Chuyện ngoại hóa bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

Sau tuần “trăng mật”, đã bắt đầu có những câu chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”, nhưng M&A trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam vẫn đang rất tiềm năng.

Rất nhiều hãng bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam mong muốn được mở thêm room cho cổ đông ngoại.

Rất nhiều hãng bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam mong muốn được mở thêm room cho cổ đông ngoại.

Tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á

Thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trên toàn cầu do tỷ lệ xâm nhập thấp, tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây và còn nhiều tiềm năng phát triển.

Theo báo cáo mới nhất về “Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam 2020”, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế AM Best đã đưa ra đánh giá triển vọng ở mức “ổn định” cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Việt Nam cũng là thị trường phi nhân thọ tăng trưởng vào hàng cao nhất ở Đông Nam Á, trung bình (CAGR) đạt 17% trong vòng 10 năm qua (2009 - 2019). Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam tăng trưởng 12% trong năm 2019, đạt 52.300 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD).

Mức tăng trưởng của bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong năm 2019 được đánh giá là tương đối cao so với nhiều thị trường bảo hiểm khác, dù so với lịch sử tăng trưởng trong quá khứ thì đây là chỉ là con số thấp hơn mức bình quân giai đoạn 10 năm.

Mặc dù tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức từ trung bình đến cao, các doanh nghiệp vẫn có tăng trưởng vốn tương đương với tăng trưởng tổng tài sản, tỷ lệ trung bình 5 năm qua là 10%, nhờ vào việc tăng vốn từ cổ đông và tăng vốn từ lợi nhuận để lại. Kết quả là, tỷ trọng tổng tài sản trên vốn và tỷ lệ thặng dư của thị trường bảo hiểm Việt Nam luôn ở mức ổn định (3 lần) trong 5 năm vừa qua.

AM Best dự báo, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam sẽ duy trì vốn ổn định trong tình hình kinh tế hiện nay, song về trung và dài hạn, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể cần tăng vốn cho nhu cầu tăng trưởng trong tương lai. Thu hút vốn đầu tư ngoại là một giải pháp được ưu tiên lựa chọn, vì nhiều tập đoàn bảo hiểm quốc tế lớn sở hữu cổ phần chiến lược trong các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam có mong muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu thông qua việc góp thêm vốn hoặc mua lại cổ phần hiện hữu.

Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào kế hoạch thoái vốn của Chính phủ Việt Nam, bởi đặc thù trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn còn phần sở hữu cổ phần nhà nước.

Ngoại hóa công ty nội

Bằng những cách ít gây ồn ào, hàng loạt hãng bảo hiểm nước ngoài đang có chân trong hội đồng quản trị của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Cụ thể, HDI Global SE (Talanx sở hữu 100% vốn) đang là cổ đông lớn nhất giữ cổ phần chi phối tại PVI Holdings (công ty nắm giữ 100% cổ phần Bảo hiểm PVI); Samsung Fire and Marine Insurance nắm 20% cổ phần của PJICO; DongBu (nay là DB) nắm 37% của PTI; Fairfax nắm 35% cổ phần của Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC); và AXA nắm gần 17% cổ phần tại Bảo Minh (BMI)...

Ngoại trừ câu chuyện của PVI Holdings với những thông tin “lùm xùm” xung quanh thương vụ HDI Global (Đức) mua cổ phần thâu tóm để nắm giữ quyền chi phối PVI Holding, thì còn lại, tại các hãng bảo hiểm khác đã bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, có lẽ “hôn nhân” vẫn đang trong thời kỳ “trăng mật”.

Mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua, rất nhiều hãng bảo hiểm như PJICO, PTI, Bảo Minh… còn mong muốn được mở thêm room cho cổ đông ngoại. Theo PTI, việc nới room có ý nghĩa cho Công ty trong việc tăng vốn, đó cũng là điều kiện cần thiết để duy trì hoặc tăng xếp hạng tín dụng quốc tế trong tương lai. Định hướng chiến lược đến năm 2025 của hãng bảo hiểm này là doanh thu bảo hiểm gốc đạt 11.000 tỷ đồng, chiếm 12% thị phần, đứng thứ hai trên thị trường.

