Tại hội thảo “Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay 19/9, nhiều khuyến nghị chính sách đã được đại diện các bộ ngành và các chuyên gia đề xuất nhằm đảm bảo đồng bộ nhất quán các chính sách hướng tới tập trung thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017, cũng như kế hoạch tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Cần có chiến lược đồng bộ kế hoạch trung hạn dài hạn
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, qua 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 nhằm huy động tối đa các cấp, các ngành, doanh nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu về tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017.
Theo đó, có 3 nhóm giải pháp chính là giải pháp nền tảng, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tận dụng mọi cơ hội của kinh tế quốc tế và trong nước để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đặc biệt là khu vực công nghiệp chế biến chế tạo; kích thích, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, giải ngân nguồn vốn đầu tư…
Toàn cảnh hội thảo
Đối với giải pháp dài hạn, thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao sức cạnh tranh...
Khẳng định nỗ lực nhất quán đạt được mục tiêu tăng trưởng, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) nhấn mạnh, hiện nay, mục tiêu là đã rất rõ ràng, vấn đề là giải pháp và cách thực thực hiện mục tiêu cần được phối hợp đồng bộ thực hiện.
Theo ông Hưng, trong bối cảnh hạn hẹp về ngân sách, rất cần khơi thông cơ chế chính sách nhằm thu hút và huy động được các nguồn lực từ khu vực tư nhân và FDI, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất kinh doanh để đóng góp cho tăng trưởng, đồng thời, cần giảm các điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo ông Hưng, trong bối cảnh các nguồn lực của nhà nước đang ngày càng hạn chế, các động lực tăng trưởng truyền thống đã tới hạn, cần tìm cách thúc đẩy những lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển mà hiện đang bị cản trở bởi môi trường chính sách không thuận lợi. Chẳng hạn, các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa nhiều vào công nghệ trong nền kinh tế số.
Việc gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, loại bỏ các rào cản không cần thiết và chuyển tư duy quản lý từ kiểm soát sang quản lý rủi ro nếu được thực hiện hiệu quả thì sẽ có tác động lớn đối với kích thích tăng trưởng kinh tế.
Ông Hưng cũng cho rằng, cần có chiến lược đồng bộ kế hoạch trung hạn dài hạn, trong đó Luật Quy hoạch chính là biểu hiện sinh động, đồng bộ toàn bộ các quy hoạch tổng thể. Do đó, vai trò của Luật Quy hoạch là rất quan trọng và tinh thần của Luật Quy hoạch mới cần đạt được tính nhất quán và đồng bộ triển khai các mục tiêu theo định hướng phát triển đã đặt ra để đảm bảo đồng bộ các chính sách tăng trưởng ngắn hạn và dài hạn.
Chính sách thuê cần đảm bảo sự tiên liệu
Quan tâm đến vấn đề sửa đổi chính sách thuế khá nóng bỏng đang được các doanh nghiệp hết sức quan tâm thời gian gần đây, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, chính sách thuế là yếu tố quan trọng, tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Tuấn dẫn kết quả khảo sát 2.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, một trong những lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia khác chính là chính sách thuế. Tuy nhiên, gần đây, các nhà đầu tư đang phàn nàn về độ ổn định của chính sách thuế ở Việt Nam.
“Hiện nay, Đề án sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế của Bộ Tài chính có tác động rất lớn tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó việc sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế không chỉ dừng lại ở thuế GTGT (VAT), mà còn tác động tới rất nhiều ngành như bất động sản, kinh doanh ô tô, nông nghiệp, ngân hàng… Tôi cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính cần có những nghiên cứu, đánh giá thận trọng để làm sao hài hòa được mục tiêu tăng thuế cho tăng thu ngân sách, song vẫn đảm bảo không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và đặc biệt là không xung đột với lợi ích của doanh nghiệp”, ông Tuấn khuyến nghị.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay, có 4 ràng buộc tác động tới tăng trưởng của Việt Nam, đó là những khó khăn trong ngân sách; cải cách thể chế, cải cách bộ máy nhà nước; tăng trưởng nhưng vẫn phải tái cấu trúc nền kinh tế; các yếu tố tác động trực tiếp tới tăng trưởng, như ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa vững chắc, vấn đề lạm phát, dự trữ ngoại tệ, bội chi ngân sách, nợ công gia tăng…
Theo ông Thành, dù nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng, song cũng cần lưu ý, tăng trưởng ở thời điểm này không phá vỡ 4 mục tiêu dài hạn là đảm bảo tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu bộ máy nhà nước, đảm bảo cân đối thu chi ngân sách chặt chẽ, giảm thâm hụt, giảm nợ công và ổn định vĩ mô.
Ông Thành cho rằng, có nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những định hướng quan trọng để thu hút các nguồn lự từ FDI và khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng tăng lên.
Ông Thành cũng đề xuất, cần thực sự cải cách tổng thể hệ thống thuế như thuế, phí, cách thu, chi… theo hướng đảm bảo công bằng, có sự giám sát và minh bạch rõ ràng. Chính sách thuế cần đảm bảo tính tiên liệu, dự báo được để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp.
Đặc biệt, các chính sách cần tính tới khả nằng rút lui nhưng không ảnh hướng tới ổn định vĩ mô và tác động tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.