Thích ứng thời công nghệ
Ứng dụng gọi xe Uber và Grab ngày càng được nhiều khách hàng lựa chọn do việc sử dụng đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng. Giờ đây, chỉ cần một smartphone có nối mạng internet và vài động tác click trên màn hình, người ta có thể có ngay một xế hộp với tài xế riêng sẵn sàng phục vụ, đặc biệt là có thể kiểm soát trước loại xe, tài xế, giá cước, thời gian chờ, không còn phải lo lắng hay bực dọc về việc gian lận cước của taxi truyền thống...
Điều này đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh lên các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh gia tăng. Các quy định được xem như bảo hộ cho ngành như điều kiện thành lập doanh nghiệp kinh doanh taxi mới bị xóa nhòa bởi sự phát triển của công nghệ thông tin.
Công nghệ cũng giúp những cuộc gặp gỡ, hội họp, đào tạo nội bộ, tiếp xúc dễ dàng, tiết kiệm hơn nhờ trực tuyến.
Bất ngờ trước xu hướng mới, nhưng cũng phản ứng hết sức nhanh chóng, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp - VNS) đã xây dựng ứng dụng Vinasun App. Được giới thiệu và thử nghiệm từ năm 2015, đến năm 2016, tất cả taxi của hãng đã được triển khai đại trà ứng dụng gọi xe và trang bị máy tính bảng và phần mềm kết nối với hệ thống điều hành.
Với các tính năng cung cấp cho khách hàng biển số xe, thông tin liên lạc của tài xế, ước lượng thời gian xe đến đón, quãng đường, giá cước, lộ trình di chuyển…, ứng dụng Vinasun App đưa tới khách hàng trải nghiệm tương tự với ứng dụng của Uber hay Grab, hoạt động song song với các kênh gọi taxi qua điện thoại, vẫy trực tiếp, giúp Vinasun tăng độ bao phủ, tăng sức cạnh tranh cả với taxi truyền thống và taxi công nghệ.
Câu chuyện đầu tư cho công nghệ thông tin của Vinasun chỉ là một trong nhiều câu chuyện về hướng đi của doanh nghiệp Việt nhằm thích ứng với thời đại công nghệ thông tin được ứng dụng vào mọi mặt của đời sống và việc mua hàng, đặt dịch vụ qua điện thoại, máy tính của người dân Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến. Hàng loạt doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện website thương mại điện tử.
CTCP Thế giới di động (MWG) sau khi thành công với thegioididong.com, đã tiếp tục cho ra đời vuivui.net từ cuối năm 2016. Website này gần như phân phối tất cả các mặt hàng từ công nghệ, thực phẩm, gia dụng, đồ dùng em bé… từ ba nhánh kinh doanh của MWG hiện nay là Thế giới di động, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh.
Adayroi.com, website bán lẻ do công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup (VIC) quản lý, được giới thiệu là mô hình đại siêu thị điện tử, "tất cả trong một", cung cấp nhiều ngành hàng đa dạng, từ hàng hoá giá trị lớn như bất động sản, đến các sản phẩm - dịch vụ phục vụ cuộc sống hàng ngày như thực phẩm, nhu yếu phẩm, thời trang, du lịch, điện tử, đồ gia dụng…
Hay Sendo.vn của CTCP FPT phân phối tổng hợp các ngành hàng: thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện công nghệ, đồ gia dụng, thực phẩm… cũng ngày càng được hoàn thiện và gần gũi hơn đến người tiêu dùng.
Hướng xây dựng website bán hàng trực tuyến du nhập vào Việt Nam từ lâu qua các công ty có vốn nước ngoài. Mặc dù với nhiều mặt hàng, nhất là sản phẩm điện tử - công nghệ, người tiêu dùng vẫn có xu hướng mua sắm trực tiếp hơn là đặt hàng từ xa, tuy nhiên, việc tham khảo, so sánh giá các sản phẩm dịch vụ qua internet trước khi quyết định mua hàng ngày càng trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng.
Thậm chí, dùng internet để kiểm tra các phản hồi của người tiêu dùng khác, đánh giá doanh nghiệp có bị tai tiếng gì trước đó không trước khi quyết định đã tạo nên sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt tại nhóm mặt hàng có tính phổ thông, khả năng thay thế cao.
Điều này một mặt đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng để tiêu thụ sản phẩm của mình, mặt khác cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nếu nắm bắt được thời cơ, đón đầu.
