Nhưng niềm vui khi đó thì khó lòng đong đếm, bởi câu chuyện dệt tơ sen thành sản phẩm đã trải qua cả hành trình gian nan, từ khi đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh nhen nhóm ý tưởng mang nghề dệt tơ sen về Việt Nam.
Tôi biết ơn rất nhiều người
Chặng đường khoảng 50 km từ nội thành Hà Nội ra ngoại thành, đến nhà nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận ở thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức không đủ để bà Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) kể hết hành trình quyết mang nghề dệt tơ sen về Việt Nam của bà và sự góp sức của biết bao người khác nữa.
“Vốn rất yêu hoa sen - với tôi, đây là loài hoa xứng đáng là Quốc hoa của Việt Nam - nên vào năm 2012, khi nghe VTV giới thiệu về nghề dệt lấy nguyên liệu từ tơ của cọng sen ở Myanmar, tôi lập tức bị thu hút”, bà Khánh mở đầu câu chuyện.
Nhưng thông tin từ bản tin quá ít ỏi, lên mạng tìm hiểu cũng không có là bao. Bà Khánh không nản. Chia sẻ sự quan tâm với lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (nơi bà Khánh công tác) cùng nhiều cơ quan khác..., bà đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.
“Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ đạo cấp dưới đến làng nghề dệt tơ sen của Myanmar ghi hình tư liệu gửi cho tôi. Năm 2015, tại Hội nghị song phương giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Myanmar, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã đề nghị Chính phủ Myanmar tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thúc đẩy hợp tác giữa Myanmar - Việt Nam trong việc nghiên cứu sản xuất sợi tơ sen”, bà Khánh xúc động nhớ lại sự quan tâm của vị lãnh đạo Chính phủ.
Sau đó, bà Khánh cùng Viện Kinh tế sinh thái (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống sen tại Việt Nam” trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm từ Myanmar.
Trong Chương trình hành động của đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021, đại biểu tái cử Trần Thị Quốc Khánh cũng nêu nhiệm vụ phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài “sản xuất sợi từ tơ sen”.
“Biết là rất khó khăn, nhưng tôi nghĩ việc này không chỉ góp phần tạo thêm một nghề mới, tăng thu nhập cho người phụ nữ, nông dân còn nhiều khó khăn ở nông thôn, mà còn góp phần thu gom, tái chế chất thải loại (cuống sen) để bảo vệ môi trường. Mặt khác, thành công của đề tài sẽ tạo ra nguyên liệu và sản phẩm mới của quốc gia hoàn toàn từ thiên nhiên, thân thiện môi trường”, nữ đại biểu chia sẻ.
Nhưng, từ ý tưởng đến hiện thực là cả một chặng đường gian nan, vì không dễ tìm được người có đủ nhiệt thành và tay nghề để “bắt” cây sen nhả ra tơ, chứ chưa nói đến dệt nên sản phẩm. Chỉ đến khi gặp được nghệ nhân Phan Thị Thuận, thì ý tưởng của bà Khánh mới dần thành hiện thực.
Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia có nghề “dệt vải từ tơ sen” (trước đó có Myanmar, Nhật Bản, Italia, Pháp, Campuchia).
“Để có được điều này, tôi phải cảm ơn nhiều người, đặc biệt là nghệ nhân Phan Thị Thuận”, bà Khánh bày tỏ.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận lấy tơ từ cọng sen |
Ước mơ đem hàng Việt ra thế giới
“Đầu năm 2017, cô Khánh (đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - PV) về thăm Công ty (Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, bà Thuận là người đại diện pháp luật - PV) tặng tôi chiếc cốc in bản đồ hình chữ S có in thơ, tôi rất nhớ hai câu: Sao cho đất Việt sáng tên/Sao cho dân Việt bình yên mọi bề. Là người yêu đất nước, tôi nghĩ quê hương mình rất nhiều tiềm năng, chỉ có điều có biết khai thác hay không. Và để người dân Việt ‘bình yên mọi bề’, thì mọi người cần có việc làm và thu nhập ổn định. Vì thế, tôi nhận lời với cô Khánh là tôi sẽ làm tơ sen. Nhưng tôi ‘mặc cả’ là cô phải giúp tôi tiêu thụ sản phẩm tơ tằm, thì tôi mới chuyển sang làm tơ sen được”, bà Thuận kể.
Thời điểm đó (năm 2017) cái tên Phan Thị Thuận đã nổi đình, nổi đám trong giới sản xuất, kinh doanh tơ lụa bởi phát kiến biến tằm thành thợ dệt.
“Tôi luôn ước mơ đưa sản phẩm tơ tằm thuần Việt ra thế giới, dòng chữ Silk4world trên bao bì sản phẩm của Công ty mang ý nghĩa này”, nữ nghệ nhân chia sẻ.
Thế nhưng, làm sao để tơ lụa Mỹ Đức sang Mỹ, sang Đức lại là bài toán chẳng hề đơn giản. Ngày này qua ngày khác, bên nong tằm, bà chợt nghĩ, tại sao lại không nghĩ cách biến những con tằm thành thợ dệt?
Đóng cửa phòng nuôi tằm để tập trung suy nghĩ, bà Thuận sắp xếp không gian, hàng lối rồi “huấn luyện” hàng ngàn con tằm nhả tơ theo ý mình, thành tấm kén phẳng, độ liên kết không một máy móc nào có thể làm nổi. Nấu ba tiếng rưỡi trong nồi, sản phẩm không co ngót, không vón cục mà mềm mịn, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Hơn chục triệu đồng một tấm chăn do tằm tự dệt, nhưng bà Thuận chẳng bao giờ lo ế hàng.
