Cổ phiếu VIB đã tăng hơn 90% từ đầu năm tới trước khi chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang HOSE vào đầu tháng 11/2020

Cổ phiếu VIB đã tăng hơn 90% từ đầu năm tới trước khi chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang HOSE vào đầu tháng 11/2020

Chuyến tàu cuối cho các nhà băng lên sàn chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Theo quy định, chỉ còn chưa đầy 1 tháng là đến hạn ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán. Vì thế, nhiều nhà băng đang phải chạy đua với thời gian cho kế hoạch lên sàn.

PGBank chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị cho việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM, cho dù đang trong giai đoạn chờ sáp nhập vào HDBank.

Mới đây, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) thông báo đã chấp thuận hồ sơ niêm yết của SeABank, MSB và OCB, thời gian niêm yết dự kiến trong tháng 12 này.

Cụ thể, HOSE đã nhận hồ sơ niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu của SeABank vào ngày 24/11. Trước đó, cổ phiếu SeABank đã được lưu lý tập trung và ngừng chuyển nhượng từ ngày 9/11 để thực hiện các thủ tục liên quan tới việc niêm yết.

Với MSB, ngân hàng này từng nộp hồ sơ niêm yết gần 1,18 tỷ cổ phiếu trên HOSE vào cuối năm 2019, trước khi rút lại sau đó. Nhưng nay để đáp ứng quy định, MSB đã tái khởi động kế hoạch niêm yết.

Còn với OCB, sau nhiều năm trì hoãn việc niêm yết do điều kiện thị trường chưa thuận lợi và chờ chốt xong room ngoại, tăng vốn lên 11.000 tỷ đồng. Đến nay, khi khâu “chuẩn bị” đã dần hoàn tất, Ngân hàng quyết định niêm yết cổ phiếu trên HOSE và đã được Sở chấp thuận. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, Ngân hàng sẽ lên sàn trong tháng 12 này, ngay sau khi nhận quyết định niêm yết từ HOSE.

Trước đó không lâu, Saigonbank, Nam A Bank đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCom, còn VIB, LienvietpostBank đã chuyển giao dịch cổ phiếu từ HNX sang HOSE vào đầu tháng 11/2020.

Ngoài ra, ACB và SHB cũng đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục để chuyển giao dịch sang HOSE từ HNX. Theo dự kiến, cổ phiếu ACB sẽ giao dịch trên HOSE từ ngày 9/12 tới.

Tính đến hiện tại, ngoại trừ 3 ngân hàng “0 đồng” (gồm OceanBank,GPBank và CBBank), chỉ còn VietABank và BAOVIET Bank là chưa có thông tin về việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. VietABank từng cho biết sẽ sớm đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, song đến nay vẫn chưa có thông tin mới.

Việc yêu cầu các ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán là nhằm thực hiện Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, đến hết năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/2/2019. Nếu không thực hiện trong năm nay, việc đăng ký niêm yết trên 2 Sở GDCK sẽ phải chờ, bởi kể từ ngày 1/1/2021, khi Luật Chứng khoán chính thức có hiệu lực, phải sau 2 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên UPCoM thì công ty đại chúng mới được nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên thị trường chính thức.

Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), việc lên sàn chứng khoán giúp các cổ phiếu ngân hàng có mức định giá cao hơn khi được minh bạch hơn về thông tin, đồng thời cải thiện được tính thanh khoản. BSC cho rằng, định giá cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam hiện đang được định giá thấp hơn so với khu vực, cho nên còn nhiều triển vọng bứt phá.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn cũng đưa ra nhận định, cùng với hiệu ứng “lên sàn”, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng năm nay được dự báo khả quan cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu, cho dù có sự phân hóa giữa các nhà băng.

Thực tế, hiệu ứng niêm yết, chuyển sàn đã tác động tích cực lên giá cổ phiếu “vua” thời gian qua. Nhiều cổ phiếu ghi nhận đà tăng tích cực từ đầu năm đến nay, chẳng hạn các mã ACB, VCB, TCB… đều đã tăng không dưới 30-40%, thậm chí cổ phiếu VIB còn tăng tới hơn 90%.

Tin bài liên quan