Tình chung cư
Anh bạn tôi có hai cậu con trai, thằng lớn hơn thằng bé chừng 3 tuổi. Thấy tôi tò mò, hắn bảo: “Các buổi chiều, buổi tối hay những lúc không bị quản lý là bọn chúng lại thập thò, gọi nhau í ới. Cũng chỉ loanh quanh mấy nhà hay khu hành lang thôi, chơi và trông nhau ông ạ. Chẳng khác gì bọn mình ngày bé, có khác cái là không gian sinh hoạt của bọn nó giờ hạn hẹp hơn thôi”.
Trong bữa cơm nhà bạn, mấy đứa trẻ hàng xóm sang chơi và chúng chào người lớn, chào khách rất lễ phép. Rồi cùng nhau xem hoạt hình hay chơi máy tính. Tự nhiên như trẻ, nhưng cũng rất biết ý để tuân thủ những nội quy quy định của chủ nhà. Có vẻ như vợ chồng anh bạn tôi cũng thoải mái và giao quyền nhất định cho bọn trẻ. Lần này tôi lại thấy câu các cụ vẫn nói: “Yêu trẻ, trẻ đến nhà” rất đúng.
Ngày bé, mỗi lần ra Hà Nội tôi thích lắm, thích y như giờ cu tý nhà tôi được bố cho đi công viên. Có điều, ngày bé, ra Hà Nội chỉ được một hai hôm là cùng, vì ngoài những lúc được đi sở thú, xe điện, ăn que kem, bát phở ra, là về nhà dì tôi ở khu C2 Giảng Võ, lại chỉ có vài người lớn và tôi là đứa trẻ duy nhất. Hơn nữa, cái tính trẻ lại hay lạ nhà, nhớ nhà. Sau vài ngày chơi, y rằng về quê được chạy nhảy trên đê, trên sông với đám bạn thả trâu bò vẫn là thống khoái nhất.
Nói nghe hơi ngược đời, nhưng đô thị hóa mạnh, hơi thở đô thị phả vào nông thôn nhiều thế nào thì tôi nghĩ, nông thôn hóa thành thị cũng mạnh mẽ như thế, có điều hình thức thể hiện không quá ồn ào như chiều kia mà thôi.
Với văn hóa chung cư, quan sát tại nhiều khu dân cư tôi thấy, các chủ hộ cũng sống, đối đãi với nhau mang nhiều nét quê kiểng lắm. Từ anh bạn tôi ở khu nhà ở xã hội Ecohome (khu Thăng Long), cho đến chị đồng nghiệp cũ ở khu chung cư cao cấp Royal City, thi thoảng lại thấy khoe được hàng xóm cho mớ rau, nải chuối, quả bưởi hay con cá, đều là quà quê các cụ gửi cả. Cứ nhà nọ cho nhà kia sau mỗi dịp hành quân về với “chùm khế ngọt”. Đấy, ai bảo dân Hà Nội không có láng giềng, ai bảo dân Hà Nội khó gần.
Có lẽ một phần do nếp sống chung cư tạo nên, phần vì nhiều người trẻ tuổi suy nghĩ cũng thoáng, nhu cầu giao lưu, đối thoại lớn nên thế, nhưng tôi tin, thẳm sâu cũng bởi không ít thị dân là người từng ở quê ra, mang theo cả cái nét ứng xử văn hóa, láng giềng đến nơi, chốn mình ở, tạo nên không khí thân tình, ấm cúng tại các khu dân cư.
Hàng xóm, láng giềng tưởng chừng chỉ là quan niệm gắn với lũy tre làng thì nay đã lan ngược ra thành phố. Thậm chí, có vẻ như người phố còn khát khao quay về nguyên bản thôn quê
Rồi tại nhiều khu chung cư, người ta bầu ra các trưởng, phó tầng để đôn đốc công việc chung. Người ta lập ra các nhóm kín, nhóm hở để cùng nhắc nhở nhau xây dựng một cộng đồng văn minh, lịch sự. Một nhà ẩu đoảng xả rác bừa bãi, một chủ xe đỗ xe không đúng nơi quy định…, tất cả đều được nhắc nhở khéo trên các nhóm, hội của cư dân. Có không ít trường hợp điều qua tiếng lại gay gắt, nhưng cơ bản, nhiều nơi góp ý chân tình, tạo nên một cộng đồng biết nhìn nhau mà sống, biết có trách nhiệm hơn, cả với cá nhân và tập thể.