Theo sự khảo sát của EuroMonitor, số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam đang tăng nhanh và hiện chiếm gần 50% dân số. Giai đoạn 2010 - 2015, tổng quy mô giao dịch và tiếp thị trực tuyến tăng trưởng hơn 8 lần. Thị trường thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ lên tới 10 tỷ USD vào năm 2020.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), thương mại điện tử đang có mức tăng trưởng mà nhiều ngành khác mong muốn là 40%/năm, được dự báo tiếp tục tăng cao hơn nữa đến năm 2020.
Con số này cho thấy đây tiếp tục là miếng bánh đầy hấp dẫn và giải thích tại sao nhiều doanh nghiệp lại tập trung phát triển mảng này đến vậy.
Thương mại điện tử trở thành một hướng đi để phát triển với nhiều doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có sự lựa chọn, sáng tạo riêng cho mình để thu hút khách hàng.
Công nghệ, chìa khóa cạnh tranh
Một lợi thế của sử dụng nền tảng trực tuyến là thông qua các thống kê lượt truy cập, lượt view, doanh nghiệp có thể phân tích tâm lý người tiêu dùng, xác định dòng sản phẩm nào đang hot và có chiến lược marketing phù hợp, hay đẩy các sản phẩm đang tồn kho, lỗi thời, cần thanh lý vào “siêu khuyến mãi”, giảm giá.
Đây là điều rất khó làm được trước đây nếu chỉ sử dụng các cửa hàng truyền thống hay các thuê khảo sát vừa có chi phí cao, vừa phải đặt câu hỏi về hiệu quả và độ chính xác.
Bên cạnh đó, hiện nhiều công ty công nghệ nước ngoài đang chào bán đến các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm tại Việt Nam sản phẩm theo dõi và phân tích xu hướng sử dụng tài khoản của từng cá nhân trong hàng triệu khách hàng mà tổ chức đó đang quản lý, đưa ra những kết luận về nhu cầu từng khách hàng để gửi email, nhắn tin chào bán sản phẩm hay tư vấn những dịch vụ phù hợp nhất với từng người. Mặc dù chi phí ban đầu là rất lớn, nhưng hiệu quả thu về đáng để đầu tư.
Công nghệ cũng giúp những cuộc gặp gỡ, hội họp, đào tạo nội bộ, tiếp xúc dễ dàng, tiết kiệm hơn nhờ trực tuyến. Gần như hàng quý, CTCP Thép Hòa Phát (HPG) đều tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư.
Chỉ với máy chiếu, điện thoại, nhà đầu tư tại văn phòng công ty ở TP.HCM có thể lắng nghe, trao đổi trực tiếp với ban lãnh đạo doanh nghiệp tương tự như các nhà đầu tư đến trực tiếp tại Hà Nội. Không còn những chuyến bay tốn kém thời gian và chi phí mà doanh nghiệp vẫn gặp gỡ được cổ đông của mình.
Với Thế giới di động, theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Thế giới di động (MWG), có một sáng chế nhỏ được đưa vào áp dụng là bảng giá bán lẻ điện tử đã giúp Công ty tạo sự khác biệt so với các hãng bán lẻ khác.
Chỉ cần nhập dữ liệu vào bảng giá Excel và ấn Enter đã giúp Công ty chỉ mất 10 giây để thay bảng giá trên toàn bộ hệ thống hàng trăm cửa hàng trên toàn quốc. Qua đó, không chỉ giúp tiết kiệm về thời gian, chi phí so với thay thế bằng hình thức thủ công mà còn có thể phản ứng một cách đồng bộ, nhanh chóng và tự động trên toàn hệ thống.
“Khi giá lên xuống, họ đã cập nhật giá toàn hệ thống khi đối thủ còn chưa kịp phản ứng”, ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam nhận xét như vậy về ứng dụng của Thế giới
di động.
Chính những sáng tạo, đổi mới như vậy đã tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng phẳng, công nghệ không chỉ dừng lại ở những website cung cấp thông tin, những ứng dụng giao dịch cho điện thoại như các ngân hàng và công ty chứng khoán đã xây dựng, mà còn được ứng dụng vào những sáng tạo trong quản trị để tiết kiệm chi phí và tiếp cận gần hơn đến khách hàng.
Xu hướng công nghệ vừa là thời cơ, vừa là thách thức và thành công sẽ đến với những doanh nghiệp biết nắm bắt, đón đầu xu hướng công nghệ.