Chuyên gia SSI giải đáp tâm tư "chứng sĩ" về cơ hội tháng 7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Suốt thời gian dài, nhà đầu tư vẫn mải miết tìm kiếm động lực thúc đẩy thị trường đi lên một cách rõ ràng. Nhưng đến nay, niềm tin này càng thêm mong manh hơn khi chỉ cần một vài tác động nhỏ, thị trường vốn nhạy cảm lại có thêm những phản ứng tiêu cực. 
Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research (Ảnh: Dũng Minh).

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research (Ảnh: Dũng Minh).

Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 11 với chủ đề: Tìm cơ hội tháng 7 và triển vọng từ tiêu dùng nội địa, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research đã giải đáp hàng loạt băn khoăn của nhà đầu tư gửi đến chương trình về cơ hội thị trường trong giai đoạn khó đoán này.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có những phiên hồi phục khá tốt trong khi thanh khoản thị trường rất thấp. Vì sao dòng tiền lại chảy vào các nhóm này, diễn biến này có mang ý nghĩa gì về xu hướng thị trường sắp tới không? Liệu nhà đầu tư có thể chọn lọc cơ hội như thế nào ở nhóm này?

Đối với nhóm cổ phiếu tài chính, khoảng thời gian từ cuối tháng 6, đầu tháng 7, xu hướng dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu này rất nhiều.

Thứ nhất là do một bộ phận nhà đầu tư, trong đó có khối ngoại sau khi thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đã giảm rất sâu trong khoảng thời gian 3 tháng trước đó, định giá ở mức hấp dẫn dựa trên tầm nhìn của họ.

Thứ hai là sau một nhịp giảm sâu của các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán trong khoảng thời gian đầu năm thì cung cầu bị mất cân bằng. Theo góc nhìn về mặt kỹ thuật thì khi một nhóm cổ phiếu giảm sâu thì việc có nhịp hồi phục mạnh sau đó là rất hợp lý.

Thứ ba là xuất hiện những câu chuyện hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng. Cụ thể, ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chúng ta có những kỳ vọng về khả năng nới room tín dụng trong quý III/2022; còn đối với nhóm chứng khoán có câu chuyện kỳ vọng rút ngắn thời gian giao dịch xuống T+2 và thúc đẩy thanh khoản thị trường cải thiện hơn kể từ cuối năm nay.

Từ lúc công bố thông tin về T+2, thanh khoản sụt dần tại sao nhóm chứng khoán vẫn tăng giá vậy?

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam công bố dự thảo Quy chế thay thế Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư sẽ có khả năng thực hiện giao dịch với chứng khoán mua về từ phiên giao dịch chiều ngày T+2, đúng ra điều này sẽ có ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường. Nhưng hiện tại, quy chế này chưa đi vào thực tiễn và chúng ta cần phải đợi đâu đó đến khoản quý III, quý IV thanh khoản mới có sự cải thiện.

Còn tại sao trong thời điểm đó, nhóm chứng khoán lại có xu hướng hút tiền thì tôi cũng đã đề cập bên trên và rõ ràng chúng ta có thể nhìn thấy một số lý do. Trước hết là khi thực hiện T+2 người ta bắt đầu kỳ vọng hơn. Giá cổ phiếu phản ánh tương lai nên khi có những câu chuyện hay, giá cổ phiếu lập tức phản ứng. Lý do tiếp là do giá cổ phiếu ngành chứng khoán đã giảm sâu, về mức hấp dẫn cũng kích thích một lượng nhà đầu tư vào tham gia để sinh lời trong ngắn hạn.

Nhà đầu tư đang có dòng tiền nhàn rỗi, không phải tiền vay, có thể tìm kiếm cơ hội nào trên thị trường trong tháng 7 này?

Chắc chắn rồi. Nếu chúng ta đầu tư giao dịch dưới 1 tháng thì tôi xếp tháng 7 vào trạng thái trading ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể tập trung vào một bộ phận cổ phiếu nhóm ngành tài chính để quan sát và lấy vị thế.

