Chuyên nghiệp hóa hoạt động thoái vốn nhà nước để tối đa hóa hiệu quả

Chuyên nghiệp hóa hoạt động thoái vốn nhà nước để tối đa hóa hiệu quả

(ĐTCK) Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa diễn ra, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu rà soát toàn bộ danh mục vốn nhà nước bàn giao về SCIC theo tinh thần các bộ, địa phương bàn giao hết quyền đại diê%3ḅn chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa về SCIC. Động thái quyết liệt này, theo giới tài chính, sẽ thúc đẩy công tác bán vốn diễn ra chuyên nghiệp, hiệu quả cao hơn.

Lừng khừng chuyển giao, phân mảnh thoái vốn

Theo Quyết định số 1232/QĐ-Ttg ngày 17/8/2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp thuộc 6 bộ và 16 địa phương, với tổng số vốn nhà nước trên 11.200 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017, các bô, ngành, địa phương cần chuyển giao 4 doanh nghiệp, năm 2018 cần chuyển giao 55 doanh nghiệp và năm 2019 cần chuyển giao 3 doanh nghiệp cho SCIC quản lý.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7/2018, chỉ có 25/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 953,28 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.365 tỷ đồng được chuyển giao cho SCIC. Còn 37 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước 10.113 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng đến nay chưa được chuyển giao cho SCIC quản lý.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chậm trễ trên có nhiều, tạm gác ra bên ngoài yếu tố lợi ích, trước hết phải kể đến việc các đơn vị chủ quản vốn nhà nước chưa hoàn thành việc quyết toán vốn lần 2 trước khi chuyển về SCIC.

Nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao có tồn tại về tài chính kéo dài, thua lỗ, thậm chí mất vốn mà các bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh không xử lý dứt điểm được.

Trong khi đó, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018) và Nghị định số 147/2017/NĐ-CP ngày 25/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã “chốt” thời hạn bàn giao doanh nghiệp cho SCIC tối đa là 180 ngày kể từ ngày doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Thương vụ thoái vốn của SCIC tại Vinamilk được Diễn đàn M&A 2018 vinh danh "Thương vụ tiêu biểu Nhất thập kỷ" 

Thực trạng này dẫn đến việc hiện nay có rất nhiều đầu mối triển khai việc thoái vốn nhà nước, bao gồm SCIC và các bộ ngành, địa phương, vốn không coi việc thoái vốn là một chức năng, nhiệm vụ chính của mình.

Việc phân mảnh thoái vốn nhà nước như vậy, theo ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới (World Bank) không phải là thông lệ tốt trên thế giới. Chuyên gia này cho rằng, để công tác thoái vốn đạt hiệu quả cao, cần thực hiện chuyên nghiệp, bài bản theo các quy trình chặt chẽ và phù hợp với các diễn biến thị trường cũng như sự vận động, các quy tắc của sàn giao dịch chứng khoán.

Thực tế cho thấy, nắm bắt được sức cầu trên thị trường, đặc biệt từ các nhà đầu tư lớn là yếu tố vô cùng quan trọng trong các thương vụ thoái vốn nhà nước. Với những đề bài mà bên bán đưa ra, nếu không đo đếm được khả năng hấp thụ từ thị trường, thương vụ có khả năng thất bại. Thời gian qua, đã có khá nhiều đợt bán vốn nhà nước ở các doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả do các bộ ngành triển khai diễn ra không thành công do thiếu tính chuyên nghiệp về phía người thực hiện.

Chuyên nghiệp hóa để tối đa giá trị thu về từ thoái vốn

Với mô hình quản lý vốn nhà nước tập trung đang được áp dụng tại SCIC, sau khi tiếp nhận chuyển giao, SCIC sẽ tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết sẽ thực hiện tái cấu trúc tài chính và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tối ưu hóa giá trị phần vốn nhà nước khi triển khai thoái vốn.

Ở những doanh nghiệp đầu ngành, trong vai trò cổ đông lớn, SCIC đã tham gia, đóng góp nhiều vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, từ đó góp phần gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho công tác thoái vốn.

Để có những thương vụ thoái vốn thành công, có nhiều yếu tố cần phải lưu ý. Đơn cử như việc làm thế nào để cung và cầu gặp nhau, quy trình thoái vốn thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đợt thoái vốn, dẫn đến xuất hiện cạnh tranh về giá, giúp giá bán trung bình cao hơn cho Nhà nước.

Việc xây dựng một quy trình bán vốn chi tiết, chặt chẽ, khoa học, xóa đi những lo ngại về những lỗ hổng có thể gây thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình bán vốn cũng vô cùng quan trọng.

