Biển cắm bán đất xuất hiện gần như mọi nơi ở Cần Giờ. Ảnh: Gia Huy

Biển cắm bán đất xuất hiện gần như mọi nơi ở Cần Giờ. Ảnh: Gia Huy

Chuyện sốt đất ở Cần Giờ

(ĐTCK) Là huyện đảo duy nhất của TP.HCM với bốn bờ là biển và rừng ngập mặn, trước đây, đặc sản của Cần Giờ là hải sản và du lịch rừng Sác, nhưng giờ đây, người dân TP.HCM còn cho rằng, Cần Giờ có thêm đặc sản nữa là đất nền.

Sốt đất ở Cần Giờ

Cần Giờ vốn bình yên bởi nghề chính của người dân ở đây là làm muối và đi biển, với khoảng cách trung tâm huyện đảo vào trung tâm TP.HCM chỉ hơn 70 km, nên người dân Thành phố thường về đây vui chơi vào dịp cuối tuần.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2017, cuộc sống bình yên nơi huyện đảo bị đảo lộn bởi cơn sốt đất nền. Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại đây cho thấy, bước chân từ phà Bình Khánh nối huyện Nhà Bè qua con sông Sài Gòn sang huyện đảo xuất hiện những biển bán đất nền, cũng như những sàn giao dịch, môi giới bất động sản mọc ra.

Giới đầu tư đất cho biết, cơn sốt đất nền Cần Giờ được châm ngòi bởi thông tin sẽ xây cầu Bình Khánh thay cho phà. Từ đây, nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng về huyện đảo này đầu tư đất.

Lúc đầu năm 2017, trước khi cơn sốt xảy ra, giá đất mặt tiền đường Rừng Sác, xã Bình Khánh chỉ 3,2 triệu đồng/m2, nhưng cuối tháng 4/2017 đã vọt lên 17 triệu đồng/m2 và giờ đây, khi các quận, huyện khác của TP.HCM đã qua cơn sốt, thì huyện Cần Giờ vẫn còn nóng với giá đất nơi đây đã lên tới 25,4 triệu đồng/m2.

Ở tuyến đường Duyên Hải, xã Cần Thạnh, trước đây hai bên đường là cánh đồng muối, với hàng phi lao xanh mát, nhưng giờ đây, những cánh đồng nuối đã bị san lấp, đất được phân lô, cắm mốc, thân những cây phi lao bên đường được treo đầy những tờ rơi rao bán đất nền.

Giá đất ở đây cũng tăng mạnh từ mức 3,2 triệu đồng/m2 hồi đầu năm 2017, lên mức 16,3 triệu đồng/m2 hiện nay, tức đã tăng giá 406%.

Cũng là tâm điểm của cơn sốt đất nền Cần Giờ hiện nay, tuyến đường Thạnh Thới, xã Long Hòa sau thời gian giữ mức giá dưới 10 triệu đồng/m2 hồi tháng 4/2017, giờ đã vượt qua ngưỡng 13,5 triệu đồng/m2, còn so với đầu năm 2017, giá đất hiện đã tăng 318,6%. Đất mặt tiền đường Nguyễn Công Bao, xã Tam Thôn Hiệp, hiện ghi nhận 11 triệu đồng/m2, tăng 240% so với đầu năm 2017...

Cơn sốt đất không chỉ đẩy giá đất lên cao, mà còn đẩy cuộc sống người dân huyện đảo vốn yên bình với biển cả và đồng muối, vựa tôm, giờ quay cuồng với cả đất nền. Liên hệ với số điện thoại ghi trong bảng quảng cáo bán đất trên đường Cần Thạnh, người đàn ông giới thiệu tên Sáu Thân, khoảng hơn 50 tuổi có nước da ngăm của dân đi biển chạy tới giới thiệu về khu đất của ông đang bán trên tuyến đường này.

Ông kể, trước đây gia đình ông sống bằng nghề đi biển và làm muối, nhưng từ tháng 4/2017 tới nay, ông cho thuê thuyền và ruộng muối, đồng thời thay đổi bằng việc làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phân lô bán.

“Tôi phân ra được 9 lô đất với diện tích 70 m2/lô và bán hết vào tháng 8/2017 vừa qua, giờ người mua gửi tôi để có khách mua thì bán lại”, ông Sáu Thân nói.

