Chuyện ngược đời ở Lộc Trời (LTG): Đặt kế hoạch lợi nhuận thấp để hưởng thưởng lớn?

Chuyện ngược đời ở Lộc Trời (LTG): Đặt kế hoạch lợi nhuận thấp để hưởng thưởng lớn?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong những nội dung được nhiều cổ đông, nhà đầu tư quan tâm đến CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG - UPCoM) là chính sách lương, thưởng dành cho lãnh đạo doanh nghiệp.

Ngày 14/4 tới đây, Lộc Trời sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 theo hình thức họp trực tuyến với 2 địa điểm cầu trực tuyến, trong đó đầu cầu chính tại Viện nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời, ấp Hòa Tân, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, An Giang.

Trong tài liệu ĐHCĐ của Công ty có 2 nội dung khiến nhiều nhà đầu tư chú ý. Theo đó, dù giá lúa gạo, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường tăng cao, LTG trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 400 tỷ đồng, giảm 4% so với thực hiện trong năm 2021.

Kế hoạch này tuân theo lộ trình đã được Lộc Trời xây dựng từ đầu năm ngoái khi tại đại hội cổ đông thường niên 2021, Ban lãnh đạo Công ty đưa ra cam kết lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng mỗi năm và kế hoạch chia cổ tức với tỉ lệ 12% - 20% - 25% - 30% lần lượt cho các năm 2021 - 2022 - 2023 - 2024.

Dù vậy, nhà đầu tư không thật sự cảm thấy thuyết phục và có kỳ vọng mạnh mẽ vào doanh nghiệp vốn có vị thế đầu ngành này khi thực tế môi trường kinh doanh thay đổi theo hướng tích cực hơn cho doanh nghiệp, nhưng kế hoạch năm lại thiếu động lực.

Trong khi đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi, kế hoạch thưởng cho HĐQT, lãnh đạo Công ty lại rất tích cực. Cụ thể, nếu lợi nhuận tăng từ 0 - 10%, thưởng 10% chênh lệch lợi nhuận so với cùng kỳ; nếu lợi nhuận tăng từ 10 - 20%, thưởng tỷ lệ lên tới 15% chênh lệch giữa lợi nhuận kiếm được so với cùng kỳ; nếu lợi nhuận tăng 20%, mức thưởng lên tới 20%.

Một số cổ đông cá nhân của Lộc Trời đặt câu hỏi, có hay không việc ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thấp để hưởng thưởng lớn.

Ngoài kế hoạch kinh doanh thấp, LTG cũng khiến nhiều cổ đông ấm ức khi xin ý kiến lùi thời gian thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE).

Trước đó, Công ty dự kiến trong năm 2022 sẽ hoàn tất niêm yết cổ phiếu LTG trên HOSE. Tuy nhiên, trong tờ trình mới nhất, ban lãnh đạo dự kiến sẽ hoàn tất niêm yết trên HOSE trong năm 2025 với điều kiện đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận, tức chậm hơn 3 năm so với kế hoạch ban đầu.

Trong quá khứ, cổ đông tổ chức nước ngoài từng nhiều lần chất vấn ban lãnh đạo Công ty vì việc lần lữa lên sàn. Sau không ít căng thẳng, Lộc Trời mới đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, vốn không được các nhà đầu tư lớn và dòng vốn tổ chức quan tâm.

Năm 2021, Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 10.224 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế đạt 422 tỷ đồng, tăng 14,4% so với thực hiện trong năm 2020, đồng thời hoàn thành 105,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lộc Trời có vị thế doanh nghiệp đầu ngành, thuộc ngành có tiềm năng, song thị giá cổ phiếu vẫn loanh quanh ngưỡng 4x trong gần 1 năm qua.

Tin bài liên quan