Sài Gòn thiếu nhà vệ sinh công cộng
Chiếc ô tô đang lưu thông trên đường Nguyễn Thông, quận 3, TP.HCM thì dừng lại, người lái xe mở cửa chạy vào trụ điện trước của căn biệt thự để "trút bầu tâm sự".
Khi bị bảo vệ biệt thự bắt lại hỏi vì sao lại đi vệ sinh tại đây mà không đi kiếm nhà vệ sinh công cộng, người lái xe biện minh rằng chạy vòng vòng các tuyến đường quận 3 mà không thể tìm ra được một nhà vệ sinh công cộng nào.
Câu chuyện của tài xế trên không phải là chuyện lạ ở TP.HCM. Bởi ở Sài thành hiện nay, nếu ra đường mà mắc đi vệ sinh rất khó tìm được cho mình nơi giải quyết “nỗi buồn”, vì khó kiếm được khu nhà vệ sinh công cộng trên các tuyến đường.
Cũng chính vì vậy, khi lưu thông trên các trục đường lớn ngay tại trung tâm TP.HCM như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hữu Thọ, Điện Biên Phủ, Cộng Hòa..., không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người tiểu tiện ngay bên vệ đường, bụi rậm, chân cầu…
Ông Nguyễn Văn Khỏe, bảo vệ của căn biệt thự góc đường trên đường Nguyễn Thông và Điện Biên Phủ quận 3 cho biết, sáng nào ông cũng phải mang vòi nước ra trụ điện cổng biệt thự mình làm để xịt nước, vì nhiều năm qua, nơi đây vô tình biến thành một nhà vệ sinh công cộng của người bán vé số, cánh xe ôm, tài xế ô tô.
“Chúng tôi phải đặt cả chiếc camera giả bên tường và hướng về cái ụ điện đó với một tấm bảng cảnh báo cấm tiểu bậy, có camera. Thế nhưng, dường như người dân không ngại điều đó và vẫn đi vệ sinh như bình thường, có nhiều lần bắt được những người tiểu bậy ở đây. Khi hỏi vì sao không đi nhà vệ sinh công công thì họ nói, ở quận 3 này kiếm đâu ra nhà vệ sinh công cộn mà đi. Họ nói cũng đúng, vì thực tế quận 3 này rất khó kiếm được một cái nhà vệ sinh công cộng”, ông Khỏe nói.
Anh Võ Thế Hoan, hướng dẫn viên du lịch Công ty Việt tại TP.HCM cho biết, trên thực tế, TP.HCM tuy đón hàng chục triệu lượt du khách đến tham quan mỗi năm, nhưng hiện số lượng nhà vệ sinh công cộng khá... nhỏ giọt, chủ yếu tập trung trên một số tuyến đường ở quận 1; hầu hết các quận, huyện còn lại đều “trắng” nhà vệ sinh công cộng.
Tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, Công viên 30 Tháng 4, Bưu điện Thành phố, đường sách Nguyễn Văn Bình…, những địa điểm tập trung nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, cũng không có nhà vệ sinh công cộng.
Trên những tuyến đường nội đô như Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Cống Quỳnh, Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu, Phan Xích Long hay hơn 10 km kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng không tìm ra nhà vệ sinh công cộng.
Còn nhớ tháng 1/2014, TP.HCM xuất hiện những nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn 4-5 sao ở các công viên Tao Đàn, 23/9 và Lê Văn Tám (quận 1). Đây là các nhà vệ sinh được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, toàn bộ chí phí xây dựng đều do Ngân hàng Sacombank chi trả với số vốn đầu tư từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/cái với diện tích 60 m2. Hiện nay, những nhà vệ sinh 5 sao này đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó tại Công viên Lê Văn Tám có 2 nhà vệ sinh, thì chỉ còn hoạt động một.
Vào năm 2016, chính quyền TP.HCM đã lên kế hoạch “phủ sóng” nhà vệ sinh công cộng ở khắp 24 quận, huyện trên địa bàn bằng nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đưa ra phương án phát triển chuỗi nhà vệ sinh công cộng nghe rất hợp lý.
Trong đó, phương án đề xuất của Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing được đánh giá cao về quy mô với số lượng 1.000 nhà vệ sinh công cộng, tổng kinh phí dự kiến khoảng 110 tỷ đồng (110 triệu đồng/công trình), được lắp đặt thêm ở các nhà ga, bến tàu, công viên, tuyến đường ở 24 quận, huyện.
