Dư nợ margin cao luôn là “hòn đá tảng” đè nặng khi thị trường điều chỉnh

Dư nợ margin cao luôn là “hòn đá tảng” đè nặng khi thị trường điều chỉnh

Chuyện margin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Sự hồi phục của VN-Index vào những phiên cuối tuần qua giúp không ít nhà đầu “thở phào”, nhưng câu chuyện giao dịch ký quỹ (margin) vẫn còn nhiều dư âm.

Áp lực bán gia tăng

Đầu tuần qua, thông tin tổng hợp từ báo cáo tài chính quý II/2024 của các công ty chứng khoán cho thấy, tổng dư nợ margin đạt mức đỉnh mới gần 230.000 tỷ đồng, cao hơn mức dư nợ đỉnh điểm của thị trường hồi đầu năm 2022, đã tác động không nhỏ đến tâm lý thị trường.

Nửa đầu tuần, nhiều nhà đầu tư giao dịch trong âu lo, thậm chí hoang mang khi VN-Index liên tục giảm, xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.240 điểm, có lúc về dưới 1.220 điểm. Nhà đầu tư lo ngại hiệu ứng “tuyết lở” xuất hiện, trong bối cảnh dư nợ margin cao, áp lực phải bổ sung tài sản ký quỹ (call margin) tăng.

Tuần trước đó, thị trường giảm 4/5 phiên, tính chung cả tuần giảm gần 16 điểm, nếu không nhờ diễn biến có phần tích cực của nhóm ngân hàng thì có lẽ chỉ số đã giảm sâu hơn.

Áp lực bán tập trung vào nhóm vốn hoá trung bình và nhỏ, nhất là các mã có thông tin kết quả kinh doanh quý II/2024 không như kỳ vọng.

Thị trường càng giảm, áp lực call margin càng tăng. Một số môi giới kỳ cựu cho biết, những lúc thị trường bị bán “rát” chủ yếu là lực bán giải chấp đối với các nhà đầu tư sử dụng dịch vụ vay margin với tỷ lệ cao. Một số nhà đầu tư cá nhân bị “cháy” tài khoản.

Ghi nhận tâm lý trong không ít hội nhóm đầu tư, thông tin margin quý II/2024 lập đỉnh được công bố đúng lúc thị trường đang giảm mạnh và có hiện tượng call margin, khiến họ hoảng loạn về mặt tâm lý, nỗi sợ lặp lại như hồi tháng 10/2022. Họ liên tục nghe ngóng, tìm hiểu xem áp lực bán margin tới đâu, bán chính nhóm cổ phiếu nào, tới khi nào thì ngừng..., nhưng thị trường không có dữ liệu cụ thể.

Bản thân các nhân sự làm ở công ty chứng khoán cũng không nắm được con số chi tiết về margin trên thị trường theo từng thời điểm, mà cuối mỗi quý mới có. Tuy nhiên, nhờ mạng lưới network (kết nối), mỗi nhân sự có thêm một chút thông tin về nhóm này hay mã kia vẫn đang còn áp lực bán. Khi thông tin này được chia sẻ với tình trạng “tam sao thất bản” hoặc bị “thổi phồng” có chủ đích, giá cổ phiếu có thể giảm mạnh hơn.

Đây là vấn đề tồn tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam - thông tin về đòn bẩy không được công bố theo ngày giao dịch, mà phải chờ hết 1 quý mới có, khi đó tính thời sự của thông tin khác đi rất nhiều.

Margin tăng không đáng lo, nhưng cần lưu ý về “kho”

Khi VN-Index mất ngưỡng hỗ trợ 1.240 điểm, nhiều nhà đầu tư lo ngại hiệu ứng “tuyết lở” xuất hiện, trong bối cảnh dư nợ margin cao, áp lực phải bổ sung tài sản ký quỹ tăng.

Lịch sử cho thấy, những lần thị trường lao dốc là lúc các công ty chứng khoán, các bên cho vay thứ ba “bấm nút” call margin và force sell (bán giải chấp), càng khiến thị trường giảm sâu hơn. Những lúc như vậy, các thành viên thị trường hầu như không có số liệu tham khảo để đo lường về margin, tất cả đều chỉ là suy đoán.

