Chuyên gia VCBF: Việc Fed hạ lãi suất tác động lớn nhất đến yếu tố tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ tại Đối thoại đầu tuần của Báo Đầu tư với chủ đề "Fed giảm lãi suất và ảnh hưởng đến các lớp tài sản đầu tư tại Việt Nam", bà Dương Kim Anh, Giám đốc Đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, khả năng FED hạ lãi suất tháng 9 với xác suất tương đối cao và sẽ tác động lớn nhất đến yếu tố tỷ giá.

Chuyên gia VCBF cho rằng, việc Fed hạ lãi suất tác động lớn nhất đến yếu tố tỷ giá, giảm bớt áp lực cho tiền VND, là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ NHNN duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ nền kinh tế. Về dài hạn, khi nền kinh tế Mỹ khoẻ hơn, tiêu dùng tăng trưởng tốt sẽ hỗ trợ lên xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng chính tế chính của Việt Nam.

Dựa trên những số liệu hiện tại, bà Kim Anh cho rằng phương án hạ cánh mềm có xác suất cao hơn. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Mỹ quý II đang rất tốt, đạt 3%, với 2/3 tăng trưởng đến từ tiêu dùng, ngoài ra còn đến cả từ hàng hoá và dịch vụ. Nền kinh tế Mỹ khoẻ như vậy từ đại dịch đến nay, dù lãi suất được neo cao trong thời gian dài đến từ phần tích lũy gia tăng trong đại dịch.

Bà Dương Kim Anh, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF)

Bà Dương Kim Anh, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF)

Nếu nhìn vào tỷ lệ tiết kiệm/tổng thu nhập khả dụng của người dân Mỹ, trước dịch là 5-6%, nhưng trong thời gian đại dịch 2020 – đầu 2022 đã tăng vọt lên hơn 20 - 30%. Sau đại dịch đến nay, tỷ lệ này giảm nhanh chóng, còn khoảng 2-3%. Hiện phần tích luỹ dư thừa được dồn tích trong thời gian đại dịch đã được tiêu dùng hết nên câu chuyện từ giờ trở đi sẽ sẽ phụ thuộc nhiều vào việc làm và thu nhập hiện tại. Nếu hỗ trợ của Fed không đủ khiến thị trường việc làm diễn biến xấu, nhanh và mạnh sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính người dân, chi tiêu của họ và nền kinh tế.

Trên thực tế, mặc dù không có mối tương quan một cách trực tiếp giữa lãi suất điều hành của Fed và lãi suất tiền gửi hay lợi tức TPCP Việt Nam, nhưng theo bà Kim Anh, nó sẽ có tác động gián tiếp và tác động này chủ yếu thông qua ngoại hối, liên quan tỷ giá.

Nhìn lại thị trường trong 1 tháng gần đây, đồng VND đang tăng giá dần và mức mất giá từ đầu năm đến nay đã giảm bớt so với căng thẳng vào cuối tháng 5. Việc VND tăng giá cũng phần nào theo xu hướng chung thế giới. Theo dõi chỉ số DXY có thể thấy đà giảm rất nhanh, hiện xuống còn 101 điểm, thậm chí có thời điểm về dưới vùng này. Với việc đồng USD yếu đi trên toàn cầu, tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Bên cạnh những yếu tố trên, việc đồng VND mạnh lên cũng có nhiều yếu tố về tâm lý, việc găm giữ ngoại tệ khi thấy đồng bạc xanh yếu đi đã không còn, giúp giải toả áp lực VND. Khi sức ép lên lãi suất không còn, NHNN đã điều chính lãi suất OMO trên thị trường tiền tệ.

Về tình hình kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm, những con số được công bố tương đối tích cực, tuy nhiên đây là mức tăng trưởng dựa trên nền thấp cùng kỳ 2023, như tiêu dùng hiện cũng chưa "khoẻ" bởi mức tăng trưởng chỉ một con số, trong khi lạm phát đạt 4%. Do đó, chính sách của Việt Nam vẫn phải duy trì mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ các doanh nghiệp, đẩy thêm tiêu dùng mới để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 – 6,5% cho 2024 và duy trì cho năm 2025.

Về giá vàng, bà Kim Anh cho biết, thời gian qua, giá vàng thế giới tăng rất mạnh bởi nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là một số NHTW trên thế giới đẩy mạnh mua vàng, cơ cấu danh mục dự trữ của mình, làm cung vàng tăng kéo theo giá tăng vọt. Tuy nhiên, liệu tới đây họ có tiếp tục mua thêm hay không thì chưa thể dự đoán.

"Việc giá vàng tăng thêm hay giảm sâu trong thời gian tới ngoài việc phụ thuộc chi phí vốn, cơ cấu danh mục các nhà đầu tư, nó còn phụ thuộc vào hành động của các NHTW cơ cấu danh mục đầu tư. Việc đầu tư vàng có nhiều biến động khó lường", bà Kim Anh nói và cho biết thêm, nếu với cổ phiếu có thể đánh giá cơ bản về doanh nghiệp, thì giá vàng lại có nhiều yếu tố khó nói trước. Trong quá khứ, vàng có thể đạt đỉnh 1.800 USD vào năm 2011, sau đó giảm sâu, dù có thời điểm tăng nhưng ít, và từ năm 2012 - 2019, tức 7 năm sau mới quay lại đỉnh cũ, lúc đấy chi phí vốn rất rẻ. Fed duy trì lãi suất ở mức thấp nên vàng là lớp tài sản rất khó lường.

Theo VCBF, việc hạ lãi suất chủ yếu để phản ứng lại với những diễn biến trên thị trường. Thông thường Fed hạ lãi suất, trên thị trường đã có tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại.

Khi mà Fed hạ lãi suất từ từ chỉ là chuyện điều chỉnh cân bằng thị trường thì thị trường chứng khoán không có phản ứng mạnh. Nhưng có những đợt như năm 2007, năm 2020, khi Fed hạ lãi suất và hạ rất nhanh thì toàn bộ thị trường không phải phản ứng với Fed hạ lãi suất mà họ đang phản ứng với việc nền kinh tế xấu đi nhanh chóng.

"Chứng khoán là hàn thử biểu nền kinh tế, đi trước khi thấy kinh tế suy thoái, chi tiêu giảm đi, các doanh nghiệp hoạt động không tốt và lợi nhuận tạo ra từ các doanh nghiệp sụt giảm, nên các nhà đầu tư sẽ có phản ứng trước. Họ sẽ bán các tài sản rủi ro đi, đặc biệt là cổ phiếu", bà Kim Anh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan