Chuyện quy hoạch điện

0:00 / 0:00
0:00
“Điện đi trước một bước, làm nguồn động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao tiềm lực an ninh quốc phòng” là quan điểm xuyên suốt trong phát triển ngành điện.
Chuyện quy hoạch điện

Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu “Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP” vào năm 2025 và “trở thành nước phát triển, thu nhập cao” vào năm 2045.

Như vậy, để hiện thực hóa mục tiêu trong Nghị quyết của Đảng cùng quan điểm xuyên suốt nêu trên, thì sự tham gia của ngành điện nói riêng, cũng như năng lượng nói chung là không hề nhỏ. Tuy nhiên, ngoài chất lượng ổn định, an toàn, việc có được giá cả cạnh tranh hay hài hòa trong phát triển môi trường cũng là vấn đề mà ngành điện không thể bỏ qua hay né tránh.

Chẳng hạn, nếu giá điện không ở mức hợp lý, thì chắc chắn, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của sản phẩm làm ra tại Việt Nam sẽ gặp những thách thức nhất định.

Lẽ dĩ nhiên, khi phải đáp ứng đồng thời các mục tiêu trên, Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) sẽ phải tính toán cụ thể và thận trọng.

Đơn cử như khát vọng gia tăng công suất nguồn điện từ 69.200 MW của năm 2020, lên hơn 130.000 MW vào năm 2030 hay lên mức 270.000 MW vào năm 2045 không chỉ đòi hỏi nguồn vốn lớn khi thực hiện, mà giải pháp kèm theo cũng phải rõ ràng, quyết liệt thì mới mang lại kết quả như kỳ vọng.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các công trình điện - ông Thái Phụng Nê cũng cho rằng, nhìn từ thực tế triển khai các dự án điện giai đoạn 2011-2015 có thể thấy rõ quyết tâm cao của Chính phủ và các bộ, ngành khi thường xuyên có mặt trên các công trình, để cùng bàn bạc, gỡ khó ngay tại chỗ hoặc sớm họp ở cấp cao để giải quyết vướng mắc lớn nhằm tránh gây điểm nghẽn về tiến độ.

Kết quả của những quyết tâm trên là nhiều công trình lớn, đồ sộ như Thủy điện Sơn La 2.400 MW đã về đích trước kế hoạch 3 năm; hay Thủy điện Lai Châu 1.200 MW cũng về đích trước kế hoạch 1 năm.

Song, nhiều dự án điện trong giai đoạn 2016-2020 chưa được vậy khi không có sự kiểm tra, đôn đốc để tháo gỡ những vướng mắc mà dự án, doanh nghiệp gặp phải. Thay vào đó, tình trạng “chuyền bóng trách nhiệm” khiến khó khăn không được giải quyết, chất chồng theo tháng năm, gây lãng phí.

Chính vì vậy, nếu việc triển khai không được đổi mới theo hướng mạnh dạn hơn, dám quyết, dám làm, thì mục tiêu về nguồn điện cho tương lai mà Dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra, dù có được phê duyệt, cũng không thể mang lại kết quả như mong đợi. Ngoài ra, để chương trình phát triển điện trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn tới 2045 được hiện thực hóa, bên cạnh việc phối hợp giải quyết nhanh, dứt điểm những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai, cũng rất cần những giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo.

Thực tế phát triển điện mặt trời thời gian qua cho thấy, khi có giá tốt, khi nhà đầu tư nhận được lợi ích thì họ sẽ không ngại ngần bỏ tiền làm dự án, thậm chí sẵn sàng đầu tư cả đường truyền tải siêu cao áp mà không cần Chính phủ bảo lãnh. Sự tham gia của kinh tế tư nhân và các thành phần khác trong phát triển ngành điện cũng giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời khiến doanh nghiệp nhà nước trong ngành phải tự nâng chất để cạnh tranh và tồn tại.

Sau cùng, việc chậm ban hành Quy hoạch điện VIII, áp dụng cho giai đoạn 2021-2030, trong khi hiện đã là cuối quý I/2021, cũng cần được rút kinh nghiệm, bởi quy hoạch vốn được coi là đường hướng cho sự phát triển của mỗi ngành, nếu không muốn người chơi lạc lối.

Tin bài liên quan