Không chỉ người đi biển bỏ biển đi buôn đất, mà ngay cả ở chợ cá Cần Giờ, câu chuyện trước kia là cá, tôm, thì giờ đây là giá đất và đất… Bà Thu, một người có vựa hải sản đầu chợ giờ đây đã treo thêm một biển bán đất cạnh biển bán hải sản. Bà cho biết, khách mua đất hay vào chỗ bà mua hải sản mang về, họ hay hỏi về giá đất, cũng như vị trí đất ở huyện đảo này. Chính vì vậy, bà thấy đây là cơ hội để kiếm tiền, nên treo luôn biển bán đất, khi có khách hỏi sẽ giới thiệu đất cho khách mua để kiếm hoa hồng…

Cần Giờ không bình yên

Huyện Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam của TP.HCM, có đường bờ biển dài hơn 13 km, hệ sinh thái rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Không những vậy, nơi đây có hệ thống sông ngòi dày đặc, với khu di tích lịch sử rừng Sáp, nơi nuôi giấu những người chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Cần Giờ không còn bình yên vì cơn sốt đất nền. Ảnh: Gia Huy 

Huyện đảo này từng được TP.HCM đặt mục tiêu phát triển thành khu du lịch sinh thái của Thành phố, với việc xây dựng con đường từ Nguyễn Lương Bằng nối dài và điểm cuối kết nối với đường Rừng Sác. Ngoài ra, Thành phố cũng có kế hoạch xây dựng cầu Bình Khánh thay cho phà cũ kỹ để tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách khi đến Cần Giờ. Nó cũng được kỳ vọng góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo và Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Thế nhưng, sự bình yên của huyện đảo này biến mất khi có thông tin những dự án du lịch nghỉ dưỡng của các tập đoàn lớn trong nước được cấp phép. Ngoài ra, đầu tháng 12/2017, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, chuẩn bị mở tuyến vận tải hành khách đường thủy TP.HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu, giúp liên kết đảo Cần Giờ tới Vũng Tàu chỉ 30 phút di chuyển, càng tạo cho Cần Giờ thêm sức hút.

Tuy nhiên, cơn sốt đất tại Cần Giờ đáng khiến nhiều chuyên gia môi trường và văn hóa lo lắng.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay, TP.HCM đã qua đi cơn sốt đất, nhưng riêng Cần Giờ vẫn còn sốt là điều mà cơ quan chức năng cần cảnh giác. Thêm vào đó, việc đây là huyện đảo, với quy hoạch khác với các quận, huyện khác của TP.HCM, nên việc để diễn ra tình trạng phân lô bán nền rầm rộ sẽ phá vỡ quy hoạch của huyện.

Với đặc thù là biển và rừng, trong Luật biển và rừng của Việt Nam đưa ra nhiều quy định rất khắt khe với việc đất đai ở những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt. Chính vì vậy, để doanh nghiệp bất động sản về đây triển khai dự án quá nhiều sẽ làm mất đi cảnh quan thiên nhiên, tác động lớn tới môi trường và đặc biệt là làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn chỉ Cần Giờ mới có.

Còn TS. Nguyễn Văn Thắng, chuyên gia về môi trường, thuộc Viện Môi trường nhiệt đới quân đội cho rằng, ở góc độ môi trường, Cần Giờ như một lá phổi xanh cho TP.HCM, nếu nó bị xâm phạm, thì TP.HCM ảnh hưởng rất nặng. Tuy nói là quy hoạch khu dân cư xa với rừng phòng hộ, nhưng thực chất cũng sẽ ảnh hưởng lớn, bởi để phát triển, Cần Giờ buộc phải mở đường, mà muốn mở đường phải phá rừng. Cũng như tác động của con người với môi trường sẽ không tránh khỏi.

Bên cạnh đó, rừng Cần Giờ là vị trí quan trọng trong quân sự, nếu để tình trạng phân lô bán nền, hay thành lập dự án rầm rộ như hiện nay tại đây sẽ là mối quan ngại lớn cho TP.HCM.

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cho rằng, việc sốt đất nền tại Cần Giờ kéo dài sẽ có thể dẫn tới cảnh “bong bóng” ở thị trường huyện đảo này, hậu quả là rất lớn. Chính vì vậy, khách hàng cần phải lưu ý khi một thị trường đang sốt với giá tăng liên tục, nhưng không phải lúc nào cũng có giao dịch. Vì thế, một số nơi, một số chỗ có hiện tượng tăng giá ảo, tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Ông Chánh dẫn ví dụ tại huyện Bình Chánh, thời điểm trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, giá đất ở mức khoảng 500.000 đồng/m2, hiện đã tăng gấp đôi, gấp ba, nhưng không có giao dịch, bởi gần như không có người mua. Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng hết sức quan trọng, hành động theo đám đông bao giờ cũng tiềm ẩn những rủi ro, nếu nhà đầu tư cá nhân không có chính kiến riêng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan