Chuyện lập nghiệp mỗi thời mỗi khác

Người thì lập nghiệp từ tay trắng, kiếm tiền vì mưu sinh; người thì khởi nghiệp với gia tài kế thừa kếch sù, kiếm tiền chỉ vì đam mê, nhưng điểm chung ở thế hệ doanh nhân 5X, 6x, 7x và lớp doanh nhân trẻ 8x, 9x là cống hiến hết mình vì nhiệt huyết của tuổi trẻ để làm giàu cho bản thân và  đất nước.

Những doanh nhân thế hệ 5X, 6X, 7X… nổi tiếng với những cách kiếm tiền khiến người khác phải nể

Những doanh nhân thế hệ 5X, 6X, 7X… nổi tiếng với những cách kiếm tiền khiến người khác phải nể

1 Đứng đằng sau những tên tuổi đình đám trên thị trường Việt Nam hiện nay như IPP Group, Thép Việt, Kinh Đô, Doji, Phú Thái, Biti’s, FPT, Vinamilk, Tôn Hoa Sen, Vingroup… là những ông chủ, bà chủ thuộc thế hệ 5x, 6x, 7x… Tầm nhìn, độ trải nghiệm, cơ hội từ bối cảnh thị trường, từ thể chế đã giúp họ có những cách kiếm tiền khiến người khác phải nể.

Ông Trương Gia Bình, sáng lập Tập đoàn FPT được mệnh danh là người thổi lửa, giữ lửa ở tập đoàn công nghệ số một Việt Nam suốt hơn 25 năm qua. Ông Bình đã chinh phục mọi người bằng trí tuệ và năng lực vô cùng đặc biệt, bằng tư tưởng và tầm nhìn tuyệt vời. Sau khi đã khẳng định vị thế trong nước, ông tiếp tục đưa FPT ra toàn cầu. Đó là khát vọng trong trái tim ông, không chỉ nhằm thoát khỏi nghèo hèn cho cá nhân mà cho cả dân tộc Việt. Khát vọng đó được hình thành từ năm tháng ông đi du học và chịu sự khinh rẻ vì là người Việt Nam.

Trong khi đó, cảm xúc của ông Jonathan Hạnh Nguyễn khi lần đầu tiên ngồi trên máy bay về Việt Nam năm 1995 là buồn vì thấy các nóc nhà chỉ một màu xám ảm đạm, mái tôn gỉ sét, mái ngói bạc màu. Lúc đó, ông ước mơ sẽ làm cho các mái nhà tươi sáng lên và đó là nguyên cớ để ông quyết định thành lập nhà máy sản xuất sơn TOA tại Việt Nam năm 1995.

23 tuổi, Jonathan Hạnh Nguyễn sang định cư tại Philippines, sau đó sang Mỹ du học và trở thành thanh tra tài chính của Hãng Boeing (Mỹ). Trở lại Việt Nam khi đất nước còn nghèo, ông muốn mình phải làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống. Sau một thời gian làm đúng chuyên ngành, ông quyết định chuyển sang kinh doanh. Lúc ấy, cơ hội kinh doanh không thiếu, trải đều ở các lĩnh vực thương mại, hàng miễn thuế tại sân bay, nhượng quyền thương hiệu trong ngành thức ăn nhanh…

Còn đối với doanh nhân Phạm Thị Việt Nga, sự nhiệt huyết, cống hiến và trung thành đã giúp người phụ nữ đi lên từ cách mạng, từ quá khứ hào hùng thay đổi tư duy và chiến lược ở một doanh nghiệp đậm chất “nhà nước” và đưa Công ty Dược Hậu Giang từ bờ vực phá sản thành “cánh chim đầu đàn” của ngành dược Việt Nam.

Chuyện lập nghiệp mỗi thời mỗi khác ảnh 1

Thế hệ trẻ rực cháy đam mê cống hiến
 

Thuộc thế hệ doanh nhân 6x, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk từng là sinh viên Khoa piano của Nhạc viện Hà Nội, nhưng vì nghèo, ông buộc phải chuyển sang kinh doanh để kiếm tiền giải quyết cuộc sống. “Chúng tôi thuộc thế hệ không được chọn lựa. Nhưng tôi không nuối tiếc, bởi nuối tiếc là vượt qua khỏi tầm kiểm soát. Trở thành doanh nhân, tôi vừa có thể làm ra tiền, vừa có thể thưởng thức âm nhạc bất cứ khi nào mình thích”, ông Khải chia sẻ.

Còn nhiều tên tuổi doanh nhân khác trưởng thành từ thời kinh tế mở cửa. Họ thừa nhận, sự nghiệp kinh doanh của họ chủ yếu dựa trên cơ hội. Đây là điểm khác biệt với lứa doanh nhân trẻ hiện nay. Giờ đây, muốn thành danh, giới trẻ 8x, 9x không thể chỉ dựa trên cơ hội mà phải có chiến lược, tầm nhìn dài hạn.