Quê bây giờ cũng khác quê xưa
Có bận, mấy anh em lại về quê anh bạn cách Hà Nội chừng 60 km. Đường xá bê tông, đèn điện sáng choang, nước sạch về tận bể từng nhà. Loa đài phát ra rả xây dựng nếp sống mới. Chẳng còn mấy dậu cúc tần hay dâm bụt nhấp nháy đỏ trong ánh hoàng hôn, thay vào đó là tường bao bằng gạch.
Trong làng, một đoạn lại thấy ô tô con. Nhiều ngôi nhà xây cổng to tướng. Nói ngoa, chẳng kém doanh trại là mấy. Anh bạn đi cùng tôi thốt lên: “Làng này giàu thật, ối nhà kín cổng, cao tường…”. Nói xong anh ta lại thở dài.
Nhà anh bạn tôi về cũng vậy. Cổng sắt to vật vã, tường bao cao phải hơn 2 m, đã thế, mặt trên còn cắm chi chít mảnh chai thủy tinh, sắc lẹm, lạnh lùng. Chưa hết, trong nhà con béc-giê ít cũng cỡ ba chục cân.
Tôi hỏi: Ở quê mà sao “phòng thủ” kinh thế?
Anh bạn cười: “Nhà còn hai ông bà già, cứ phải tính nước chắc ông ạ. Với lại, quê giờ cũng nhiễu lắm. Trộm cắp như rươi, chó thả rông thì chỉ một hai hôm là mất. Giờ nuôi chó trông nhà, nhưng mà mình cũng phải trông chó nữa…”.
Nghe chuyện anh bạn, tôi biết không phải ngoa, nhưng kể quê mà như thế thì cũng buồn thật, có khi còn chẳng thoải mái bằng phố.
Những hàng rào bằng dậu dâm bụt, cúc tần quấn đầy tơ hồng giờ như tuyệt chủng, thay vào đó, là những tường bao cao và sắc lẹm của thủy tinh. Nhìn mà tưởng cõi khác. Và dù rằng đó là vì sự an toàn của bản thân, gia đình, nhưng thú thực, nhìn những tường bao như thế, những cánh cổng to lừng lững, có phần uy nghi, bề thế, tôi lại thấy dường như cái tình làng, nghĩa xóm bị mai một đi nhiều.
Bữa trước đọc báo, tôi thấy người ta bảo, nhiều nước tiên tiến, người ta cấm nhà dân xây tường bao cao quá 60 cm. Vì sao ư? Vì để thoáng tầm nhìn, để cho nhà anh, nhà hàng xóm còn nhìn được mặt nhau, còn ngắm được luống hoa nhỏ xinh trong vườn nhà bên cạnh. Còn về an ninh, đó là trách nhiệm của cơ quan hành pháp.
Ờ, nghe cũng có lý, cơ mà nước họ ở xa lắm, lại khác nước ta mà lại.
Mới đây, tôi nghe thời sự, thấy ở nước Anh người ta vừa bổ nhiệm một bà Bộ trưởng Bộ Cô đơn, một chức trách chuyên giải quyết các vấn đề liên quan tới tình trạng sống cô độc của hơn 1/10 cư dân nước này. Và bà Thủ tướng Anh Therea May phải nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để chấm dứt tình trạng cô đơn. Đây đang là một thực tế buồn của đời sống hiện đại”.
Còn ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) lắm dầu, nhiều khí, người ta lại lập hẳn ra một bộ là Bộ Hạnh phúc để củng cố và thúc đẩy các chính sách của chính phủ để tạo dựng sự hài lòng của xã hội.
Trong bữa trà quê bạn, mấy anh em hay ăn cơm ngô nói chuyện thế giới chúng tôi cũng mang vấn đề này ra bàn luận. Câu chuyện rôm rả thấy rõ. Bữa đó, cả ông bà cụ thân sinh anh bạn cũng góp vui. Nhưng nhìn nụ cười phúc hậu của hai cụ, tôi lại tự hỏi, chỉ vài tiếng nữa, khi chúng tôi lên xe quay về Hà Nội, chẳng phải hai cụ lại lủi thủi cô đơn hay sao? Chẳng biết hai cụ có hạnh phúc không dù con cái chu cấp đầy đủ, sống trong cảnh nhà cao, cửa rộng và… có chó béc-giê.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com