Chuyên gia S&P Global Ratings cảnh báo mất cân bằng trong hồi phục kinh tế Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Lĩnh vực dịch vụ phục hồi chậm chạp khiến đà phục hồi kinh tế Trung Quốc bị giảm sút, theo chuyên gia kinh tế trưởng của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings.
Xuất khẩu của Trung Quốc cho thấy tín hiệu hồi phục tốt, trong khi tiêu dùng nội địa vẫn suy yếu. Ảnh: AFP

Xuất khẩu của Trung Quốc cho thấy tín hiệu hồi phục tốt, trong khi tiêu dùng nội địa vẫn suy yếu. Ảnh: AFP

Tiêu dùng nội địa vẫn suy yếu

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất đạt tăng trưởng trong năm 2021 bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19. Nước này công bố kinh tế tăng trưởng 2,3% trong năm 2020, nhưng kết quả hoạt động của các lĩnh vực không đồng đều. Đơn cử, trong khi xuất khẩu cho thấy bức tranh hồi phục tốt thì lĩnh vực tiêu dùng nội địa lại tiếp tục suy giảm. "Đây là một trong những lĩnh vực chưa được đánh giá đầy đủ nhất trong quá trình hồi phục kinh tế Trung Quốc; trên thực tế đó là sự mất cân bằng", ông Shaun Roache, chuyên gia kinh tế trưởng của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings nhận định.

"Chiến lược đối phó Covid-19 của Trung Quốc đã thành công nhìn từ góc độ y tế, nhưng nó đang áp đặt một loại chi phí kinh tế dài hạn… mà chúng tôi thấy lĩnh vực dịch vụ đang hồi phục chậm hơn nhiều so với người ta nghĩ. Đó là những công việc chán nản (lĩnh vực dịch vụ) và làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng", ông Roache nói thêm.

Chuyên gia này cho rằng doanh số bán lẻ của Trung Quốc vẫn chưa phục hồi như trước Covid-19. Số liệu chưa đầy đủ của năm 2019, Trung Quốc ghi nhận doanh số bán lẻ hàng tháng tăng trên 8% so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của nước này đã giảm dần hàng tháng kể từ tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 buộc các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế phải đóng cửa.

Phản ứng ngược đời

Kênh truyền hình CNBC dẫn bình luận của giáo sư Michael Pettis từ Trường Quản lý Quảng Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng kinh tế phục hồi chậm một phần là do các phản ứng chính sách của Trung Quốc đối với Covid-19. Trong đó, giới chức Trung Quốc chú trọng nhiều hơn vào việc thúc đẩy nguồn cung của nền kinh tế, điều này đồng nghĩa nhiều biện pháp được triển khai vực dậy doanh nghiệp và các ngành công nghiệp.

Phản ứng của Trung Quốc đối với Covid-19 rất khác so với thế giới bởi Bắc Kinh phản ứng như thể đó là một cú sốc đối với cung và hầu như tất cả các biện pháp đều hướng vào cung. Tình trạng mất cân bằng trong hồi phục các ngành công nghiệp và tiêu dùng ở Trung Quốc được thể hiện qua số liệu lạm phát mới nhất được công bố ngày 10/3. Số liệu chính thức cho thấy chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc tăng 1,7% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,2%.

"Trong khi gần cả thế giới coi Covid-19 là một cú sốc lên phía cầu, nên đã đưa ra các chính sách kích cầu, thúc đẩy phân phối thu nhập và những thứ tương tự, nhưng Trung Quốc thực sự phản ứng như thể đó là một cú sốc lên phía cung", GS. Michael Pettis nói thêm.

GS. Michael Pettis cho rằng, "rất khó xác định nhu cầu nội địa sẽ đến từ đâu", chỉ đến khi có sự thay đổi về trọng tâm chính sách của Trung Quốc. Trung Quốc cho biết nước này muốn tái cân bằng nền kinh tế với việc tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa. Thế nhưng, GS. Michael Pettis cho rằng cần phải xem liệu Trung Quốc sẽ thành công ra sao sau nhiều năm tăng trưởng dựa vào nợ vay.

Tin bài liên quan