Đổi lại, Thành phố tạo điều kiện cho nhà đầu tư được quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trong thời gian 15 năm để thu hồi vốn. Với phương án này, người dân được sử dụng nhà vệ sinh công cộng đó miễn phí. Thế nhưng, tới nay kế hoạch này vẫn chỉ nằm trên giấy.
Muốn văn minh, phải văn minh từ nhà vệ sinh công cộng
Bà Trị Hoài Linh, giảng viên Khoa Công tác xã hội, Đại Học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng, TP.HCM đang đặt mục tiêu phát triển là một thành phố văn minh, lịch sự, đáng sống. Thế nhưng, những cái cơ bản nhất cho việc văn minh, lịch sự là cái nhà vệ sinh công cộng thì lại thiếu, từ đó dẫn tới cảnh hằng ngày chứng kiến việc người dân và thậm chí khách du lịch phải tiểu bậy ở vỉa hè.
“Việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng trong một thành phố lớn như TP.HCM là vô cùng cần thiết. Nhiều đối tượng xã hội sẽ hưởng lợi từ điều này, cũng như hình ảnh của Thành phố và đất nước sẽ được cải thiện. Việc có nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ trong khu vực người dân ở, sinh hoạt cũng sẽ khiến họ tự hào về nơi đó, và cảnh thiện sức khỏe của mọi người”, bà Linh nói.
Còn bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus Corporation cho rằng, đa phần nhà vệ sinh công cộng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM khá bẩn, ám mùi. Đây đều là hậu quả của việc người Việt Nam còn thiếu ý thức, gồm việc không dọn dẹp, đảm bảo sự sạch sẽ sau khi sử dụng do không cảm thấy việc giữ gìn vệ sinh cho nơi này thuộc bổn phận, trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, còn có một số người không thật sự thấy việc đảm bảo vệ sinh là quan trọng.
“Giải pháp tốt nhất có lẽ là những băngrôn, tờ rơi dán ở những nơi dễ thấy trong nhà vệ sinh để khuyến khích họ luôn giữ những nơi này sạch sẽ, đồng thời nhắc họ tiết kiệm điện, giấy và nước. Băngrôn và tờ rơi có hiệu quả cao hơn các cuốn hướng dẫn, vì dễ đập vào mắt người khác. Một giải pháp khác sẽ là giáo dục. Như đã nói ở trên, các trường học ưu tiên việc giáo dục học sinh về tầm quan trọng của một nhà vệ sinh sạch sẽ làm nên một thay đổi rất lớn không chỉ trong thái độ sử dụng nhà vệ sinh công cộng, mà còn trong thái độ của các em với môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, phải xây dựng và duy trì chất lượng của các nhà vệ sinh công cộng có thể trở nên vô cùng tốn kém, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng dịch vụ này nên miễn phí (hay với phí rất thấp), vì như vậy mới thật sự tiếp cận được mọi người, kể cả người không có nhiều tiền”, bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, nhà vệ sinh công cộng là nơi cần xuất hiện nhiều hơn, tại TP.HCM và nhất là ở những nơi đông người khó khăn. Ở Nước ngoài, vì sao họ không xuất hiện cảnh người dân đi vệ sinh bừa bãi ngoài đường, lý do đơn giản vì ở đó luôn có những nhà vệ sinh công cộng an toàn và sạch sẽ.
“Nhà vệ sinh công cộng khi xây dựng cũng cần chú ý tới chất lượng, vì tại Việt Nam, lượng khách nước ngoài tới rất nhiều, họ luôn chê nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam không hợp vệ sinh. Đây chính là điểm trừ của ngành du lịch, dẫn tới những điều tiếng không tốt với văn hóa người Việt. Để có thể xây dựng nhà vệ sinh tốt, tôi cho rằng, có thể thu phí nhà vệ sinh cộng công ở các khu vực gần các khu trung tâm. Phí này được sử dụng để duy trì và đảm bảo chất lượng ở các khu khó khăn hơn, bởi những cộng đồng người nghèo sẽ khó trả phí cho những dịch vụ tương tự”, bà Hương nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com