Nhóm bán lẻ được hưởng lợi từ sự hồi phục, vậy nhìn riêng cổ phiếu DGW của Digiworld có cầm dài hạn được không?

Những cổ phiếu đầu ngành trong nhóm bán lẻ có thể cân nhắc để giải ngân trong những nhịp điều chỉnh với mục tiêu nắm giữ từ 2 - 3 năm tới.

Nhóm cổ phiếu thép đã điều chỉnh khá nhiều, liệu thời điểm này có nên mua cổ phiếu HPG?

HPG là cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể đầu tư được theo chiến lược chờ những nhịp điều chỉnh để gom dần với mục tiêu từ 2 - 3 năm để chờ chu kỳ của ngành thép quay trở lại.

Việc giá dầu giảm mạnh là tín hiệu tích cực hay tiêu cực đối với thị trường chứng khoán?

Giá dầu khi giảm sẽ phản ánh 2 chiều và ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu dầu khí. Yếu tố tích cực là câu chuyện lạm phát sẽ chững lại. Khi giá dầu giảm trong vài phiên gần đây, Fed sẽ cân bằng và xem xét có nên tiếp tục tăng lãi suất tiếp hay không. Còn giá dầu ở mức hiện tại thì Fed sẽ xem xét giảm lãi suất tới cuối năm 2022.

Tuy nhiên, dưới góc độ thận trọng, theo tôi, giá dầu giảm cũng là chỉ báo cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng chậm dần trong năm 2022 và có thể tới 2023.

Trước đó, có chuyên gia đã nhận định giá dầu sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, cơ hội cho nhà đầu tư vẫn còn nhiều. Hiện nay, SSI có dự báo lại không hay vẫn giữ nguyên với quan điểm này?

Tôi cho rằng, nhóm dầu khí vẫn còn cơ hội trading ngắn hạn dành cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quan sát kỹ nhóm cổ phiếu này.

Trong khi đó, giá dầu vẫn neo ở mức cao mặc dù đã điều chỉnh trong vài phiên gần đây, hiện đang ở vùng giá hơn 100 USD/thùng. Giá dầu đang ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái và so với giai đoạn đầu năm.

Các chuyên gia khuyên mua cổ phiếu bluechip, tránh penny nhưng cổ phiếu đầu cơ mới đem lại sự hấp dẫn cho thị trường, không khó chịu như bluechip?

Điều này còn tùy thuộc vào khẩu vị của từng nhà đầu tư. Có nhà đầu tư chỉ tập trung vào cổ phiếu smallcap, nhưng có nhà đầu tư lại thích sự an toàn và sự tăng trưởng bền bỉ trong dài hạn nên chọn cổ phiếu bluechip.

Ở giai đoạn này, nhiều cổ phiếu penny tăng trần liên tục nhưng cũng phải quan sát và cân nhắc rất kỹ. Nhà đầu tư nên quan tâm đến giá cổ phiếu này trước đó, vì thường một bộ phận cổ phiếu penny khi điều chỉnh sẽ không bán được mang đến rủi ro về mặt thanh khoản. Còn câu chuyện nhiều người thích penny hơn bluechip là điều hoàn toàn bình thường.

Dự báo thị trường trong mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II?

Phiên giao dịch ngày 7/7 mang tính chất vá lại lỗ thủng trong ngày 6/7, vì trong phiên 7/7, chỉ số có xu hướng xuyên thủng đáy ngắn hạn tháng 5 quanh vùng 1.161 -1157 điểm. Khi xuống thấp đến vùng hỗ trợ như thế, về mặt kỹ thuật, chỉ số có xu hướng “pullback” và “cover”. Thường nếu pullback thành công, chỉ số sẽ duy trì trên vùng đáy. Nếu trong vòng 1, 2 phiên tới, chỉ số vẫn duy trì được trên ngưỡng 1.161 - 1.157 điểm thì nhiều khả năng VN-Index sẽ chuyển sang trạng thái sideway trước khi tạo đà hồi phục trong thời gian sắp tới.

Tin bài liên quan