Bối cảnh thế giới vẫn rất thuận lợi khi thị trường kỳ vọng gần như chắc chắn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tháng 9/2024. Điều này giúp tình hình vĩ mô trong nước ổn định hơn khi tỷ giá USD/VND đã dần hạ nhiệt, đáng chú ý chỉ số sức mạnh đồng Dollar Mỹ (DXY) trên thị trường quốc tế đã giảm về mức dưới 104 điểm.
Các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới tuần qua chứng kiến sự rung lắc mạnh khi dòng tiền có dấu hiệu luân chuyển từ nhóm công nghệ - viễn thông sang các nhóm ngành truyền thống như: tài chính, bất động sản, nguyên vật liệu. Điều này giúp các chỉ số có tỷ trọng cao ở nhóm ngành truyền thống như DowJones và Russell 2000 ghi nhận hiệu suất tốt hơn so với S&P500 và Nasdaq.
Dòng tiền có sự cải thiện rất đáng kể trong tuần qua khi ghi nhận cao hơn so với 3 tuần trước đó. Cũng giống như diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ, sự chuyển pha của dòng tiền cũng đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhóm các cổ phiếu đã tăng giá nhiều trong thời gian qua như FPT, POW, TCH, GVR… gặp áp lực chốt lời mạnh làm gãy xu hướng ngắn hạn. Bên cạnh đó, nhóm các cổ phiếu “đội sổ” như NVL, PDR, DXG, DIG… tiếp tục chìm sâu, vượt quá sự chịu đựng của không ít nhà đầu tư.
Nhờ sự giải phóng của dòng tiền ở hai nhóm này mà các cổ phiếu đang tích lũy tốt và được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan đã có nhịp tăng giá khá ấn tượng như: MBB, ACB. Bản đồ luân chuyển cho thấy dòng tiền có xu hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán trong nhịp này.
Trên nền tảng vĩ mô ổn định và định giá thị trường phù hợp thì sự luân chuyển của dòng tiền thông minh là diễn biến tất yếu, dòng tiền sẽ luôn vận động mà không nghỉ ngơi. Nhìn chung, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường trong thời gian tới, với sự quay trở lại của nhóm ngân hàng, kết hợp với áp lực bán ròng không còn quá đáng kể của nhà đầu tư nước ngoài thì khả năng VN-Index vượt hẳn kháng cự 1.300 điểm trở nên rõ ràng hơn.