Chuyên gia Yuanta Việt Nam gợi ý đầu tư vào 2 ngành này khi lãi suất hạ nhiệt

Chuyên gia Yuanta Việt Nam gợi ý đầu tư vào 2 ngành này khi lãi suất hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ba ngành được chuyên gia đánh giá sẽ hưởng lợi tốt khi Fed hạ lãi suất là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Tuy nhiên, chỉ 2/3 ngành được ưu tiên đầu tư nhờ định giá và tiềm năng hấp dẫn. 

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về chuyển động thị trường giai đoạn tới và cơ hội đầu tư trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất.

Theo những tín hiệu từ ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, khả năng cao Fed sẽ hạ lãi suất trong lần họp tới đây. Theo ông, điều này sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới?

Trong những giai đoạn trước, Fed chỉ giảm lãi suất khi kinh tế rất xấu, nhưng đợt giảm lãi suất này của Fed là khi kinh tế bắt đầu hồi phục và chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian dài cần hạ bớt để kinh tế tiếp tục hồi phục. Đợt giảm lãi suất này Fed có thể diễn ra một cách rất thận trọng, nhưng vẫn đủ sức trấn an tâm lý nhà đầu tư cũng như chiều lòng thị trường. Điều này sẽ là điểm tích cực không chỉ với thị trường chứng khoán thế giới mà còn với thị trường Việt Nam.

Động thái mới của Fed sẽ tác động đến các nhóm ngành như thế nào thưa ông?

Ba ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong môi trường lãi suất rẻ. Khi Fed giảm lãi suất, cùng với tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước không cần thiết tăng lãi suất trong thời gian này, có thể kéo dài mặt bằng lãi suất sang quý I, quý II/2025 thì dư địa cho thị trường vẫn còn.

Ngược lại, tỷ giá hạ nhiệt thì xuất khẩu sẽ không còn hưởng lợi như giai đoạn khi tỷ giá tăng trong quý I và quý II, nhưng chỉ ảnh hưởng trong giai đoạn ngắn. Về lâu dài, việc xuất khẩu có tốt lên hay không sẽ phụ thuộc vào kinh tế hồi phục, nhu cầu tăng trưởng. Dù tỷ giá ủng hộ mà nhu cầu cho sản phẩm không tăng, giá bán ra thấp thì cũng cũng không có lợi.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Ba ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản được hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp có đồng nghĩa sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn cho giai đoạn tới không, thưa ông?

Cơ hội đầu tư cho 3 nhóm này là có. Với ngân hàng, lãi suất thấp giúp chi phí vốn thấp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng và có NIM tốt. Đặc biệt, nếu như bất động sản hồi phục vào đầu năm sau có thể kéo NIM ngân hàng tăng lên đáng kể hơn.

Đối với chứng khoán, các công ty chủ yếu cũng đi kinh doanh nguồn, giống như ngân hàng, lãi suất thấp thì sẽ có lợi.

Riêng với bất động sản vẫn là câu chuyện kỳ vọng mà chưa phải chu kỳ hồi phục mạnh. Từ ngày 01/08, Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực cũng là yếu tố quan trọng cho việc triển khai dự án một cách có hệ thống và xuyên suốt. Trong một số điều khoản của luật mới, trừ những doanh nghiệp như NLG, KDH, VHM đang có thanh khoản, những doanh nghiệp thanh khoản thấp muốn tiếp tục vận hành và có dòng tiền triển khai dự án mới thì phải đẩy hàng tồn kho dự án cũ, hoặc huy động vốn qua ngân hàng nếu còn dư nợ hoặc phát hành.

Nhưng phần lớn doanh nghiệp không còn dư nợ nên phải phát hành huy động vốn. Tuy nhiên, để phát hành thành công, giá cổ phiếu phải tốt, nên sắp tới có thể sẽ có chu kỳ phát hành cổ phiếu từ nhóm bất động sản, tạo nên một đợt sóng mới cho nhóm này.

Nhìn chung, sự ưu tiên sẽ dành nhiều hơn cho nhóm ngân hàng và chứng khoán.

Ông có nhận xét gì về định giá của hai ngành này? Nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu nào?

Định giá hiện tại của ngân hàng và chứng khoán đều ở mức hấp dẫn, P/B hiện tại đang dưới 2 nên có thể đầu tư. Trong quý II, đây là 2 ngành có mức tăng trưởng tốt nhất, kể cả 6 tháng cuối năm 2 nhóm này vẫn có khả năng tăng tốt nhất, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Bên cạnh đó, nợ xấu ngân hàng có khả năng đã tạo đỉnh từ quý II nên rủi ro lớn nhất đã đi qua.

Nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu theo 3 tiêu chí. Thứ nhất các ngân hàng còn room tín dụng là ACB và HDB vẫn có dư địa tăng trưởng. Thứ hai là về chất lượng tài sản và câu chuyện tăng vốn thì các ngân hàng quốc doanh có thể cân nhắc như VCB, BID. Thứ ba là các ngân hàng có tỷ lệ casa cao, đơn cử như NVB cũng cái tên mới nổi trong nhóm này.

Đối với dòng chứng khoán, câu chuyện refunding sẽ là yếu tố kích thích tiền vào nhóm này, nhà đầu tư có thể tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành như: SSI, HCM và VCI.

Lời khuyên của ông về chiến lược cho nhà đầu tư giai đoạn cuối năm?

Hiện tại, ai cũng sợ hãi mức 1.300 điểm nên cứ đến ngưỡng này là áp lực bán diễn ra mạnh. Nhưng giai đoạn tới thị trường sẽ có sự hỗ trợ tích cực từ ngân hàng, chứng khoán và bất động sản – 3 ngành có tỷ lệ vốn hoá lớn nhất giúp VN-Index có thể vượt 1.300 điểm. Đoạn tăng từ nay đến tháng 10 hoặc đầu tháng 11 vẫn còn, nhà đầu tư nên ưu tiên cho việc ôm và nắm giữ.

Nhưng trong 2 tháng cuối năm, nhà đầu tư cần lưu ý, thị trường không còn nhiều câu chuyện kích thích do nền kinh tế bước vào thời điểm đánh giá lại tốc độ tăng trưởng để đưa ra dự phóng cho chính sách tiền tệ năm 2025. Bên cạnh đó, nền kết quả kinh doanh quý IV/2023 ở mức cao nên kết quả quý IV năm nay có thể giảm xuống và khiến thị trường trầm lắng, thanh khoản yếu đi, áp lực chốt lời tăng lên và cần thời gian để tìm kiếm cơ hội mới.

Tôi dự báo VN-index giai đoạn cuối năm dự báo sẽ xoay quanh 1.350 điểm.

Tin bài liên quan