Tháng Ngâu, cổ phiếu đầu cơ nổi sóng
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhà đầu tư tại sàn chứng khoán KIS chia sẻ, bám theo những “mã nóng”, cảm xúc đầu tư cứ lúc lên, lúc xuống quá mạnh. Mấy bạn ông lỡ mua ở vùng giá đỉnh, hàng chưa kịp về đã gặp ngay cảnh hàng xả ồ ạt, lệnh chất dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị, nên ủ ê như kẻ mất hồn.
Tuy vậy, chỉ cần tín hiệu giá xanh bật lên, không gian đầu tư trở nên khác hẳn. Lệnh ra, lệnh vào rôm rả, thúc đẩy thanh khoản và làm mới cảm giác “muốn dừng chơi” của tháng Ngâu này.
“Nằm vùng” ở khoảng giá 7.000 đồng/CP và đã quá lâu chưa vượt trên mệnh giá, “hàng nóng” FLC bắt đầu nhích giá xanh từ phiên 18/8, lên 7.100 đồng/CP, đến phiên 23/8 tiến lên 7.300 đồng/CP, với khối lượng tăng đột biến.
Hàng chục triệu cổ phiếu chất vào bên mua - một diễn biến tạo sự thu hút của mọi nhà đầu tư cũng đồng thời khiến FLC tăng trần 3 phiên sau đó, phiên nào cũng dư mua từ 47 - 49 triệu đơn vị/phiên.
Nhìn mấy phiên thanh khoản khủng, có lúc FLC dư sàn hơn 4 triệu cổ phiếu, nhưng nhanh chóng có lệnh đối ứng khớp hết và cuối phiên lại dư bán sàn. Đóng cửa phiên 30/8, FLC đang ở giá 7.930 đồng/CP. Nhà đầu tư “vào sớm” mã này, nếu chốt kịp, sẽ có lãi sơ sơ khoảng 15%. Tuy nhiên, nắm giữ tiếp sẽ lãi lỗ ra sao, khó ai dám chắc được.
Bám theo những “mã nóng”, cảm xúc đầu tư cứ lúc lên, lúc xuống quá mạnh
Mã nóng khác là HAR, cũng đang khiến nhiều người đứng ngồi không yên khi tăng mạnh mẽ từ mức giá “trà đá” 4.000 đồng/CP, trần 15 phiên để leo lên 10.450 đồng/CP. Trong quá trình tăng giá đó, có lúc HAR đạt giá 16.400 đồng/CP, tăng hơn 300% so với mức khởi điểm đà tăng.
Đem những chuyển động mạnh mẽ này hỏi nhiều nhà môi giới kỳ cựu của các công ty chứng khoán lớn, thay câu trả lời cho đủ lý lẽ, là… nụ cười nửa miệng với chia sẻ, những cổ phiếu thị trường này giúp “một số người ăn được, còn đa phần lại ôm hận”.
Cho dù còn các phiên tăng, nhưng chung cuộc, như tổng kết của một nhà môi giới thì hầu hết các nhà đầu cơ đều… không thắng. Lòng tham sẽ dẫn dắt từ thắng tạm thời đến hòa và đến mất, bởi bản chất cuộc chơi chứng khoán chỉ là chuyển tiền từ túi người này sang túi người khác và ai cũng nghĩ mình sẽ chạy nhanh để không phải là người ở lại sau cùng.
Bẫy ở đỉnh thanh khoản
Lòng tham khiến nhà đầu tư khó giữ các nguyên tắc đầu tư của chính mình. Thông thường, nhà đầu tư dễ “chết” ở đỉnh, vì thường vùng này có thanh khoản rất cao (thanh khoản thực hay ảo thì cần thêm thông tin để đánh giá).
Cùng với đó, các chủ thể “đạo diễn” đà tăng thường chủ động chiến lược, chiến thuật bằng cách thông tin tốt, trực tiếp hoặc tin đồn để chạm đến lòng tin vào đà tăng cổ phiếu là có cơ sở.
Các thông tin này thường bắt đầu bằng việc doanh nghiệp (DN) ghi nhận lợi nhuận lớn từ bán tài sản, lãnh đạo đăng ký mua cổ phiếu, DN hợp tác chiến lược để thực hiện dự án lớn… để tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Nhóm môi giới kỳ cựu cho biết, thị trường đã mang đến rất nhiều bài học khi bám đu theo sóng cổ phiếu nóng. Có hàng nghìn, thậm chí chục nghìn nhà đầu tư, đã phải trả giá bằng tài sản, mất nhà, mất ô tô khi đu theo các cổ phiếu nóng kể từ năm 2010 đến nay, với khởi đầu là các mã như PVA, PVX, KSH …, rồi HAR, HAI, TSC... Sự khốc liệt đã khiến hàng trăm nghìn tài khoản còn tên, nhưng đóng băng từ thuở nào.
Trước câu hỏi có nên “chơi” cổ phiếu đầu cơ hay không? Nếu có, đó là cuộc chơi của các nhà đầu tư lão luyện. Họ hiểu DN, hiểu lãnh đạo, có tầm nhìn và đặc biệt đủ nhạy cảm để nhảy sóng thoát hàng trước hàng ngàn nhà đầu tư khác.
Trên lý thuyết, khi cổ phiếu đầu tư mà tăng giá quá cao, định giá vượt giá trị thật thì vô hình trung sẽ trở thành cổ phiếu đầu cơ. Ngược lại, cổ phiếu đầu cơ khi giảm sâu lại trở nên có thể đầu tư được.
Chẳng hạn, mã HQC khi về vùng giá 2.000 đồng/CP với tài sản thực và các dự án bất động sản thì đầu cơ chuyển thành đáng đầu tư. Mã FIT có thời điểm quanh 4.000 đồng/CP nhưng FIT có tài sản và sở hữu Dược Cửu Long - công ty dược có hoạt động kinh doanh tốt… Ranh giới giữa đầu tư và đầu cơ tùy thuộc vào khoảng cách giữa thị giá và giá trị DN, cũng như cách định nghĩa của từng người.
Chỉ có điều, biểu đồ giá của những cổ phiếu thị trường và cổ phiếu blue-chips sẽ thấy sự khác biệt rất đáng kể ở mức độ ổn định. Nếu không muốn đau tim, nhà đầu tư nên tránh “miếng mồi ngon trong bẫy sắt” và cơ hội vẫn đầy nếu tập trung vào những cổ phiếu blue-chips ổn định cùng thời gian.