2 Thế hệ doanh nhân trẻ bây giờ cũng có người từ tay trắng đi lên, bên cạnh không ít người khởi nghiệp từ gia tài thừa kế. Nhưng dù tài chính nhiều hay ít, họ đều có cái nhìn giống nhau về cách kiếm tiền và nhận thức sâu về ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, họ mong muốn làm gì đó để cống hiến cho xã hội, thể hiện đam mê và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nguyễn Văn Vũ, Trưởng nhóm sinh viên Học viện Nông nghiệp (nhóm đã đạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp 2014 với Dự án Công ty Giống cây trồng tiên tiến A-Seedling) chia sẻ, Dự án của họ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất và cung cấp số lượng lớn các loại cây giống chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng Tây Bắc. 60% vốn thực hiện Dự án là do các thành viên trong nhóm tích cóp được từ đi làm thêm, tự kinh doanh, học bổng, hay vay mượn từ bạn bè, người thân.

“Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, chúng tôi thực hiện Dự án xuất phát từ tình yêu nông nghiệp. Với niềm đam mê trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi mong muốn được đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước và trên hết muốn được làm chủ cuộc đời mình, làm những công việc mình thực sự yêu thích”, Vũ chia sẻ và cho biết, ước mơ của họ đã được chắp thêm cánh, khi Dự án Công ty Giống cây trồng tiên tiến A-Seedling đã được nhiều nhà đầu tư như Ngân hàng TMCP Bắc Á, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ông Triệu Văn Dương, Chủ tịch HĐQT Trường Doanh nhân PTI… cam kết rót vốn.

Không phải chịu áp lực về tài chính, song những ông chủ trẻ được thừa hưởng gia sản kếch xù cũng không thấy nhẹ nhõm hơn. “Nếu được chọn, tôi vẫn thích là người khởi nghiệp hơn kế thừa, vì người khởi nghiệp có thể nhấc bổng quả tạ theo sức lực và khả năng, còn người kế thừa thì phải vác quả tạ quá sức”, Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty Minh Long 1 - con trai của ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ.

Còn Nguyễn Ngọc Thái Bình, con cả nữ tướng Nguyễn Thị Mai Thanh của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) luôn xác định mình là người làm thuê chuyên nghiệp. Bình cho rằng, để REE có thể tồn tại và phát triển dưới thời của anh, thì cần một cơ chế dân chủ với hệ thống và quy trình làm việc rõ ràng. Trong khi đó, trong suy nghĩ của Nguyễn Duy Chính, chính thức nhậm chức Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành đầu năm 2015, dù gánh trên vai trọng trách ghê gớm liên quan đến sản nghiệp nghìn tỷ đồng, nhưng anh luôn muốn nuôi dưỡng niềm tin, ước mơ của tuổi trẻ…

Như vậy, nếu những ông chủ thế hệ 5x, 6x lao vào kinh doanh vì cuộc sống mưu sinh, thì thế hệ sau lại vì đam mê, vì cuộc sống đẹp, ý nghĩa hơn. Theo các chuyên gia quản trị chiến lược, cả hai động cơ kiếm tiền này đều ổn, nhưng cuối cùng, cái đích chính của kinh doanh đều là hiệu quả tài chính.

3 “Truyền lửa” là điều ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco muốn làm cho thế hệ doanh nhân trẻ. “Lửa” ở đây là trí tuệ, sức sống, ý chí, tâm huyết để giúp thế hệ doanh nhân trẻ có được những gì mà ông Tiền từng có để giúp họ giữ được những gì đang có và làm xuất sắc hơn.

Còn bà Phạm Thị Việt Nga (Dược Hậu Giang) cho rằng, Việt Nam đang xuất hiện thế hệ doanh nhân vàng. Họ mang tinh thần nhạy bén, có trình độ chuyên môn, có nhiều cơ hội tiếp cận sự phát triển của khoa học - công nghệ, được học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của nhau. điều bà Nga cần ở họ là hãy làm việc bằng cả tấm lòng và nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Trong khi đó, ông Jonathan Hạnh Nguyễn ví chuyện lập nghiệp của các ông chủ trẻ hiện nay như bàn tay 5 ngón. Khi sinh ra, mỗi người có một năng khiếu, thế mạnh riêng và họ sẽ thành công nếu xác định được thế mạnh của mình cùng với chuyên môn sâu trong lĩnh vực đó. “Con đường dẫn đến thành công của họ có thể ngắn hay dài khác nhau, nhưng không thể thiếu sự chăm chỉ, kiên trì đeo bám”, ông Jonathan Hạnh Nguyễn nói.

Chia sẻ về câu chuyện truyền lửa, bản thân ông Trương Gia Bình cho rằng, thế hệ đi trước đã mắc sai lầm khi dành trọn tình yêu cho con cái, để rồi đói khổ nhận hết về mình để tránh cho con những vấp ngã, nỗi cực khổ, vất vả. “Những người trẻ như thế không thể vững vàng trong cuộc sống được. Cuộc sống phải là sống thật, có tốt, có dở, có thiện, có ác và phải trải nghiệm”, ông Bình nói.

Tin bài liên quan