49% cổ phần FE Credit đã thuộc về SMBC của Nhật Bản. Ảnh: Lê Toàn

49% cổ phần FE Credit đã thuộc về SMBC của Nhật Bản. Ảnh: Lê Toàn

Chuyện ngân hàng bán “gà đẻ trứng vàng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Né áp lực tăng vốn khi quy mô công ty tài chính đã quá lớn, dọn đường để bán cổ phần ngân hàng mẹ cho chính đối tác ngoại hay để tập trung vào mảng kinh doanh quan trọng hơn…, đó là những câu chuyện xung quanh việc bán công ty tài chính - vốn được xem là “gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng.

FCCOM: Đối tác là tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật?

Ngày 28/12/2021, MSB công bố thông tin HĐQT Ngân hàng thông qua nghị quyết về việc bán 100% vốn Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) cho đối tác nước ngoài. Theo giới thạo tin, MSB đang hướng tới không chỉ một đối tác, trong đó tiềm năng nhất là một tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật có tên gọi AEON. Dự kiến thương vụ bán FCCOM sẽ mang về 1.800-2.000 tỷ đồng cho MSB.

Cũng từ nguồn tin này, không phải đến bây giờ, mà từ nhiều năm trước, trong chiến lược phát triển lĩnh vực bán lẻ tại thị trường tiềm năng như Việt Nam, AEON đã nhắm tới mảng tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, cơ hội sở hữu giấy phép công ty tài chính tiêu dùng thời điểm đó rất khó khăn, trong khi chiến lược “buy now, pay later” (mua trước, trả sau) dành cho khách hàng vay tiền mua sản phẩm trong chuỗi bán lẻ của Tập đoàn đã có kế hoạch cụ thể.

Thực tế, từ giữa tháng 8/2019, tại cuộc gặp với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ở Hà Nội, ông Kenji Kawahara, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ tài chính AEON cho biết, AEON muốn tham gia vào thị trường tài chính của Việt Nam thông qua việc mua lại một công ty tài chính tiêu dùng nội địa.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 25/12/2021, Nikkei Asia đưa tin, AEON lên kế hoạch mở khoảng 100 siêu thị MaxValu tại Việt Nam vào năm 2025, tăng 25 lần so với con số 4 siêu thị ở Hà Nội hiện nay. Ông Soichi Okazaki, Giám đốc điều hành phụ trách kinh doanh Đông Nam Á của AEON cho biết: “Việt Nam là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược mở rộng ra nước ngoài của chúng tôi”.

Còn trong cuộc trao đổi với báo chí tại Việt Nam, Tổng giám đốc AEON Việt Nam khẳng định, AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm để phát triển mảng bán lẻ của Tập đoàn.

Giới thạo tin cũng cho biết, FCCOM vẫn đang “làm ăn được”, chỉ là lãi không lớn như kỳ vọng nên ông chủ muốn bán đi để dồn tiền cho lĩnh vực mang về nhiều lợi nhuận hơn mà thôi.

Hay như câu chuyện bán cổ phần Techcom Finance - một trong những thương vụ M&A lớn tại thị trường Việt Nam năm 2018, Lotte Card của Hàn Quốc đã chi gần 1.700 tỷ đồng để mua lại công ty tài chính này từ Techcombank.

Trước thời điểm Techcombank mua lại Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam (VCFC) và đổi tên thành Techcom Finance vào tháng 6/2015, lợi nhuận trước thuế năm 2014 của VCFC đạt gần 13 tỷ đồng, chỉ bằng 1/8 con số của năm 2013, nguyên nhân là công ty này phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 100 tỷ đồng, so với mức 470 triệu đồng của năm 2013.

Áp lực tăng vốn đối với những “con gà” quá to

Cuối tháng 10/2021, VPBank ra thông báo hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn. Được biết, giá trị thương vụ này là gần 1,4 tỷ USD, tương đương 30.000 tỷ đồng, được đối tác thanh toán 90% trong năm 2021, phần còn lại trả trong năm 2022.

Với khoản lợi nhuận lớn thu về, có thể hiểu vì sao trước đây nhiều ngân hàng bằng mọi cách phải sở hữu một công ty tài chính.

