Đặc điểm thường thấy của tội phạm kinh tế là để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn lập các công ty con, nhờ người thân đứng tên, hợp thức các hợp đồng kinh tế nhằm mục đích vay vốn ngân hàng. Phần lớn các công ty con chỉ mang danh nghĩa trên giấy tờ và chức danh giám đốc thực chất là “bù nhìn”. Những người được nhờ đứng tên giám đốc dễ dãi ký vào hợp đồng kinh tế, hồ sơ vay vốn bất chấp hậu quả khôn lường có thể xảy ra.
Vụ đại án Phạm Công Danh gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã kết thúc nhưng bài học để lại vẫn mang tính thời sự. Nhằm rút ruột hàng nghìn tỷ đồng ở VNCB, Phạm Công Danh và đồng phạm đã thông qua 14 pháp nhân công ty, trong đó có 12 công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh do các giám đốc “hờ”, là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên.
Trong lời khai của các bị cáo đều thể hiện, những công ty này không hoạt động kinh doanh, không có nhân sự, không có bộ phận kế toán. Các công ty lập ra chỉ để lấy tư cách pháp nhân, có công ty chỉ có 1 nhân sự là giám đốc đứng tên để ký hồ sơ.
Một trong những trường hợp điển hình là bị cáo Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty Cường Tín. Trước khi khởi tố, bị cáo làm công việc phụ hồ. Năm 2011, bị cáo được giới thiệu một công việc ổn định là làm “giám đốc”. Mỗi khi cần ký các hợp đồng liên quan đến công ty, người của Tập đoàn Thiên Thanh sẽ gọi bị cáo tới ký.
Trường hợp tương tự là cặp vợ chồng Vưu Thị Diệu – Nguyễn Hữu Duyên được nhờ làm giám đốc Công ty Toàn Tâm. Bị cáo Duyên vốn là nhân viên rửa xe, lương 3 triệu đồng, cuộc sống còn gặp khó khăn. Để kiếm thêm thu nhập, bị cáo Duyên cùng vợ đồng ý ngồi vào ghế “giám đốc” với lương ban đầu 5 triệu đồng/tháng, sau tăng lên 10 triệu đồng.
Trong số đồng phạm tiếp tay cho Hà Văn Thắm gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceabank) – vụ án sắp được đưa ra xét xử trong thời gian tới, bị can Phạm Hoàng Giang, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần BSC Việt Nam thừa nhận chỉ là giám đốc “hờ”.
Năm 2009, bị cáo Giang được Hà Văn Thắm tuyển dụng làm Phó trưởng Ban Pháp chế Oceabank, sau đó trở thành Tổng giám đốc BSC Việt Nam với mức lương 10 triệu đồng/tháng.
Giữ vị trí quan trọng nhưng Giang không cần gặp gỡ, tiếp xúc, đàm phán với khách hàng và chỉ có nhiệm vụ ký các hợp đồng đã soạn sẵn do cán bộ ở các đơn vị kinh doanh thuộc Oceanbank dự thảo.
Vị trí Chủ tịch HĐQT tại BSC Việt Nam cũng được Hà Văn Thắm giao cho Hoàng Thị Hồng Tử - một người tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, không có trình độ chuyên môn kinh tế, ngân hàng.
Hoàng Thị Hồng Tử được Hà Văn Thắm nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT của BSC Việt Nam, nhưng không có vốn góp, không được điều hành, không hưởng lương. Trong quá trình điều tra, do Hoàng Thị Hồng Tử thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác, nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự.
Thực tế, khi ra trước vành móng ngựa, đối diện hậu quả pháp lý, nhiều người biện minh do không hiểu biết pháp luật, làm theo chỉ đạo hoặc vì cả nể, tin tưởng người nhà đứng tên giám đốc.
Về nguyên tắc, công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm nhưng buộc mọi người phải ý thức việc đang làm, nếu không dễ dàng trở thành đối tượng tiếp tay cho hành vi phạm pháp.
Pháp luật hình sự cũng quy định về chế định đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm, gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho người thực hiện tội phạm. Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội.