Chứng khoán Việt Nam đang rẻ hơn 25 - 30%
Tại hội thảo Kiểm soát rủi ro trong đầu tư chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với VinaCapital tổ chức ngày 12/8, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư VinaCapital cho biết, khối ngoại đang mua ròng rất mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Riêng trong tháng 11, các nhà đầu tư nước ngoài mua vào khoảng 700 triệu USD.
Thực tế, sau hơn 3 năm bán ròng trên thị trường Việt Nam, khối ngoại đã quay trở lại từ tháng 3, 4/2022 - thời điểm chứng khoán Việt Nam có những cú giảm mạnh. Đến nay, họ vẫn tiếp tục mua vào, nguyên nhân do giá cổ phiếu đang rẻ tương đương năm 2011, khi nền kinh tế trong nước gặp phải rất nhiều vấn đề. Nếu so sánh với thị trường khác trong khu vực, định giá thị trường Việt Nam đang rẻ hơn 25 - 30%, bình thường chỉ rẻ hơn 15 - 20%.
Nhìn nhận về các yếu tố đang và sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, ông Minh cho biết, một số yếu tố quốc tế đang chuyển từ tiêu cực sang bớt tiêu cực hơn. Lạm phát toàn cầu chậm lại, đồng USD bắt đầu yếu đi sẽ có lợi cho các thị trường đang phát triển như Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ trên thế giới dần được nới lỏng. Đặc biệt, Trung Quốc sau 3 năm áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn với dịch bệnh đã có dấu hiệu buông lỏng hơn.
Còn trong nước, các yếu tố đang tiếp tục tiếp diễn biến là lãi suất, tỷ giá, vi phạm trên thị trường,.. Trong đó, vấn đề tỷ giá đang diễn ra theo hướng tích cực, vì đầu năm nay, VND mất giá so với USD khoảng 10%, tới nay chỉ còn 5%, cùng với xu thế đồng USD yếu đi trên thế giới sẽ là yếu tố tích cực cho Việt Nam.
Về lãi suất, cách đây vài ngày, Ngân hàng Nhà nước đã tăng room tín dụng cho toàn hệ thống từ mức 14% lên 15,5 - 16%. Đây là tin được thị trường ngóng chờ rất lâu và là tin tốt, vì sau giai đoạn Covid-19 khó khăn, lãi suất tăng, lạm phát tăng, các doanh nghiệp vô cùng khát vốn, còn ngân hàng thì hết room tín dụng để cho vay.
Bên cạnh việc Việt Nam đã mở cửa cho khách du lịch nước ngoài, Trung Quốc - nước chiếm 1/3 tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam bắt đầu nới lỏng zero-Covid. Có nghĩa, Việt Nam sắp đón một lượng khách du lịch mới, là tin các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tiêu dùng chờ đợi từ lâu.
Ngoài ra, nhà nước đang rất kiên quyết trong việc đẩy mạnh đầu tư công. Chúng ta đều biết tăng trưởng kinh tế năm 2023 khả năng sẽ yếu hơn năm 2022, để kích thích kinh tế trong bối cảnh đó, nhà nước đang quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đó là biện pháp trong tầm tay để kích thích được nền kinh tế.
“Chắc chắn, số liệu về đầu tư công, về cơ sở hạ tầng sẽ tăng rất mạnh ngay từ trong quý IV năm nay và sang năm sau, Chính phủ vẫn rất quyết liệt đôn đốc thực hiện”, ông Minh nói.
Ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư VinaCapital |
Tuy nhiên, vẫn có những điểm rủi ro phía trước. Đó là nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại từ tháng 10/2022, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất trong 2 tháng vừa qua tăng trưởng rơi từ mức 10% xuống còn 5%. Chỉ số PMI giảm xuống dưới 50 kể từ khi giãn cách Covid-19 cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục chậm lại. Xuất nhập khẩu cũng chậm lại thấy rõ, do kinh tế thế giới đi xuống vì lãi suất, lạm phát.
Mục tiêu Chính phủ là lạm phát ở mức 4% trở xuống, nhưng lạm phát tháng 11 hơn 4% so với cùng kỳ. "Tất cả các mặt hàng chúng ta nhập khẩu đều tính bằng USD. Dù áp lực đồng USD đang giảm bớt, tuy nhiên, áp lực lạm phát sẽ kéo dài 2 - 3 tháng tới, vì nó sẽ có độ trễ từ chi phí đầu vào”, ông Minh phân tích.
Đặc biệt, thị trường cần quan tâm đến trái phiếu đáo hạn, bởi áp lực trái phiếu bất động sản đáo hạn năm 2023 là rất lớn. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền, tốc độ bán hàng chậm lại, một số công ty phải chấp nhận giảm giá sản phẩm để bán đi cho nhanh và thu được tiền về.
Chuyên gia VinaCapital cảnh báo, nếu có một doanh nghiệp bất động sản đến lịch đáo hạn trái phiếu mà không trả được nợ sẽ gây ra tâm lý rất không tốt trên thị trường, đồng thời lan sang các nhà thầu, ngân hàng, người đi vay để mua nhà,…
Kỳ vọng câu chuyện nâng hạng
Để tóm tắt thị trường chứng khoán trong cả năm 2022 trong 3 cụm từ, ông Minh cho biết đó là: chiến tranh, lãi suất và xử lý vi phạm. Vào đầu năm 2022, thị trường đặt kỳ vọng rất lớn rằng chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt, tuy nhiên những yếu tố không dự báo trước này làm thị trường giảm mạnh.
Nhưng nhìn 22 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index tăng trưởng hơn 11%, trong đó, có 6 năm thị trường giảm và 16 năm thị trường tăng, nhiều hơn 73%. Trong 10 năm gần nhất (2012 - 2021) chỉ có 1 năm giảm, 9 năm tăng.
Trong thập kỷ tới, Việt Nam được dự báo nằm trong top 5 quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Năm nay chỉ còn 1 tháng nữa, khả năng sẽ là một năm thị trường giảm, thì tính 10 năm gần nhất, VN-Index có 8 năm tăng, 2 năm giảm, tỷ lệ không tệ cho đầu tư. Vì thế những cú giảm sâu của thị trường mang lại nhiều cơ hội. Đặc biệt, nhu cầu đầu tư của người dân Việt Nam ngày càng tăng từ thành phần dân số trẻ - lực lượng sẵn sàng chi tiêu và thúc đẩy kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam có một nền kinh tế vô cùng giàu tiềm năng. Trong thập kỷ tới, Việt Nam được dự báo nằm trong top 5 quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Nhờ đó, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường ngày càng lớn lên, lợi nhuận ngày càng tăng, kéo giá cổ phiếu tăng theo.
Nền kinh tế Việt Nam hiện tại được đánh giá không còn là nền kinh tế nông nghiệp như trước đây. Nước ta đang phát triển sang nền kinh tế sản xuất. Sau thời gian dịch bệnh và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Những năm tới, thị trường sẽ thấy làn sóng đầu tư rất lớn từ nước ngoài đến Việt Nam, là cơ sở cho thị trường chứng khoán phát triển.
Ông Minh cũng nhắc đến câu chuyện Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, chúng ta có thể hy vọng điều này xảy ra vào năm 2025. Ông Minh lấy ví dụ chuyện nâng hạng thị trường giống như trong bất động sản, từ đất huyện lên đất quận sẽ được tăng giá rất nhanh. Do đó, thị trường chứng khoán cũng sẽ tương tự như thế.