Chuyên gia VinaCapital: Thị trường đang có định giá tốt, nhưng còn nhiều yếu tố khó dự báo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyên gia VinaCapital cho rằng, ẩn số lớn nhất đối với việc Fed có tăng lãi suất mạnh nữa hay không nằm ở giá dầu. Còn Việt Nam, lãi suất từ nay đến cuối năm cũng sẽ chỉ tăng nhẹ. Với thị trường chứng khoán quý III, có nhiều yếu tố nhà đầu tư cần theo dõi sát sao.

Chiều 23/6, Báo Đầu tư Chứng khoán đã tổ chức buổi Talkshow Chọn Danh mục kỳ 9 với chủ đề: Hành động trong mắt bão. Với sự tham gia của ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF).

CPI cả năm dự báo dưới 4%, lãi suất chỉ tăng nhẹ

Tại buổi talkshow, bà Phương nhận định, thị trường đã phản ánh kỳ vọng Fed có khả năng tăng lãi suất lên mức 3,5% trong năm nay. Và ẩn số lớn nhất đối với việc Fed có tăng lãi suất nữa hay không nằm ở giá dầu. Hiện nay, giá dầu là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới CPI.

Vinacapital nhận định, giá dầu sẽ khó hạ nhiệt trong thời gian ngắn vì nguồn cung hiện giờ đang thiếu. Ngoài ra, lạm phát do sự đứt gãy về nguồn cung cũng khó thay đổi trong ngắn hạn, vì vậy lạm phát trong ngắn hạn vẫn sẽ duy trì ở mức cao. Hơn nữa, việc Fed có tăng lãi suất hay không còn tuỳ thuộc vào chỉ số lạm phát tháng sau của Mỹ như thế nào.

Bà Phương đánh giá, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi áp lực lạm phát này mặc dù lạm phát 5 tháng đầu năm đang ở mức thấp, nhưng chỉ số này các tháng sau chắc chắn sẽ tăng. Bà cho biết, Vinacapital dự báo CPI sẽ đạt đỉnh khoảng 5,5% trong quý IV/2022, nhưng trung bình cả năm vẫn sẽ dưới 4%.

Hiện tại, chúng tôi thấy điều hành vĩ mô của Chính phủ đang rất nhịp nhàng và cân đối, lãi suất điều hành chưa tăng và được dự báo cũng chỉ tăng nhẹ

Bà Nguyễn Hoài Phương

Lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng từ 0,5 - 1 điểm phần trăm trong các tháng đầu năm. Bà Phương tin rằng, do những yếu tố ngắn hạn, bởi chi phí vốn tăng do mặt bằng lãi suất thế giới tăng, các ngân hàng đẩy mạnh chỉ số cho vay trên huy động (LDR) sau những năm đã tăng trưởng tín dụng lớn. Ngoài ra, họ cũng cần thêm nguồn bù đắp cho thanh khoản của thị trường trái phiếu đang bị siết lại.

Bà Phương dự báo, lãi suất từ nay đến cuối năm cũng sẽ chỉ tăng nhẹ vì một phần hạn mức tín dụng đang được kiểm soát và các chính sách hỗ trợ tín dụng đang hướng dòng tiền về khu vực sản xuất kinh doanh.

Vinacapital nhận thấy các doanh nghiệp bắt đầu có dấu hiệu gặp khó khăn trong vận hành và bức tranh lợi nhuận bị ảnh hưởng do cả 2 yếu tố là nhu cầu suy giảm và chi phí đầu vào tăng.

Ví dụ như các doanh nghiệp tiêu dùng sau một thời gian tăng giá bán sản phẩm thì thấy người tiêu dùng bớt chi tiêu lại. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết các đơn hàng đang bị chậm lại đồng thời chi phí vận chuyển và chi phí đầu vào đều tăng mạnh.

Vì vậy, Vinacapital đã hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay của các doanh nghiệp có thể giảm so với mức 25% dự báo đầu năm nay.

Nhìn tiếp sang năm 2023, theo bà Phương, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ ở mức cân bằng hơn, khoảng 10-15% chứ cũng không được như khoảng 20-25% như dự báo do mức nền của năm 2022 đang cao và những cổ phiếu chu kỳ đã được hưởng lợi quá nhiều của năm nay vì giá hàng hoá tăng có thể năm sau sẽ chậm lại.

Hai diễn giả tham gia Talkshow Chọn Danh mục kỳ 9: Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích CTCK SHS và bà Nguyễn Hoài Phương (phải), Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ VESAF

Hai diễn giả tham gia Talkshow Chọn Danh mục kỳ 9: Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích CTCK SHS và bà Nguyễn Hoài Phương (phải), Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ VESAF

Chú ý nhiều yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán trong quý III

Bà Phương nhận xét, thị trường chứng khoán mặc dù đang có định giá tốt, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khó dự báo, trong ngắn hạn bà vẫn duy trì quan điểm thận trọng và cần theo dõi sát sao thị trường.

Trong quý 3 sẽ phải để ý đến tốc độ gia tăng của lạm phát Mỹ vì yếu tố Fed tăng lãi suất đang là yếu tố chính ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư. Vì vậy, luôn cần theo dõi thị trường thế giới biến động như thế nào so với kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Bà Phương cũng chia sẻ hiện tượng TTCK Việt Nam những năm gần đây đã cho thấy sự biến động tương quan khá lớn với thị trường Mỹ. Thêm nữa, yếu tố lạm phát của nước ta cũng đang được quan tâm. Mặc dù 5 tháng đầu năm, lạm phát của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều so với các nước phát triển cũng như một số nước châu Á khác, nhưng áp lực của lạm phát trong thời gian sắp tới sẽ như thế nào và làm sao để định lượng được nó lại là câu chuyện khác.

“Yếu tố tôi nghĩ là quan trọng nhất khi thị trường đã giảm quá bán về vùng định giá thấp rồi, thì các tin tức mới của thị trường, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến chính sách với thị trường vốn sẽ góp phần hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư, giúp thị trường phục hồi”, bà Phương nhấn mạnh.

Theo bà Phương, nhà đầu tư cần để ý đến các vấn đề liên quan tới việc khi nào các ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng mới, khi nào thì gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp thực sự được thực thi và khi nào nền kinh tế Trung Quốc mở cửa, khôi phục lại trạng thái bình thường, thì khi đó Việt Nam sẽ giải quyết được một số vấn đề.

"Cuối cùng là yếu tố thay đổi về Nghị định 153 liên quan đến phát hành trái phiếu và hy vọng sẽ có hướng hỗ trợ hơn so với bản dự thảo gần nhất. Theo tôi, đây sẽ là những yếu tố quyết định xu hướng thị trường trong quý III", bà Phương kết luận.

Tin bài liên quan