nên được nhiều nhà đầu tư nhắm tới. Đó cũng là lý do khiến khá nhiều môi giới đổ về đây để tìm kiếm cơ hội bán hàng.
Chuyện buồn thưởng Tết
Mỗi dịp cuối năm cận kề, chủ đề được người lao động bàn tán sôi nổi nhất có lẽ vẫn là chuyện “thưởng Tết”. Trong đó, bất động sản là một trong những ngành được xếp vào hàng có mức thưởng Tết cao nhất nhiều năm qua.
Giai đoạn những năm 2015 - 2017, nhiều môi giới bất động sản giàu lên nhờ mức thưởng Tết cao ngất ngưởng. Mức thưởng trung bình của các nhân viên kinh doanh ở các công ty bất động sản thường rơi vào khoảng 20 - 50 triệu đồng. Đối với những nhân viên xuất sắc, vượt chỉ tiêu đề ra trong năm, mức thưởng lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhiều người làm việc trong các tập đoàn bất động sản lớn còn được thưởng xe máy, ô tô, nhà và những chuyến du lịch nước ngoài xa hoa cả tuần lễ.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm về trước. Mùa Tết Canh Tý sắp đến gần nhưng nhiều nhân viên môi giới tại TP.HCM đều than ngắn, thở dài về chuyện lương, thưởng.
Chị Nguyễn Thùy Linh, giám đốc một sàn môi giới tại quận 4 cho biết, đầu năm 2019, sàn này đã mất nhiều thời gian tìm hiểu dự án và phân loại sản phẩm, lập chiến lược bán hàng, tiếp cận, tư vấn khách hàng cũng như chuẩn bị chi phí chạy quảng cáo cho một dự án hơn 1.000 căn hộ tại phía Tây.
Tuy nhiên, sàn môi giới này phải nếm trái đắng khi chuẩn bị xong xuôi mọi kế hoạch bán hàng thì dự án bị lùi ngày mở bán. Chủ đầu tư thậm chí còn chưa xác định khi nào mới tung hàng.
“Do thận trọng chờ hoàn thiện pháp lý, chủ đầu tư hoàn lại tiền giữ chỗ cho hàng nghìn khách hàng. Lực lượng môi giới vì vậy cũng không được trả hoa hồng bán hàng. Doanh số mang về thấp nên mức thưởng Tết cho các sale cũng chưa được xác định”, chị Linh nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Minh Ánh, nhân viên môi giới cho một sàn giao dịch khá lớn tại TP.HCM cho biết, nếu như mọi năm đây là thời điểm team công đoàn và cả công ty nhộn nhịp vì lên kế hoạch thưởng tết, quà tết cho nhân viên và gia đình thì năm nay mọi thứ chùng xuống. Không khí công ty ảm đạm vì cả năm thất thu.
Đến tháng 12, tất cả mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường như những tháng khác, không ai bàn bạc gì đến chuyện thưởng tết. Các nhân viên bảo nhau cố gắng làm việc để có đủ tiền mua vé xe về quê chứ không mong gì đến tiền thưởng.
Còn chị Phạm Minh Tâm, nhân viên của một sàn giao dịch khác cũng rầu rĩ vì công ty đang lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu vào dịp Tết. Chị Tâm cho biết, năm 2018, hơn 500 nhân viên của công ty được ăn một cái Tết ấm no với đầy đủ quà cáp, thưởng tết lên đến 4 tháng lương cơ bản, cộng với thưởng nhân viên xuất sắc. Song năm nay mọi thứ ngược lại hoàn toàn ngược lại.
“Bạn mình có hơn chục người chuyển nghề cả rồi. Hàng không có, nhà đầu tư thì khắt khe hơn. Môi giới tụi mình phải đi xa hơn để tìm hàng bán nhưng cũng trầy trật vì họ lo sợ pháp lý bất ổn và khó ra hàng. Năm nay đúng là một năm kinh tế buồn”, chị Tâm thở dài.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam nhận định, năm nay, doanh nghiệp bất động sản hoạt động kém hơn các năm, nguồn hàng ít. Việc thưởng Tết dựa trên cơ sở hiệu quả kinh doanh, khi kinh doanh không thuận lợi thì việc thưởng Tết sẽ giảm hơn so với các năm trước.
“Động viên để anh em tích cực làm việc là nên làm, nhưng thưởng trên cơ cơ sở hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt thì mới có nguồn thưởng, còn hiệu quả kinh doanh không tốt thì khó có nguồn để thưởng. Nhưng để giữ được người lao động, nguồn lực nhân sự thì vẫn cần có thưởng Tết”, ông Đính nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com