Thực tế cho thấy, những yêu cầu trên được thực hiện khá tốt trong các đợt bán vốn nhà nước của SCIC. Bên cạnh quy trình bán vốn được cụ thể hóa rõ ràng, Tổng công ty đặc biệt chú trọng đến việc định giá doanh nghiệp và công bố thông tin về các đợt bán vốn minh bạch, rộng rãi để nhiều nhà đầu tư có thể tham gia.

SCIC cũng tiên phong trong việc đề xuất nhiều phương thức tiên tiến, phù hợp với thông lệ thị trường, nhằm đem lại hiệu quả tối ưu cho Nhà nước, đơn cử việc đấu giá lô lớn, chào giá cạnh tranh và hiện đang xây dựng đề xuất phương thức dựng sổ.

Ngoài ra, một số cơ chế tạo điều kiện hơn cho các nhà đầu tư tham gia đấu cũng đã được SCIC đã chủ động đề xuất với các cơ quan nhà nước và được phép áp dụng như miễn chào mua công khai, cho phép đặt cọc bằng ngoại tệ… Nhà đầu tư được phép nộp mã số giao dịch muộn (gia hạn nhiều nhất 15 ngày sau ngày thanh toán).

Nhà đầu tư có thể đặt cọc bằng USD, giao dịch ký quỹ có thể được thực hiện ở tất cả các ngân hàng được cấp thẩm quyền (trước đây chỉ có thể đặt cọc bằng VND). Nhà đầu tư chỉ cần chuẩn bị 100% giá trị giao dịch vào ngày thanh toán vì tiền đặt cọc cũng là một phần của thanh toán (năm 2016, nhà đầu tư phải chuẩn bị 110% giá trị thanh toán và được hoàn lại 10% sau khi giao dịch hoàn tất).

Trong hơn 10 năm qua, SCIC đã triển khai bán vốn nhà nước tại hơn 900 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại hơn 800 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại gần 100 doanh nghiệp) và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với giá vốn là 8.084 tỷ đồng, thu về 27.999 tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá vốn).

Trong danh sách các thương vụ M&A tiêu biểu năm 2017-2018 và các thương vụ thập kỷ trong 10 năm qua, hai thương vụ thoái vốn của SCIC tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh và Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã được Diễn đàn M&A Việt Nam vinh danh.

Ở thương vụ thoái vốn tại Nhựa Bình Minh, SCIC thông báo bán 24,1 triệu cổ phần, tương đương 29% vốn điều lệ của Công ty, 241 tỷ đồng mệnh giá vào tháng 3/2018. Nhựa Bình Minh là một trong những doanh nghiệp niêm yết lớn thuộc danh mục của SCIC và là doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất ống nhựa công nghiệp của Việt Nam, có vốn điều lệ 818,6 tỷ đồng.

SCIC đã chào bán thành công lô cổ phiếu trên với mức giá 96.500 đồng/cổ phần, cao gấp 9,6 lần mệnh giá và cao hơn 16,7% so với mức giá đóng cửa tại ngày chào bán. Nhà đầu tư mua toàn bộ lô cổ phần trên là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd, công ty con của Tập đoàn Siam Cement Group (Thái Lan).

Không chỉ ở khía cạnh giá trị đem về cho Nhà nước, thương vụ còn được đánh giá là thành công khi Nawaplastic hiện đang là cổ đông chiến lược hoạt động cùng ngành với Nhựa Bình Minh, có thể hỗ trợ tích cực cho Công ty trong quá trình phát triển tiếp theo.

Trước đó, thương vụ bán vốn tại Vinamilk diễn ra cuối năm 2017 cũng được đánh giá cao nhờ việc thực hiện chuyên nghiệp, bài bản. Tổng giá trị thu về đạt xấp xỉ 500 triệu USD, cao hơn nhiều so với giá thị trường. Đây cũng là thương vụ M&A có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2017.

Tại các cuộc họp gần đây, lãnh đạo Chính phủ đều thể hiện thông điệp nhất quán rằng sẽ quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành mục tiêu bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, mở rộng không gian cho các thành phần kinh tế phát triển.

Để vượt qua những thách thức đang làm chậm tiến trình này, cũng như đem lại lợi ích tối ưu cho Nhà nước, giới chuyên gia nhìn nhận rằng, những mô hình bán vốn chuyên nghiệp, hiệu quả như SCIC rất cần được tham khảo và nhân rộng. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác chuyển giao các doanh nghiệp đang do bộ chủ quản, địa phương nắm giữ về SCIC để đơn vị này thực hiện bán vốn, đảm bảo hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.                

Tin bài liên quan