Trong nhịp giảm vừa qua, một nhóm môi giới thảo luận với nhau về các con số quan trọng liên quan đến dòng tiền trên thị trường như số dư tiền gửi nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán giảm mạnh sau 4 quý tăng liên tiếp, về dưới mức 100.000 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2024. Trong khi đó, thanh khoản giảm mạnh ở nhiều phiên trong 2 tuần qua, bình quân chỉ đạt 12.000 - 13.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE, đặt ra nghi vấn một lượng tiền lớn đã “tạm nghỉ”, hoặc rút ra khỏi thị trường. Đặc biệt, dư nợ margin đang ở mức cao kỷ lục, đồng nghĩa với thị trường chứng khoán được nâng đỡ bởi tiền vay, còn lượng tiền “thật” ít đi.

Một diễn biến đáng quan tâm là động thái bán ròng kéo dài với giá trị lớn của nhà đầu tư nước ngoài, cần một lực lượng đối ứng để hấp thụ, trong đó có tiền vay của nhà đầu tư trong nước. Trên thực tế, thị trường có những nhịp hồi phục tốt trong nửa đầu năm nay, qua đó làm tăng sức mua, kích thích hoạt động đầu cơ sử dụng margin.

Theo các môi giới, rủi ro với margin đến từ những cổ phiếu có giá giảm trên 30% tính từ đỉnh sóng, gần đây nhất là nhóm bất động sản và một số cổ phiếu chứng khoán, một số cổ phiếu tăng cao tiêu biểu như nhóm công nghệ bị chốt lời, điều này làm giảm sức mua chung trên thị trường.

Vậy liệu margin ở vùng đỉnh có phải là “căng” margin, khiến thị trường giảm điểm? Câu trả lời được ghi nhận chung nhất là không. Nguyên nhân chính là do tiền vào thị trường yếu, chưa có yếu tố hỗ trợ mạnh để đi lên, trong khi thị trường sau đợt điều chỉnh hồi tháng 4 đã hồi phục tốt, nên động thái chốt lời ở giai đoạn này gia tăng. Tất nhiên, nếu thị trường giảm điểm sâu hơn sẽ kích hoạt call margin và force sell.

Hiện tại, thông tin từ nhiều công ty chứng khoán cho biết, dư địa cho vay margin còn nhiều, không bị “căng” như thị trường lo ngại. Giai đoạn 2021 - 2022, đa số công ty chứng khoán “full room margin” (cạn nguồn cho vay) khiến lượng cầu bị ảnh hưởng. Hiện nay, với năng lực vốn tăng cao nhờ tăng vốn điều lệ, tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý II/2024 ước đạt 90%, mức cao nhất trong 7 quý gần nhất, nhưng thấp so với giai đoạn VN-Index ở vùng đỉnh quanh 1.500 điểm và còn cách xa ngưỡng pháp luật cho phép (2 lần vốn chủ sở hữu).

Một số môi giới quản lý tài sản khách hàng lớn chia sẻ, dư nợ margin tăng chủ yếu là do có những cổ phiếu ngân hàng được cho vay margin nhiều và hoạt động repo chứng khoán của các doanh nghiệp tăng lên, chứ không phải nhà đầu tư nhỏ lẻ dùng nhiều vốn vay. Riêng 3 cổ phiếu ngân hàng đã sử dụng margin gần 1.600 tỷ đồng. Do đó, dư nợ margin toàn thị trường tăng không thực sự đáng lo ngại.

Mặc dù vậy, áp lực call margin là vấn đề cần lưu ý, vì không chỉ đến từ công ty chứng khoán, mà còn có các bên thứ ba cho vay (thường được gọi là “kho” - cho vay với danh mục nhiều hơn, tỷ lệ đòn bẩy cao hơn). Margin đến từ các “kho” chưa từng có con số thống kê chính xác, nhưng dư nợ có thể ở mức không nhỏ.

Các “kho” tồn tại vì có nhu cầu. Thay vì công ty chứng khoán chỉ được cấp margin cho nhà đầu tư theo danh sách được phép giao dịch ký quỹ mà Sở giao dịch phê duyệt, thì với các bên cho vay thứ ba, họ “thoáng tay và thoải mái hơn” về danh sách, về hạn mức và tỷ lệ đòn bẩy. Chính điều này góp phần thúc đẩy thị trường tăng điểm khi thuận lợi, nhưng là “hòn đá tảng” đè nặng khi thị trường điều chỉnh.

Sau tuần căng thẳng vì giảm điểm và margin, VN-Index đã lấy lại được ngưỡng 1.240 điểm. Theo đó, hành động của nhà đầu tư được khuyến nghị lúc này là canh mua các cổ phiếu tốt rơi về vùng giá hấp dẫn, vì thị trường có thể sẽ sớm tìm được điểm cân bằng, ổn định trở lại.

Tin bài liên quan