Các ngân hàng sẽ tiếp tục được lợi từ việc chi phí vốn giảm.

Các ngân hàng sẽ tiếp tục được lợi từ việc chi phí vốn giảm.

Chuyện nóng mùa đại hội ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự sôi động của thị trường chứng khoán khiến câu chuyện chia cổ tức và tăng vốn của các nhà băng trở thành chủ đề nóng trong mùa đại hội cổ đông năm nay.

Ngóng cổ tức và cổ phiếu thưởng cao

Ông Nguyễn Việt Hoàng, một cổ đông nhỏ của OCB cho hay, năm vừa qua, cổ phiếu ngân hàng sáng trở lại và nhất là việc lên niêm yết đã giúp cổ phiếu OCB tăng tính thanh khoản. Vì thế, ông chưa vội bán cổ phiếu mà chờ sau kỳ đại hội cổ đông thường niên để nhận cổ tức 2020 bằng cổ phiếu như lãnh đạo Ngân hàng chia sẻ ở mức dự kiến 25%.

Không riêng ông Hoàng, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành này, nhất là những nhà băng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng cao.

Nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chuẩn mực an toàn vốn mới, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ phiếu thưởng và cổ tức để tăng vốn trong năm nay. Dự kiến tại Đại hội cổ đông tổ chức vào ngày 24/3 tới, VIB sẽ trình phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và chào bán cổ phiếu. Năm 2020, VIB cũng chia cổ tức, cổ phiếu thưởng gần 30%.

2021 là năm thứ 2 VIB trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn là khoảng 16.000 tỷ đồng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.

Trước đó, trong tháng 11/2020, VIB đã niêm yết gần 1 tỷ cổ phiếu trên sàn HOSE, với giá tham chiếu cho ngày đầu giao dịch là 32.300 đồng/cổ phiếu. Hiện thị giá cổ phiếu tăng lên vùng 43.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VIB đạt 5.801 tỷ đồng, tăng 42,1% so với năm 2019 và vượt 29% so với kế hoạch.

Năm qua, OCB cũng vượt chỉ tiêu kinh doanh với việc đạt 4.414 tỷ đồng lãi trước thuế. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cho biết, tỷ lệ cổ tức OCB chia cho cổ đông trong những năm qua duy trì ở mức tương đối cao. Cổ tức 2020 dự kiến ở mức 25% bằng cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ của Ngân hàng thêm 25%.

MSB cũng cho hay, lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra. Vì thế, theo lãnh đạo cấp cao MSB, Ngân hàng sẽ trình phương án chia cổ tức tối thiểu 15% tại Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến thực hiện trong quý I.

Thị trường đang chờ đợi thông tin từ HDBank vì năm qua, ngân hàng này chia cổ tức, cổ phiếu thưởng lên đến 65%.

Thị trường cũng đang chờ đợi thông tin từ HDBank vì năm qua, ngân hàng này chia cổ tức, cổ phiếu thưởng lên đến 65%. Năm 2020, HDBank đạt 5.818 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 15,9% so với năm 2019, tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,93%.

Năm nay, các ngân hàng cũng sẽ chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vừa trải qua một giai đoạn thăng hoa và vẫn tiếp tục thu hút dòng tiền, kế hoạch chia cổ tức của các ngân hàng được các nhà đầu tư rất quan tâm.

Cũng trong câu chuyện của ông Nguyễn Việt Hoàng, cổ tức thì năm nào cổ đông cũng quan tâm, nhưng nếu như các năm trước, cổ đông muốn chia cổ tức bằng tiền mặt thì năm nay sẽ ủng hộ phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu hơn vì giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mặt bằng cao.

Cơ hội mua cổ phiếu tăng vốn

Ngoài việc mạnh tay chia cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu để tăng vốn, trong mùa đại hội cổ đông năm nay, không ít nhà băng dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch huy động vốn mới, kể cả một số nhà băng chưa triển khai xong trong năm 2020.

Cụ thể, Nam A Bank đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng).