Lẽ thường, con tằm được nuôi 20 ngày sẽ nhả tơ, rồi con người phải quay thành sợi, đánh ống, mắc cửi, vào co... để dệt thành lụa. Mà để dệt được sản phẩm cao cấp, thì cần thợ bậc cao, máy móc đắt tiền và mọi công đoạn đều phải hết sức nghiêm ngặt. Giờ, con tằm biến thành thợ dệt, không những sản phẩm tuyệt vời hơn, mà sức người, chi phí cũng bớt đi đáng kể.
Năm 2015, bà Thuận được nhận Giải thưởng Bông Lúa Vàng về giải pháp sáng tạo mền bông do người điều khiển con tằm tự dệt. Và sản phẩm của bà đã ra khỏi biên giới Việt Nam, như bà từng mơ ước.
“Còn phải sáng tạo nhiều lắm”
Biến tằm thành thợ dệt có thể coi là việc rất khó, song đã không làm khó được sức sáng tạo của nghệ nhân Phan Thị Thuận. Nhưng tơ sen lại là một đỉnh cao khác, ít nhiều từng làm khó người phụ nữ đã qua tuổi 60.
“Bắt tay vào làm, tôi thấy khó lắm, sợi tơ tằm là do con tằm nhả ra, còn tơ sen mình phải tự "nhả" từ cọng sen, mà sợi tơ thật mảnh, thật bé, lấy được không hề dễ chút nào. Nhưng cứ nghĩ bông sen đứng thẳng được giữa hồ chính là nhờ những sợi tơ trong cuống hoa, nên tôi tin vào độ bền chắc của nó”, bà Thuận kể.
Khó và hoàn toàn xa lạ, nên chẳng mấy ai tin là bà Thuận sẽ làm nên “cơm cháo” gì với nghề mới này. Rồi bà cũng thành công với việc bắt cọng sen nhả tơ. Nhưng, trung bình cần 2 tấn rưỡi cọng sen mới rút được 1 kg tơ sen, sau đó lại phải cho lên máy se thêm, rồi phơi khô. Tất cả các công đoạn này phải đúng kỹ thuật thì sợi tơ mới đủ tiêu chuẩn để dệt thành sản phẩm, vì thế giá thành rất cao.
Sản phẩm đầu tiên từ tơ sen được trình làng còn thô mộc lắm, có một vị đã nhận xét "sao như cái mớ rửa bát thế này", bà Khánh kể. Nhưng với công sức của nghệ nhân Phan Thị Thuận, dần dần sợi tơ sen đã trở nên mềm mịn, quàng chiếc khăn tơ sen vào người cảm nhận được ngay sự ấm áp, và cả sự an tĩnh.
Tháng 3/2019, cán bộ Văn phòng Chính phủ gọi điện cho đại biểu Khánh trao đổi đặt hàng nghệ nhân Phan Thị Thuận chuẩn bị sản phẩm khăn dệt từ tơ sen phục vụ chuyến công tác của Thủ tướng Việt Nam và phu nhân tại cuộc họp với các nước G20 và thăm Nhật Bản.
“Khi cô Khánh nói làm sản phẩm để Thủ tướng mang đi làm quà tặng, tôi nghĩ khó lắm, làm sao mà làm được, nhưng Thủ tướng đã quan tâm thì mình phải cố, ngày đêm tìm mọi cách để không có nhiều thì phải có ít, cuối cùng cũng làm được khăn quàng từ tơ sen để Thủ tướng mang đi”, bà Thuận nói về lần đầu tiên “bán hàng” cho Thủ tướng.
Nghe đại biểu Khánh nhắc lại chuyện vội mang khăn lên Văn phòng Chính phủ mà hai chân xỏ vào hai chiếc dép hai màu khác nhau, nghệ nhân Phan Thị Thuận hồn nhiên nhận mình là nghệ nhân "chân đất", nhưng ước mơ đưa sản phẩm đi khắp thế giới thì luôn cháy bỏng.
“Khi đó, khăn chỉ thêu một mặt và nhỏ hơn lần mới đây làm cho Thủ tướng, lần này thêu hai mặt, toàn bộ chỉ thêu cũng làm từ tơ sen và được nhuộm màu tự nhiên”, bà Thuận vừa nói vừa mang mẫu khăn mới ra khoe.
“Năm nay, tôi mới làm được 3 cái như thế này thôi, một cái được tặng Thủ tướng Hunggary, một cái tặng Phu nhân Thủ tướng Hàn Quốc và một cái tặng Đại sứ quán Hàn Quốc, tôi nghe cán bộ Văn phòng Chính phủ bảo thế”, bà Thuận nói tiếp.
Hỏi năm nay đã bán được bao nhiêu khăn quàng tơ sen, bà Thuận không nói con số, mà cho biết, mỗi năm chỉ lấy được khoảng 30 kg tơ sen; một người phải mất 2 tháng mới làm xong một chiếc khăn cỡ 36 cm x 1, 8 m, giá bán từ 16 - 20 triệu đồng, làm được cái nào là tiêu thụ hết cái đó. Bà cũng đã sản xuất tranh thêu từ chất liệu tơ sen theo đặt hàng, với giá bán khoảng 20 triệu đồng/tranh.
“Còn phải sáng tạo nhiều lắm chứ chưa dừng ở đây. Tôi đang ấp ủ móc khăn nhỏ vấn đầu từ tơ sen, rồi làm áo choàng từ tơ sen kết hợp tơ tằm, và sẽ có thêm sản phẩm khác nữa để phục vụ nhu cầu hàng ngày”, bà Thuận cho biết.