Với Bảo Minh, dù cổ đông luôn mong ngóng quá trình nới room ngoại lên 100% sớm hoàn tất, nhưng theo một số nguồn tin, thì có lẽ việc nới room của hãng bảo hiểm này vẫn là một câu chuyện dài…

Trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, nếu ở khối nhân thọ có 17/18 công ty là doanh nghiệp nước ngoài, thì ngược lại, ở khối phi nhân thọ, chủ yếu là các công ty trong nước. Khi mà thị trường bảo hiểm Việt Nam được coi là tiềm năng, thực tế chứng minh bằng tốc độ tăng trưởng cao, thì rõ ràng khối ngoại sẽ không bỏ qua và điều đáng chú ý là khối nội khó từ chối.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cần nguồn lực về tài chính và công nghệ từ nước ngoài để phát triển, trong khi doanh nghiệp nước ngoài cần mạng lưới sẵn có của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước để tiếp cận thị trường bảo hiểm còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam chính là lý do “cung” và “cầu” M&A của thị trường này được nhìn nhận vẫn còn phát triển.

Về cơ bản, những doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài đều đang tăng trưởng tốt với những kế hoạch rất tham vọng. Chẳng hạn, trong vòng 5 năm kể từ khi hợp tác với DB, doanh thu bảo hiểm gốc của PTI tăng từ 3.974 tỷ đồng (năm 2014) lên 5.692 tỷ đồng (năm 2019), tăng 231,3%, thị phần tăng từ 6% lên 10,8%.

Trong khi đó, với sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ BIDV và các đối tác chiến lược như FairFax, Bảo hiểm BIC cũng đặt tham vọng sớm gia nhập Top 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị trường về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc, giữ vững vị trí Top 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đứng đầu về tỷ suất sinh lời…

Hậu M&A sẽ là câu chuyện lớn

Trở lại câu chuyện của PVI Holdings và HDI, đây có lẽ là "vụ lục đục” hậu M&A đầu tiên liên quan đến bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng không phải là câu chuyện quá mới trong các cuộc M&A. Hòa nhập hậu M&A không mặc nhiên diễn ra sau khi thương vụ được ký kết giữa 2 bên.

Theo Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Vietnam, trong các cuộc M&A, bên cạnh việc tạo ra giá trị cộng hưởng, hoạt động này cũng đem lại không ít thách thức cho doanh nghiệp hậu M&A, như không tương thích về văn hóa doanh nghiệp, phương thức điều hành…

Tuy nhiên, với HDI Và PVI Holdings, dù câu chuyện lùm xùm trong việc mua thêm cổ phần để tăng quyền chi phối và một vài bất đồng trong nội bộ chưa có hồi kết, nhưng tham vọng mãnh liệt trong việc đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm tại thị trường Việt Nam luôn nhất quán ngay từ khi hãng bảo hiểm này “bắt tay” với PVI Holdings.

Ông Jens H. Wohlthat, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần PVI Holdings, thành viên Ban Điều hành HDI Global SE trong cuộc trò chuyện với truyền thông mới đây chia sẻ rằng, HDI với trụ sở nằm ở Đức, nơi thị trường “không tăng trưởng nữa, nên chúng tôi phải đi tới các thị trường khác”. Việt Nam cũng như thị trường Đông Nam Á sẽ phát triển tốt hơn so với toàn cầu trong những năm tiếp theo. Và nếu so sánh trong khu vực Đông Nam Á, thì thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao hơn so với các thị trường còn lại.

Với tham vọng sẽ phát triển PVI làm đầu tàu cho sự lớn mạnh ở thị trường ở Đông Nam Á, tạo điều kiện cho PVI mở rộng địa bàn hoạt động, thì việc mong muốn tăng thêm quyền quyết định để đẩy nhanh quá trình này cũng là điều dễ hiểu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diên một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang có cổ đông chiến lược nước ngoài nhìn nhận, việc các cổ đông chiến lược chi phối như thế nào đối với doanh nghiệp bảo hiểm phụ thuộc nhiều vào mục đích khi hợp tác.

Có nhiều cổ đông nước ngoài chỉ muốn đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ các nguồn lực để doanh nghiệp trong nước chủ động phát triển kinh doanh theo định hướng chung đã đề ra. Tuy nhiên, cũng có nhiều cổ đông muốn mua cổ phần, sau đó từng bước nâng tỷ lệ sở hữu để nắm quyền điều hành, biến doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trở thành một công ty con của họ. Khi đó, các cổ đông này sẽ “va chạm” quyền lợi với các cổ đông trong nước và đương nhiên sẽ xảy ra những mâu thuẫn với chính đội ngũ cán bộ điều hành.

Chính vì thế, "chốt hạ" được thương vụ M&A chưa quyết định đó là một thương vụ thành công, mà mức độ “hội nhập hậu M&A” mới thể hiện mức độ thành công của thương vụ.

Tin bài liên quan