Chuyên gia SSI: Cơ hội ngắn hạn vẫn ở nhóm ngân hàng

Chuyên gia SSI: Cơ hội ngắn hạn vẫn ở nhóm ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ trong chương trình Bí mật đồng tiền số 32, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI cho rằng, ngắn hạn, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có cơ hội, vì lợi nhuận khối này nửa cuối năm vẫn tăng cao, có thể lên đến 40%.

Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư mong muốn các chuyên gia chia sẻ đó là kinh nghiệm giao dịch trong “tháng cô hồn – tháng 7 âm lịch”.

Ông Trần Đăng Nam, Giám đốc dự án Môi giới cá nhân, chi nhánh Hà Nội, CTCK SSI cho biết, trong nghề môi giới, đầu tháng 8 thường được xem là mùa đi săn mới của “bầy sói”, và chu kỳ này tương đối dài, có thể kéo dài đến quý IV hoặc đầu quý I của năm mới. Trải qua nửa năm, những tốt xấu, phân hoá ngành… đang lộ diện rõ hơn, thì khi vào đầu chu kỳ đi săn, những con sói đều đang đi tìm cơ hội mới, từ từ tìm điểm vào, không đẩy ngay lúc ban đầu, mà cuối chu kỳ thì giá thường tăng mạnh - là thời điểm “con sói” ăn xong.

Vậy tiềm năng thị trường ở đâu? Ông Nam cho biết, mọi giai đoạn thị trường, luôn có một nhóm các doanh nghiệp hưởng lợi. Chẳng hạn, dòng tiền đang khó khăn, nên chắc chắn không dàn trải các ngành được, nhưng quan sát thấy nhóm lương thực thực phẩm, năng lượng đang được dòng tiền quan tâm, vì dù có thế nào, thì nhóm này vẫn phải sử dụng, tiêu dùng, vẫn là ngành phòng thủ tốt khi thị trường khó khăn.

Ông Hưng thì cho rằng, SSI Research có đưa quan điểm trong ngắn hạn là ngân hàng, vì ảnh hưởng từ nợ xấu từ Covid không nhiều như nhà đầu tư lo ngại, trong khi lợi nhuận khối này nửa cuối năm vẫn cao, có thể lên đến 40%. Còn rủi ro về thị trường trái phiếu có thể là trong trung hạn, còn ngắn hạn thì ngân hàng vẫn đang có cơ hội.

Những dấu hiệu nhận biết dòng tiền lớn ra vào thị trường, ông Nam chia sẻ kinh nghiệm, dòng tiền lớn đi theo chính sách của Nhà nước. Các nhà đầu tư lâu năm, kinh nghiệm, họ bám rất sát các chuyển động chính sách vĩ mô, xem chính sách đang định hướng ra sao - sẽ định hướng toàn bộ dòng tiền các lĩnh vực chứ không riêng với chứng khoán.

Nói riêng về các nhóm ngành, doanh nghiệp được nhà đầu tư quan tâm, chẳng hạn mùa báo cáo tài chính quý II, lộ diện nhiều “tay ngang” đầu tư chứng khoán thua lỗ, phải trích lập dự phòng lớn, có là biểu hiện cần chú ý gì cho thị trường hay không.

Với kinh nghiệm làm việc cùng nhiều khách hàng, ông Nam nhận thấy, trong 2 năm covid, lĩnh vực kinh doanh chính bị ảnh hưởng, nên vốn lưu động cũng thừa ra, gửi ngân hàng thì lãi suất thấp, trong lúc thị trường chứng khoán bùng nổ thì “tay ngang” vào nhiều hơn. Thay vì đánh nhanh rút gọn thì họ mua cổ phiếu thật tốt và nắm giữ những khi thị trường có biến động nhanh quá. Nên nhớ, thị trường của họ không phải là chứng khoán, mà là ngành hàng hoá khác chẳng hạn, thì họ nắm rất vững thông tin. Vì thị trường chứng khoán biến động quá nhanh hơn thị trường hàng hoá, nên trở tay không kịp.

Còn yếu tố khác là người đầu tư có khi không phải chủ doanh nghiệp, khi đầu tư lỗ rồi thì “sợ bị mắng” nên cứ để đấy, trích lập, chờ hồi sẽ xử lý. Nhưng có một điều cần chú ý, là năm 2020-2021, cổ phiếu giảm rồi quay đầu tăng lại rất nhanh, tạo thói quen rồi, còn nay, cốt lõi đã thay đổi, giá cổ phiếu giảm hẳn xuống mà vẫn chờ, càng chờ càng lỗ - là hiện tượng của rất nhiều “tay ngang” thể hiện trên Báo cáo tài chính quý II vừa qua, ông Nam chia sẻ.

Với nhóm ngành dầu khí, nhà đầu tư e ngại sóng tăng đã kết thúc khi giá dầu đang có xu hướng giảm. Ông Hưng cho rằng, giá dầu hiện nay đang bị áp lực nhiều từ tồn kho tăng mạnh, nhưng độ tương quan giữa biến động giá dầu với cổ phiếu dầu khí của Việt Nam trước đó thì cao, còn như giai đoạn trong tháng 7 thì không cao lắm. Theo đó, rất khó nhận xét giá dầu xuống thì giá cổ phiếu phải xuống ngay trong cùng một phiên thì khó. Có thể nhà đầu tư đang có kỳ vọng về kết quả kinh doanh của nhóm này trong quý III/2022.

Ngược lại, ở nhóm cổ phiếu xây dựng, nhiều kỳ vọng giá vật liệu xây dựng giảm thì có lợi cho ngành xây dựng. Theo ông Hưng, đó chỉ là một phần, còn vấn đề pháp lý các dự án nữa và nhiều khi chủ đầu tư chưa trả tiền cũng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của nhóm này… Tổng thể ngành thì nửa đầu năm chỉ tăng dưới 4%, trong khi GDP tăng 7,7% tức ngành này cũng không có tăng trưởng quá cao.

Đối với tình hình căng thẳng tại Trung Quốc có tác động tới TTCK Việt Nam ra sao? Ông Phạm Lưu Hưng cho rằng, thời điểm này khó đánh giá ngay diễn biến thị trường chung vì mọi người đều đang dừng lại để quan sát, chưa “bắt” thấy rõ cửa nào tốt hay xấu, nên ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam trong ngắn hạn là chưa thấy. Còn trong kịch bản xấu, thì chắc chắn ảnh hưởng vì kinh tế thế giới có biến động thì Việt Nam khó tránh được.

Tuy nhiên, có những câu chuyện khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thì ảnh hưởng không nhiều lắm, thực tế giai đoạn đó kinh tế Việt nam vẫn tăng trưởng mức cao. Với TTCK nói riêng, yếu tố tâm lý rất quan trọng, như năm 2018, các chỉ số vĩ mô vẫn tăng trưởng nhưng thị trường tương đối xấu.

Tin bài liên quan