Hình ảnh tại buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hình ảnh tại buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyển sang hậu kiểm, Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng đương đầu với khó khăn

Khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cơ quan quản lý sẽ vất vả, khó khăn hơn để vừa bảo đảm thực hiện chức năng quản lý lại có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, tuy nhiên “khó vẫn phải triển khai”.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) trong buổi tọa đàm “Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ: Từ tiền kiểm sang hậu kiểm" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 8/12, tại Hà Nội.

Rốt ráo thực hiện cắt giảm 50% hàng hóa nhóm 2

Trước yêu cầu cắt giảm ít nhất 50% số lượng hàng hóa trong danh mục hàng hóa nhóm 2 trước tháng 6/2018, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết: “Đây là một chỉ tiêu đặt ra rất nhiều thách thức đối với tất cả các bộ, ngành”.

Ông Linh chia sẻ, trong thời gian vừa rồi, Bộ KH&CN đã nỗ lực, phối hợp chặt chẽ cùng 12 bộ, ngành rà soát, xem xét, trao đổi các biện pháp quản lý cũng như những vướng mắc không chỉ của DN mà của cả chính cơ quan quản lý chuyên ngành để cùng đưa ra cách thức giải quyết.

“Các bộ, ngành cũng hết sức nỗ lực cùng chung tay với Bộ KH&CN và chỉ đạo rất quyết liệt để triển khai chủ trương này của Chính phủ”.

Ngoài những kết quả đạt được của Bộ KH&CN, một số bộ, ngành đã có những thay đổi tích cực như Bộ Xây dựng cắt giảm một số nhóm hàng vật liệu xây dựng hay Bộ Công Thương đã bước đầu đưa các nhóm sản phẩm tiền kiểm sang hậu kiểm… “Chúng tôi vẫn đang rốt ráo để thực hiện mục tiêu này”, ông Linh cho biết.

Theo đại diện Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 đang được rà soát, loại bỏ dựa trên nhiều tiêu chí.

Cụ thể, “chúng tôi sẽ xem xét bản chất sản phẩm hàng hóa đó có nguy cơ rủi ro đối với người tiêu dùng và xã hội hay không?”.

Thực tế, nhiều sản phẩm sau một thời gian được kiểm soát chặt chẽ bằng các biện pháp tiền kiểm, DN có ý thức dần lên và giảm tỉ lệ các sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn thì các cơ quan cũng cần phải cân nhắc để có thể điều chỉnh, giảm bớt gánh nặng cho DN.

Bên cạnh đó, đối với những hàng hóa mà chi phí cơ quan quản lý Nhà nước và DN bỏ ra để phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành quá lớn so với rủi ro có thể gây ra cho xã hội, cho người tiêu dùng, Bộ cũng đề xuất loại khỏi danh mục.

Chuyển sang hậu kiểm, quản lý có buông lỏng?

Ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định: “Công tác kiểm tra sẽ không giảm bớt đi, mà đơn giản thay vì phải kiểm tra tất cả các công đoạn trước khi thông quan thì nay được chuyển sang sau thông quan.

Đồng nghĩa, DN vẫn phải bảo đảm các bằng chứng kỹ thuật chứng minh sản phẩm đáp ứng quy chuẩn nhưng lại tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí lưu kho bãi…”

Tuy nhiên, ông Linh đánh giá, quản lý theo phương thức hậu kiểm đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi các cơ quan quản lý, cán bộ thực thi phải chủ động, tích cực hơn.

“Nếu DN có ý thức bảo vệ thương hiệu thì hậu kiểm sẽ không khó khăn. Nhưng với các DN không quan tâm đến uy tín, chất lượng sản phẩm hoặc cố tình gian dối thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ vất vả hơn, khó khăn hơn trong việc xử lý hậu kiểm”.

Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ quan điểm đồng tình: “Hậu kiểm không có nghĩa là từ bỏ quản lý mà đưa ra một thông điệp rất rõ là Nhà nước giảm gánh nặng thủ tục hành chính còn DN phải có trách nhiệm tuân thủ tốt những gì đã cam kết”.

Ông Tuấn cũng đánh giá cao Bộ KH&CN khi có nhiều thay đổi, cải cách với kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt, tại Thông tư 07/2017 đã quy định đối với DN 3 lần thông quan liên tiếp mà không vi phạm sẽ được miễn kiểm tra trong vòng một năm. “Đây là một xu hướng rất tốt, tạo động lực cho DN làm ăn nghiêm túc, khi đó thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ sẽ giảm”.

Tuy nhiên, cũng phải tính đến rủi ro, những ngành hàng nào có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, những doanh nghiệp nào có tiền sử vi phạm pháp luật thì cơ quan quản lý Nhà nước phải đưa vào tầm ngắm và áp dụng hình thức kiểm tra chặt chẽ hơn.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng đề cập đến vấn đề hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để phục vụ công tác quản lý, thực thi. “Nếu sản phẩm hàng hóa không có tiêu chuẩn, quy chuẩn thì không chỉ hậu kiểm mà tiền kiểm cũng rất khó khăn.

Về phía Bộ KH&CN, tất cả các nhóm sản phẩm hàng hóa nhóm 2 có nguy cơ gây mất an toàn đều được xác định rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn”, ông Linh cho biết.

Bộ cũng đã công bố danh sách 69 phòng thí nghiệm đủ điều kiện cấp chứng nhận chất lượng để các DN lựa chọn, việc này giúp tận dụng nguồn lực xã hội và tăng tính hiệu quả, cạnh tranh, không thể để tình trạng độc quyền của các cơ sở kiểm định được chỉ định tiếp diễn.

Bện cạnh đó, để bảo đảm thực thi đồng bộ, nhất quán, Bộ KH&CN đã có văn bản hướng dẫn cho các bộ, ngành. Với các quy định cụ thể về khung pháp lý, các nghị định xử phạt trong từng lĩnh vực, phục vụ cho công tác hậu kiểm.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho các bộ, ngành triển khai theo đúng Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời sẽ tiếp nhận các khó khăn vướng mắc của DN trong quá trình triển khai phương pháp quản lý hậu kiểm để bảo đảm quá trình thực thi hợp nhất.

Tin bài liên quan