Trước câu hỏi liệu có phải “gà không đẻ được nhiều trứng vàng” nữa nên VPBank loại bỏ, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Câu chuyện ở đây là FE Credit quá lớn và đến một quy mô nào đó phải tăng thêm vốn, nếu không sẽ không phát triển tiếp được”.

Còn một chuyên gia tư vấn ví von: “Cho con gà ăn 1 kg thóc đẻ ra 3 quả trứng, nhưng khi ăn 5 kg thóc sẽ đẻ ra 50 quả trứng. Gia chủ thu về rất nhiều trứng so với số lượng thóc phải cho ăn, nên nếu không tiếp tục đầu tư để tăng vốn thì sẽ không có dư địa để cho vay nữa”.

Quả vậy, không tăng vốn thì tổng tài sản không tăng, dẫn đến không tăng được hạn mức cho vay, ví dụ như 15% của 100.000 tỷ đồng sẽ khác với 15% của 200.000 tỷ đồng. Tăng vốn luôn là thách thức rất lớn đối với các công ty tài chính, khi không được phép huy động vốn từ người dân, doanh nghiệp như ngân hàng, mà chỉ bằng hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ông chủ VPBank bán cổ phần tại công ty tài chính cho đối tác nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho VPBank củng cố năng lực tài chính, mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác và đặc biệt là “dọn đường” để Ngân hàng mẹ bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Thực tế, không chỉ bán vốn tại FE Credit, mà còn bán cả vốn của VPBank cho SMBC là “thông tin mật” mà ai cũng biết.

“Bán cổ phần tại công ty tài chính, đơn giản chỉ là hy vọng của những ông chủ muốn có tiền nhưng chịu áp lực tăng vốn đối với những “con gà” quá to thực sự không hề dễ dàng”, TS. Nghĩa nói.

Lợi nhuận lớn không bỗng dưng đến

SHB vừa ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Tài chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).

Theo thỏa thuận, SHB sẽ chuyển nhượng trước 50% vốn SHB Finance cho Krungsri và phần còn lại được chuyển nhượng sau 3 năm. Tính đến cuối năm 2020, vốn điều lệ của SHB Finance được công bố là 1.000 tỷ đồng, do SHB sở hữu toàn bộ.

Việc thanh toán cũng được chia thành 2 đợt, thời gian và giá trị thanh toán tương ứng với lượng cổ phần nhận chuyển nhượng sau mỗi đợt. Tuy giá trị thương vụ không được SHB tiết lộ, nhưng chia sẻ trên tờ Nikkei Asia, đại diện của Krungsri cho biết, ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht để mua lại SHB Finance, tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng.

Câu chuyện tại SHB Finance được giới tư vấn cho biết, ông chủ thực của công ty tài chính này có nhiều hoạt động kinh doanh cần quan tâm hơn như ngân hàng, bất động sản…, trong khi vận hành một công ty tài chính đòi hỏi phải sát sao hơn. Do đó, việc bán SHB Finance và thu về khoản lợi nhuận lớn phục vụ cho mục tiêu quan trọng hơn là một lựa chọn đúng đắn.

“Các công ty tài chính nếu được ví là con gà đẻ trứng vàng thì khi thấy trứng đẻ ra không như mong muốn thì ông chủ sẽ bán gà cho chủ mới để được ‘ép’ đẻ nhiều trứng vàng hơn. Với khoản lợi nhuận lớn thu về, có thể hiểu vì sao trước đây nhiều ngân hàng bằng mọi cách phải sở hữu một công ty tài chính”, một chuyên gia tư vấn nhận định.

Thông tin chưa được kiểm chứng, sau khi “vượt mặt” TPBank trong buổi đấu giá Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF), SeA Bank đã “nhường” cổ phần đang sở hữu tại Công ty Tài chính Handico (HAFIC) cho TPBank. Mặc dù chưa mua được toàn bộ vốn HAFIC do Nhà nước vẫn nắm cổ phần, nhưng về cơ bản hoạt động của HAFIC do TPBank điều hành và lợi nhuận năm 2021 của HAFIC được dự báo tăng gấp đôi năm 2020.

Tin bài liên quan