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, trong kế hoạch tăng vốn nói trên, Ngân hàng sẽ chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài theo tỷ lệ quy định. Ngoài ra, Ngân hàng cũng đang hoàn tất hồ sơ chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE, thay vì giao dịch trên UPCoM với mức giá đang xoay quanh 14.200 đồng/cổ phiếu.

OCB đang có vốn điều lệ xấp xỉ 11.000 tỷ đồng sau khi thực hiện chia cổ tức năm 2019 và bán cổ phần cho Aozora. Chủ tịch OCB cho biết, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng là 19,5% và còn hơn 10% sẽ được OCB bán tiếp sau niêm yết.

Ngày 28/1 vừa qua, cổ phiếu OCB đã được niêm yết trên sàn HOSE sau nhiều năm nhà đầu tư chờ đợi và thị giá đang xoay quanh 21.100 đồng/cổ phiếu. Với kế hoạch chia cổ tức, bán tiếp vốn ngoại năm nay của OCB sẽ là các thông tin được nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. OCB cũng lên kế hoạch lợi nhuận 2021 ở mức trên 5.100 tỷ đồng trước thuế, với kỳ vọng tín dụng tăng trưởng tốt.

Ngân hàng Bản Việt đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần tăng thêm tối đa gần 1.000 tỷ đồng trong quý I/2021. Đồng thời, nhà băng này cũng vừa chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản ủy quyền Hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tối đa mức 30%, nhằm thu hút vốn ngoại, tăng vốn.

Vietbank, SCB cũng cho biết sẽ tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.

Tăng vốn là một trong những tờ trình quan trọng được Vietcombank trình Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào 23/4 tới. Nội dung phương án tăng vốn chưa được Ngân hàng thông báo.

Tuy nhiên, nhiều khả năng, Vietcombank sẽ trình cổ đông tăng vốn bằng chia cổ tức khi năm 2020 Vietcombank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 23.045 tỷ đồng) và tiếp tục đề ra phương án phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ. Mục tiêu chào bán riêng lẻ 6,5% vốn được ngân hàng này đưa ra từ năm 2019, song đến nay vẫn chưa thực hiện.

Tuy chưa hết khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, song triển vọng đối với ngành ngân hàng vẫn được đánh giá tích cực khi mặt hàng lãi suất giảm dần, kích cầu tín dụng tăng.

Đây cũng là lý do mà nhà đầu tư Nguyễn Việt Hoàng cũng như giới kinh doanh chứng khoán kỳ vọng vào cổ tức, cổ phiếu thưởng và đà tăng giá của cổ phiếu “vua” thời gian tới.

Trong báo cáo “Vietnam - Asia's New Success Story”, PYN Elite Fund cũng tin rằng, triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam những năm tới rất tích cực.

Còn theo SSI Research, các động lực tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chính trong năm 2021 của ngành ngân hàng bao gồm: tăng trưởng thu nhập lãi thuần mạnh mẽ hơn nhờ mở rộng tín dụng và NIM (chỉ số phản ánh mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng) cải thiện nhẹ.

SSI Research ước tính, thu nhập lãi thuần toàn ngành ngân hàng sẽ tăng 15% trong khi tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 12 - 13% so với cùng kỳ. Các ngân hàng sẽ tiếp tục được lợi từ việc chi phí vốn giảm khi lãi suất huy động đã giảm từ 2 - 2,5%/năm trong năm 2020 và mức giảm mạnh diễn ra trong nửa cuối năm 2020 kéo dài sang 2021.

Trong khi đó, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, ở nhóm ngân hàng niêm yết, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN bắt đầu giảm quý IV/2020 còn 2% so với mức 2,6% quý III/2020.

Nợ xấu của Vietcombank cuối năm 2020 chỉ còn 0,6% trên tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu ở VietinBank cũng thấp hơn mức 1,16%. BSC cho rằng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành sẽ tăng trưởng ở mức 28%, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2021. Cùng với đó là mặt bằng lãi suất đi ngang, giảm áp lực chi phí dự phòng.

Tin bài liên quan