Bởi thế, sân golf nhiều khi không đơn thuần là sân chơi của một môn thể thao quý tộc, thời thượng, mà còn là không gian mở của nơi làm việc hay phòng họp.
Ở sân golf miền Bắc, lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân như FIT, FLC, SHN.. xuất hiện khá đều đặn. Sếp của các doanh nghiệp nhà nước có phần dè dặt và kín tiếng với bộ môn golf. Lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải thì trở nên “im hơi lặng tiếng”, nhất là sau khi người đứng đầu Bộ này ra quyết định cấm công chức thuộc Bộ chơi golf, tham gia các giải golf vì lo ngại ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Tại sân golf miền Nam, các sếp doanh nghiệp nhà nước xuất hiện nhiều hơn.
Ở góc độ thể thao, sân golf là nơi rèn luyện sức khỏe, tính chịu đựng, khả năng phân tích và đánh giá tình huống…, nhưng không ít gôn thủ (golfer) là doanh nhân coi việc ra sân chủ yếu là để kết nối tình thân, kết nối kinh doanh.
“Đánh golf là giải trí, ra sân là chơi, chứ không phải để bàn công việc, nên nói chuyện hợp đồng là tối kị. Ra sân đừng nghĩ ký kết hợp đồng làm gì cho mệt. Thế nhưng, golf kéo mọi người đến gần nhau hơn, thân thiết hơn và do vậy các doanh nhân dễ thỏa hiệp hơn, có thể vừa đi bộ vừa bàn điều khoản này nọ”, ông Trần Duy Cảnh, Giám đốc Công ty Hợp danh Luật Việt tại TP. HCM, người có thâm niên chơi golf nhiều năm nói và cho rằng, khi đã thân thiết thì việc ký kết hợp đồng chỉ là chuyện nhỏ. Việc các doanh nhân biếu tặng nhau thẻ chơi golf, các phụ kiện chơi golf là nhằm tri ân khách hàng, đối tác, nhưng cũng nhằm thắt chặt mối quan hệ, thêm thuận lợi trong việc hợp tác kinh doanh.
Ngày càng có nhiều người, đặc biệt là các doanh nhân tham gia chơi golf, nên không ít doanh nghiệp đã đứng ra tổ chức các giải golf với quy mô lớn nhỏ khác nhau như Vietnam Airlines, FLC, Phú Mỹ Hưng, BRG…; các đơn vị tham gia tài trợ giải golf cũng ngày càng nhiều như PVI, Techcombank, Viettravel, Vietcombank, VNI, GIC, SVIC (nay là BSH)…
“Tình thân” cũng từ đó mà ra. Một doanh nhân chuyên cung cấp thiết bị cho ngành xây dựng và dầu khí chia sẻ, anh từng chốt được một hợp đồng khá lớn sau nhiều lần “ngoại giao” trên sân golf.
Tuy nhiên, nếu chơi golf chỉ vì mục đích “ngoại giao”, không thực sự đam mê môn thể thao này, thì các doanh nhân có thể trở nên xa cách nhau.
Có trường hợp thực tế là một doanh nhân Việt đưa đối tác Nhật, người có thâm niên chơi golf ra sân, nhưng do bản thân chưa nắm rõ luật lệ, kỹ thuật đánh golf khiến đối tác người Nhật đứng khoanh tay nhìn ngán ngẩm và lắc đầu. Đơn cử, vị doanh nhân Việt lóng ngóng để bóng trên tee box (bệ phát) và đánh trượt, đánh sượt bóng không chỉ một lần.
Golf là môn thể thao gắn liền với tính sang trọng, hào hoa và lịch lãm, nhưng một số người lại không tuân thủ quy định về trang phục như mặc quần soóc nhiều túi, để áo ngoài quần…, làm hình ảnh của doanh nhân trở nên thiếu thiện cảm trong mắt đối tác. Mới chơi golf, chưa may mắn chốt được hợp đồng nào trên sân golf, nhưng trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài phấn khởi khoe: môn thể thao thời thượng này giúp ông khỏe người, giảm cân, sáng suốt, quyết đoán hơn trong kinh doanh và có thêm các mối quan hệ. Ngoài ra, khi chơi golf, dạo bước trên thảm cỏ xanh mướt, ông cảm thấy bản thân như được hòa mình vào với thiên nhiên, trút bỏ được áp lực công việc, có thêm động lực trong cuộc sống. Golf đang trở thành niềm đam mê của ông, tạm quên các sở thích có đôi phần thuộc danh sách những “thói hư, tật xấu” trước đó.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bộc bạch, golf với doanh nhân tìm thấy nhau trong một điểm chung, đó là sự bền bỉ, trung thực và chiến thắng bản thân, còn những hợp đồng được chốt ở ngoài sân golf, nếu có, thường là sự… vô tình.